Hội thảo chuyên đề về Đề án 52: Góp phần thực hiện thành công chiến lược biển

0
178

GiadinhNet – Trong khuôn khổ Hội thảo các chuyên đề về DS-KHHGĐ năm 2013 do Tổng cục DS-KHHGĐ vừa tổ chức tại Kiên Giang cuối tháng 7 vừa qua, một chuyên đề riêng về Đề án kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển (Đề án 52) được các đại biểu ngành dân số 28 tỉnh, thành ven biển tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến.

Hội thảo chuyên đề về Đề án 52: Góp phần thực hiện thành công chiến lược biển 1

Đêm giao lưu nghệ thuật “Những người con của biển” trong khuôn khổ Hội thảo. Ảnh: Đỗ Bá.

3.419 gói đẻ sạch được cấp đến đối tượng

Tại Hội thảo, Phó giám đốc Ban quản lý Chương trình mục tiêu- ông Phạm Hồng Quân đã nêu rõ những kết quả đạt được của Đề án 52 trong  6 tháng đầu năm 2013.

Theo đó, trên địa bàn 28 tỉnh, thành thực hiện Đề án đã thành lập 161 Đội lưu động với thành viên là cán bộ được chọn lọc từ các Trung tâm DS-KHHGĐ, Khoa Sản thuộc bệnh viện tuyến huyện, Trung tâm Y tế huyện và một số Trạm Y tế xã. Bình quân mỗi huyện thuộc địa bàn Đề án có 1 Đội lưu động, mỗi đội khoảng 8 thành viên. Các Đội lưu động đã thực hiện 114.207 lượt tư vấn DS-KHHGĐ tại các xã thuộc địa bàn Đề án, tư vấn 9.099 lượt cho 301.557 người tại các âu thuyền, cảng cá. Tổng số bà mẹ mang thai được các Đội lưu động khám là 57.283 người, 91.114 người được phát hiện bệnh và điều trị. Tổng số trẻ em sinh sống trên địa bàn biển, đảo và ven biển được khám sức khỏe là 67.465 em.

Về nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số khi sinh, trong 6 tháng đầu năm có 9.726 phụ nữ mang thai có nguy cơ cao được khám và tư vấn. 3.419 gói đẻ sạch được cấp đến những phụ nữ mang thai thuộc các địa bàn thực hiện Đề án 52. Đối với nhiệm vụ phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và lây truyền qua đường tình dục, đã có 23.044 ca xét nghiệm soi tươi, 146.515 ca được khám phụ khoa với 68.328 ca được cấp thuốc điều trị bệnh… Các nhiệm vụ khác thuộc phạm vi Đề án bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý, tăng cường, nâng cao hiệu quả truyền thông, hiệu quả quản lý Đề án đều được triển khai đồng bộ.

Theo đánh giá của Tổng cục DS-KHHGĐ, có được thành công trên là nhờ Đề án 52 nhận được sự quan tâm của cả hệ thống chính trị  các cấp, sự hưởng ứng tích cực của địa phương. Riêng trong năm 2013, ngoài kinh phí thực hiện Đề án được Trung ương cấp, đã  có 9 tỉnh, thành ven biển hỗ trợ thêm kinh phí địa phương nhằm thực hiện hiệu quả nhất Đề án 52.

Tăng cường tư vấn tiền hôn nhân

Hội thảo cũng thống nhất các nhiệm vụ trọng tâm phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2013 đối với Đề án 52 trong phạm vi 28 tỉnh, thành. Theo đó, tập trung kiểm soát hiệu quả mức giảm sinh và tỷ số giới tính khi sinh của những địa phương ven biển còn chưa đạt yêu cầu. Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền vận động nhằm tạo thuận lợi về môi trường chính sách, đầu tư nguồn lực và tạo dư luận xã hội đối với các hoạt động của Đề án 52. Thí điểm và nhân rộng các mô hình can thiệp có hiệu quả trên địa bàn thuộc Đề án…

Các đại biểu tham dự Hội thảo cũng đã chia sẻ những khó khăn trong việc triển khai Đề án.

