Sự cần thiết ra đời Luật Dân số: Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Cần luật hóa điều kiện, trách nhiệm của cơ sở dịch vụ y tế

0
173

GiadinhNet – Theo ông Trần Ngọc Sinh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra (Tổng cục DS-KHHGĐ): Nhiều nước phát triển ở châu Âu, châu Á đã rất chú ý tới các giải pháp can thiệp mang tính dự phòng nhằm nâng cao chất lượng dân số như kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh.

Khám sức khỏe tiền hôn nhân: Cần luật hóa điều kiện, trách nhiệm của cơ sở dịch vụ y tế 1

Cán bộ dân số Lào Cai truyền thông cho chị em phụ nữ dân tộc. Ảnh: Dương Ngọc.

63/63 tỉnh, thành triển khai mô hình

Tại Việt Nam, từ năm 2003, Uỷ ban Dân số, Gia đình và Trẻ em đã triển khai thí điểm một số mô hình, hoạt động can thiệp cho vị thành niên, thanh niên và đối tượng chuẩn bị kết hôn nhằm tăng cường cung cấp cho các nhóm đối tượng này cả về kiến thức, kỹ năng thực hành chăm sóc SKSS, những kỹ năng sống cơ bản chuẩn bị cho họ bước vào cuộc sống gia đình. Trên cơ sở những kết quả đạt được của mô hình thí điểm, Tổng cục DS-KHHGĐ đã từng bước mở rộng địa bàn triển khai can thiệp. Đến năm 2013 đã có 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước triển khai các hoạt động mô hình với tên thống nhất là “Mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân”. Trong Mô hình này, một số xét nghiệm cơ bản được tiến hành như viêm gan B, HIV, yếu tố Rh, thử thai sớm, bệnh lây truyền qua đường sinh sản, vô sinh, bảo vệ sức khỏe bào thai, khám và chuyển tuyến những trường hợp theo quy định…

Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ chia sẻ: Khoản 1, Điều 23 Pháp lệnh Dân số (PLDS) quy định: Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam, nữ kiểm tra sức khỏe trước khi đăng ký kết hôn… Điều 25 Nghị định số 104/2003/NĐ-CP quy định những điều tương tự. Cùng với việc triển khai thí điểm và nhanh chóng mở rộng địa bàn triển khai mô hình, ngày 7/1/2011, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 05/QĐ-BYT hướng dẫn chuyên môn về tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân để phát hiện, phòng ngừa, hướng dẫn điều trị các bệnh lý có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe khi kết hôn, mang thai, sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ, các nguy cơ sinh con bị bệnh, tật bẩm sinh, góp phần đảm bảo hôn nhân bền vững và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Tại một số địa phương trong cả nước, mô hình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân đã được thực hiện hiệu quả. Tính riêng năm 2012, ngoài nguồn kinh phí từ Trung ương (cấp cho 1.402 xã), đã có 564 xã tự bổ sung kinh phí địa phương để triển khai mô hình. Điều đó cho thấy tính cấp thiết của hoạt động tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn cho các cặp nam, nữ.

Cần cân nhắc giữa “khuyến khích” hay “bắt buộc”

“Quan điểm chung của những người xây dựng dự thảo Luật Dân số là tiếp cận các vấn đề trên cơ sở quyền của người dân được đảm bảo”, ông Trần Ngọc Sinh – Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra (Tổng cục DS-KHHGĐ) khẳng định.

Bà Trần Thị Liễu – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Long An cho hay: Long An đã thiết kế một mẫu giấy giới thiệu quản lý đối tượng đến tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn. Tờ giấy này do cán bộ tư pháp xã quản lý. Khi những người chuẩn bị đăng ký kết hôn, cán bộ tư pháp sẽ gửi giấy giới thiệu lên trung tâm y tế huyện để họ được tư vấn và khám. Long An cũng là một trong số rất ít tỉnh hỗ trợ kinh phí địa phương cho các trường hợp khám sức khỏe tiền hôn nhân. Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ Long An cũng cho biết: Số tiền này là 160.000đ/người, bao gồm khám sức khỏe tổng quát, xét nghiệm viêm gan B và HIV.

Ngành dân số TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Tiền Giang… cũng đã nhanh chóng triển khai các hoạt động sàng lọc trước sinh, sơ sinh và tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Điểm ghi dấu ấn tại các địa phương này là sự phối hợp đồng bộ giữa cán bộ dân số và tư pháp tuyến cơ sở nhằm khai thác tối đa việc tư vấn- khám sức khỏe tiền hôn nhân khi các bạn trẻ thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn tại địa phương. Bà Tô Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ thành phố TP Hồ Chí Minh chia sẻ: Chúng tôi đã có chương trình phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Tư pháp thành phố để họ có văn bản chỉ đạo xuống hệ thống quận, huyện, xã, phường.

Ông Trần Ngọc Sinh bày tỏ quan điểm: “Mặc dù đã có quy định, thống nhất quy trình tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, tuy nhiên các quy định hiện hành chưa đề cập đến nội dung, quy trình, điều kiện, thủ tục, đối tượng và trách nhiệm trong việc kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc và can thiệp trước sinh, sàng lọc và can thiệp sơ sinh”.

Khi nhu cầu của nam, nữ trước khi kết hôn đều muốn được đi khám, tư vấn về sức khỏe của bản thân và bạn đời khá cao, để điều chỉnh việc tư vấn và khám sức khỏe cho đối tượng, các chuyên gia về dân số, y tế cho rằng: Cần luật hóa các nội dung chủ yếu quy định về quy trình, nội dung tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; nhu cầu và điều kiện của nam, nữ được tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; điều kiện và trách nhiệm của cơ sở dịch vụ y tế để thực hiện tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Việc khám sức khỏe tiền hôn nhân mang lại lợi ích thiết thực cho bản thân cặp nam, nữ không chỉ về sức khỏe mà còn góp phần đảm bảo tương lai, hạnh phúc gia đình. Khi đã biết về tình trạng sức khỏe, các cặp nam, nữ sẽ dựa trên cơ sở được tư vấn và hướng dẫn của cán bộ y tế, hoàn toàn được trao trọn quyền quyết định hợp lý nhất về tương lai đôi lứa. Tuy nhiên, còn rất nhiều rào cản khi người dân vẫn chưa tự giác đi khám sức khỏe trước khi đăng ký kết hôn.

Bên cạnh đó, nếu khám sức khỏe tiền hôn nhân trở thành thường quy, bắt buộc thì ngân sách nhà nước, địa phương bỏ ra để thực hiện liệu có đủ. Hay tính bảo mật thông tin liên quan đến sức khỏe khách hàng có được đảm bảo? Vì vậy, việc “khuyến khích” như hiện nay hay “bắt buộc” khám sức khỏe tiền hôn nhân cũng cần được cân nhắc kỹ càng.
Thu Nguyên