Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Đồng ý phương án tổ chức bộ máy DS- KHHGĐ cơ sở

0
128

GiadinhNet – Ngày 20/8, tại Hội nghị Sơ kết công tác y tế 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2013 và kế hoạch 2014 của Bộ Y tế, công tác DS- KHHGĐ được đánh giá đạt các tất cả các mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đóng góp cho cơ cấu tổ chức bộ máy làm công tác DS- KHHGĐ và Bộ trưởng Bộ Y tế đã kết luận về phương án tổ chức bộ máy DS- KHHGĐ cơ sở.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Xuân Diện, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đề nghị nên để trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện, cán bộ chuyên trách dân số cấp xã trực thuộc trung tâm DS-KHHGĐ huyện, biệt phái làm việc tại UBND xã, chi cục DS-KHHGĐ tỉnh trực thuộc Sở Y tế như trước đây. Cũng theo ông Diện, mục tiêu DS-KHHGĐ phải trở thành nhiệm vụ chính trị của cả cấp uỷ đảng và chính quyền địa phương và cần huy động cả hệ thống chính trị vào thì công tác này mới thành công.
 
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến: Đồng ý phương án tổ chức bộ máy DS- KHHGĐ cơ sở 1
Cán bộ chuyên trách dân số Phú Yên truyền thông kiến thức
 làm mẹ an toàn cho người dân. ảnh: Dương Ngọc

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Đông – Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên, ông Hồ Đức Hải Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ, ông Nguyễn Sơn, Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc đều nhất trí quan điểm đề nghị Bộ Y tế đưa Trung tâm DS-KHHGĐ tuyến huyện về trực thuộc UBND huyện, cán bộ chuyên trách dân số cấp xã trực thuộc trung tâm DS-KHHGĐ huyện, biệt phái làm việc tại UBND xã. Xuất phát từ thực tiễn, nếu để chuyên trách dân số xã làm việc tại trạm y tế, trực thuộc Trung tâm y tế huyện, còn Trung tâm DS- KHHGĐ huyện lại trực thuộc Chi cục DS- KHHGĐ tỉnh thì có rất nhiều bất cập. Sự chỉ đạo ngành dọc gặp nhiều khó khăn do cán bộ dân số xã không chiu sự chỉ đạo trực tiếp của trung tâm dân số huyện, còn các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương nhiều nơi  hầu như đứng ngoài cuộc, xem công tác dân số là của riêng ngành y tế. Vì vậy các chỉ tiêu, kế hoạch về DS- KHHGĐ không được đưa vào chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội hàng năm của địa phương, công tác dân số được khoán trắng cho ngành y tế, không thể  huy động các cấp các ngành cùng vào cuộc dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết là trong suốt 30 năm (1960- 1990) công tác DS-KHHGĐ được nhìn nhận là công tác chuyên môn y tế thuần tuý như đình sản, đặt vòng tránh thai, cung cấp dịch vụ sinh đẻ có kế hoạch, vì vậy không năm nào đạt các chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ đề ra. Chỉ từ khi tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ nhận được sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ đảng và chính quyền cơ sở, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trở thành chỉ tiêu kinh tế – xã hội của địa phương thì sự nghiệp dân số mới thu được những thành công như ngày hôm nay. Bản chất của công tác DS-KHHGĐ là một cuộc vận động xã hội rộng lớn, lấy truyền thông giáo dục, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi người dân là giải pháp tiên quyết và cung cấp dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, đặc biệt là phương tiện tránh thai phi lâm sàng. Tất cả các vấn đề thuộc kỹ thuật chuyên môn, dịch vụ tránh thai lâm sàng đều được cung cấp bởi ngành y tế.

Hiện nay số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ đang ở vào giai đoạn có quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam, quy mô dân số vẫn tiếp tục gia tăng, cho dù đã đạt dưới mức sinh thay thế. Vì vậy nhu cầu cung cấp dịch vụ KHHGĐ, vận động thực hiện chính sách dân số vẫn vô cùng cấp thiết. Bên cạnh đó nhiều thách thức mới nẩy sinh như mất cân bằng giới tính khi sinh, già hoá dân số, nâng cao chất lượng dân số, giúp người dân thấy rõ tầm quan trọng của dự phòng 3 cấp để tham gia các dịch vụ tư vấn, khám sức khoẻ tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh nhằm nâng cao chất lược dân số … tất cả các vấn đề này không thể thiếu sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp uỷ đảng, chính quyền cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, đoàn thể. Thực tế 10 tỉnh, thành phố đã thực hiện mô hình đưa Trung tâm DS- KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện, chuyên trách dân số xã làm việc tại UBND xã, đều khẳng định hiệu quả ưu viêt của mô hình tổ chức này.

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhất trí với các ý kiến phát biếu tại Hội nghị về việc đưa Trung tâm DS- KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện và cán bộ chuyên trách dân số xã thuộc biên chế của Trung tâm DS- KHHGĐ cấp huyện, biệt phái về làm việc tại UBND xã.
 
PV