Cụ thể như điều kiện sống và làm việc tại các vùng biển, đảo và ven biển của người dân còn nhiều rủi ro, môi trường ô nhiễm dễ phát sinh bệnh, nhất là đối với chị em phụ nữ. Tâm lý sinh con trai để có thêm lao động của các gia đình miền biển còn rất nặng nề. Trong khi đó, cơ sở vật chất, phương tiện đi lại, mạng lưới cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cấp xã còn thiếu, nhiều xã ven biển chưa có trạm y tế. Có đến 34% trạm y tế xã chưa có bác sĩ. Những khó khăn này là một trong những nguyên nhân khiến 13/28 tỉnh ven biển chưa đạt mức sinh thay thế. Trong số 35 tỉnh, thành trên cả nước có tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao (trên 110/100) thì có đến 17 tỉnh ven biển…

Đại biểu thuộc tỉnh Khánh Hòa cho hay: Trong 3 năm địa phương  thực hiện mô hình Quân,dân y phối hợp truyền thông và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em/KHHGĐ tại các địa bàn đặc thù như đảo, cụm đảo đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ nhận thức của người dân về chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Người dân biển được tiếp cận thông tin, các gói dịch vụ SKSS có chất lượng.

Trong khi đó, đại biểu thuộc tỉnh Tiền Giang chia sẻ mô hình nâng cao kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ của người dân 10 xã thuộc Đề án 52 thông qua tư vấn lồng ghép khi đăng ký kết hôn. Theo đó, khi các đôi nam, nữ đến UBND xã đăng ký kết hôn thì cán bộ tư pháp xã giới thiệu đến phòng riêng của Tổ tư vấn cũng nằm trong trụ sở UBND xã. Tại đây, đôi nam, nữ tự điền vào phiếu thăm dò kiến thức cơ bản về chăm sóc SKSS và được Tổ tư vấn bổ sung những kiến thức thiếu sót, đồng thời giới thiệu đến cơ sở y tế khám sức khỏe với kinh phí được Chi cục DS-KHHGĐ thanh toán theo quy định. Ngay khi các đôi nam, nữ hoàn tất quy trình tư vấn thì mới trở lại gặp cán bộ tư pháp xã làm thủ tục đăng ký kết hôn. Thông qua mô hình này, gần 3 năm qua hầu hết các cặp vợ chồng trẻ tại 10 xã ven biển của địa phương  đều được tư vấn và chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Tìm hướng đi chung

Thông qua Hội thảo, hàng loạt đề xuất, kiến nghị của các đại biểu 28 tỉnh, thành ven biển được nêu ra nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong quá trình thực hiện Đề án 52 như: Cần có thêm chính sách an sinh xã hội, nghề nghiệp khác dành cho phụ nữ vùng biển nhằm góp phần giải quyết tận gốc của vấn đề nam giới sống trên địa bàn thuộc Đề án 52 chỉ có nghề duy nhất là đi biển để nuôi sống gia đình. Mở rộng thêm một số xã thuộc huyện nằm trong địa bàn thực hiện Đề án 52. Nhanh chóng cung cấp đầy đủ phương tiện, sản phẩm truyền thông, phương tiện đi lại cho các Đội dịch vụ lưu động, kể cả cung cấp trang thiết bị chuyên môn y tế như máy siêu âm xách tay, máy xét nghiệm sinh hóa, kính hiển vi, đồng thời tăng cường khuyến khích bác sĩ chấp nhận công tác tại Trạm Y tế các xã thuộc địa bàn Đề án. Đáp ứng đủ ngân sách thực hiện các nhiệm vụ của Đề án 52…

Một số đề xuất thiết thực khác cũng được đưa ra tại Hội thảo: Đưa các huyện thuộc Đề án 52 vào chương trình thực hiện triển khai các mô hình sàng lọc trước sinh-sàng lọc sơ sinh nhằm thực hiện tốt hơn nhiệm vụ nâng cao chất lượng dân số khi sinh, xây dựng nhiều bộ phim khoa học làm tài liệu truyền thông, tăng cường các hội thảo rút kinh nghiệm, giao lưu học tập những nơi làm tốt, những mô hình hiệu quả. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra thường xuyên, sâu sát và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đối với việc thực hiện Đề án 52 cũng được đại biểu các địa phương đề xuất.
Thanh Giang