Ngày Quốc tế Thanh niên (12/8): Thanh niên di cư và những thách thức về sức khỏe sinh sản

0
136

GiadinhNet – “Nhân ngày Quốc tế Thanh niên, chúng ta hãy cộng tác cùng nhau để đảm bảo tất cả thanh niên Việt Nam đều được tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKSS đầy đủ và có chi phí hợp lý”, ông Arthur Erken – Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam có bài viết trên Báo GĐ&XH, với những trăn trở về thanh niên di cư và những thách thức trong tiếp cận dịch vụ chăm sóc SKSS.

Ngày Quốc tế Thanh niên (12/8): Thanh niên di cư và những thách thức về sức khỏe sinh sản 1

Một buổi truyền thông lưu động cung cấp kiến thức chăm sóc SKSS/ tình dục an toàn cho thanh niên do ngành dân số TP Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: P. N.

Những khó khăn, thách thức

Nguyễn Văn Thành, công nhân ở khu công nghiệp Thăng Long là một trong nhiều thanh niên di cư ra Hà Nội để kiếm sống. Cũng như nhiều thanh niên Việt Nam khác từ nông thôn ra thành phố, Thành phải trả phí dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cao hơn khi tiếp cận đến các dịch vụ công.

“Tôi ở nông thôn ra Hà Nội để kiếm một công việc tốt hơn nhưng lại ở quá xa nơi đã đăng ký bảo hiểm y tế. Khi tiếp cận với các phòng khám SKSS công lập, tôi phải tự bỏ tiền trả chi phí khám chữa bệnh cao hơn so với những người có hộ khẩu ở đây. Ước gì mọi thứ không như thế này vì bây giờ tôi thấy khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ mà mình không thể chi trả được”, Thành nói.

Tăng trưởng kinh tế cùng với công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội việc làm ở các thành phố, thu hút một lượng lớn người lao động từ các tỉnh, thành khác. Người di cư chủ yếu là thanh niên như Thành, tuổi từ 15 – 24 và phần đông trong số đó là phụ nữ và trẻ em gái đang trong độ tuổi sinh sản.

Khi những thanh niên di cư ra thành phố tìm việc làm, họ phải sống xa gia đình và cộng đồng của mình. Những trào lưu văn hóa, xã hội đang thịnh hành ở thành phố làm cho họ dễ bị lôi cuốn vào những hành vi có nguy cơ. Nhiều thanh niên di cư dễ có nguy cơ trở thành nạn nhân bị lạm dụng về kinh tế và tình dục, đặc biệt là trong giai đoạn họ còn chưa ổn định về mặt kinh tế.

Thanh niên di cư thường phải đối mặt với những khó khăn trong việc tiếp cận những dịch vụ chăm sóc SKSS của các cơ sở công lập, khiến họ dễ bị mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn và nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục/HIV. Một báo cáo năm 2009 đã cho biết chỉ có 40% nữ thanh niên di cư đi khám phụ khoa định kỳ.

Thanh niên di cư cũng thiếu kiến thức về SKSS, sức khỏe tình dục (SKTD). Nhiều người trong số họ mới chỉ học xong cấp tiểu học hoặc trung học, trong khi chương trình giáo dục giới tính toàn diện hiện vẫn chưa được đưa vào giáo dục ở Việt Nam. Số liệu từ báo cáo khảo sát người di cư của Việt Nam năm 2004 cho thấy, đa số phụ nữ di cư không biết nguyên nhân của bệnh lây truyền qua đường tình dục hoặc các biện pháp phòng ngừa hay điều trị.

Đầu tư cho thanh niên – đầu tư vào quá trình phát triển

Mặc dù Việt Nam đã đạt được những tiến bộ ấn tượng về SKSS/KHHGĐ, nhưng hầu hết các chương trình về SKSS/KHHGĐ lâu nay chỉ hướng tới những cặp vợ chồng đã kết hôn. Ví dụ như Việt Nam đã triển khai một số hoạt động tư vấn tiền hôn nhân cho các cặp vợ chồng trẻ sắp kết hôn nhưng cũng cần phải có các chương trình dành cho thanh niên chưa kết hôn. Không có dịch vụ SKSS/KHHGĐ cụ thể nào dành cho thanh niên chưa kết hôn và người cung cấp dịch vụ không bắt buộc phải cung cấp dịch vụ cho nhóm dân số này. Kết quả là nhiều bạn trẻ không biết phải đi đâu để có các thông tin và dịch vụ về SKSS, SKTD.

Trước những thách thức to lớn như vậy, phần lớn thanh niên di cư Việt Nam, đặc biệt là phụ nữ di cư còn chưa được đáp ứng về thông tin, dịch vụ SKSS có nguy cơ bị nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV, dẫn tới mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn… Vì vậy, đầu tư hơn nữa trong việc cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc SKSS là điều hết sức cần thiết để đảm bảo cuộc sống khỏe mạnh cho thanh niên di cư. Nếu làm được như vậy thì điều này sẽ góp phần nâng cao hiệu suất lao động và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Thanh niên di cư đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển đô thị của Việt Nam một thập kỷ qua. Lực lượng dân số trẻ đang ngày càng trở thành một nguồn nhân lực quan trọng của Việt Nam – cả hiện tại và tương lai. Cải thiện hệ thống y tế để cung cấp thông tin và dịch vụ SKSS, SKTD toàn diện và có thể chi trả được cho thanh niên di cư là hết sức cần thiết. Tiếp cận thông tin và dịch vụ SKSS đầy đủ và hợp túi tiền dành cho thanh niên di cư có thể giảm nhu cầu chưa được đáp ứng về SKSS của nhóm dân số này, từ đó giảm thiểu các trường hợp mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn, tử vong mẹ.

Khi mà thanh niên di cư có cuộc sống khỏe mạnh, làm việc hiệu quả thì họ sẽ có những đóng góp tích cực cho quá trình tăng trưởng và phát triển của đất nước. Dịch vụ SKSS với giá cả hợp lý dành cho thanh niên di cư nên là một cấu phần quan trọng trong việc lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, đặc biệt là những khu công nghiệp.

Nhân ngày Quốc tế Thanh niên, chúng ta hãy cộng tác cùng nhau để đảm bảo tất cả thanh niên Việt Nam đều được tiếp cận các dịch vụ SKSS đầy đủ, có chi phí hợp lý.

Ngày Quốc tế Thanh niên (12/8): Thanh niên di cư và những thách thức về sức khỏe sinh sản 2“Thanh thiếu niên từ 10 – 29 tuổi chiếm khoảng 40% dân số của Việt Nam – một tỷ lệ cao nhất từ trước tới nay trong lịch sử của quốc gia này. Đây là cơ hội kinh tế duy nhất nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức cho Việt Nam. Nếu Việt Nam muốn tận dụng những lợi ích của thời kỳ cửa sổ nhân khẩu học đặc biệt này thì đầu tư về giáo dục và y tế bao gồm chăm sóc SKSS và SKTD cho thanh niên, vị thành niên là hết sức cần thiết”.


Arthur Erken 
(Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam)