Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về già hóa dân số: Để già hóa không là gánh nặng

0
165

GiadinhNet – Hội thảo đã nhận được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu của quốc tế, giúp Việt Nam ứng phó với tình trạng già hóa dân số, đảm bảo một xã hội tốt lành cho tất cả mọi người, đặc biệt là người cao tuổi.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về già hóa dân số: Để già hóa không là gánh nặng 1

TS Dương Quốc Trọng (giữa), Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ chủ trì Hội thảo. Ảnh: Chí Cường

 
Trong hai ngày 25- 26/9, tại Hà Nội đã diễn ra“Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về già hóa dân số” do Bộ Y tế và Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam phối hợp tổ chức. Hội thảo đã nhận được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu của quốc tế, giúp Việt Nam ứng phó với tình trạng già hóa dân số, đảm bảo một xã hội tốt lành cho tất cả mọi người, đặc biệt là người cao tuổi.

Tham dự Hội thảo có đại biểu các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, lãnh đạo Bộ Y tế, Tổng cục DS- KHHGĐ, lãnh đạo các Viện, Trung tâm nghiên cứu về Người cao tuổi tại Việt Nam, đại diện Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố, đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nhà nước Isarel tại Việt Nam; đại diện Đại sứ quán các nước, các cơ quan Liên Hợp Quốc, các tổ chức quốc tế và tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam. Đặc biệt, Hội thảo còn có sự tham gia của chuyên gia quốc tế đến từ một số nước và vùng lãnh thổ: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Isarel và Đài Loan…

“Nữ hóa trong dân số cao tuổi”
 
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về già hóa dân số: Để già hóa không là gánh nặng 2

Tạo điều kiện cho người cao tuổi sống khỏe và có ích là mục tiêu của nhiều quốc gia. Ảnh: Chí Cường

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS Dương Quốc Trọng-Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) khẳng định: Tăng tuổi thọ là một trong những thành tựu quan trọng của nhân loại.

Đảng, Nhà nước Việt Nam đã có nhiều chính sách về an sinh xă hội dành cho NCT như: Chính sách về bảo hiểm xă hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xă hội… Tuy vậy, hệ thống chính sách an sinh xã hội ở nước ta mới hỗ trợ nâng cao đời sống cho một bộ phận NCT. Hiện có khoảng 2,97 triệu người (39% NCT) được hưởng lương hưu, bảo hiểm xă hội, chính sách đối với người có công và trợ cấp xă hội (1,4 triệu người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội; 680 nghìn người hưởng chính sách đối với người có công; gần 890 nghìn người thuộc diện chính sách trợ cấp xă hội). Như vậy, còn tới 61% dân số cao tuổi sống dựa hoàn toàn vào kinh tế của chính mình.

Tại Việt Nam, cùng với sự phát triển kinh tế- xã hội và việc chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên tỷ lệ và số lượng người cao tuổi (NCT) tăng lên. Tuổi thọ bình quân đầu người hay nói cách khác là kỳ vọng sống tính từ lúc sinh của người Việt Nam vào năm 2010 đạt 73 tuổi. Đặc biệt, những người  ở độ tuổi rất cao tỷ lệ ngày càng tăng. Có thể nói đây là thành tựu rất đáng tự hào của nhân dân Việt Nam trong những năm qua.
TS Dương Quốc Trọng cho biết: Sau Tổng điều tra dân số và nhà ở 2009, Tổng cục Thống kê đã dự báo: Vào năm 2017 Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số, tức là tỷ lệ người trên 65 tuổi đạt 7%. Nhưng chỉ sau 2 năm (2011), tỷ lệ NCT ở Việt Nam trên 65 tuổi đã đạt 7%; tỷ lệ NCT từ 60 tuổi trở lên đã đạt 10%, có nghĩa là dự báo trước đó đã trở nên lạc hậu. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số, hay nói cách khác dân số Việt Nam đang già. Đến khi tỷ lệ NCT trở lên đạt 14%, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già.
“Điều này mang lại cơ hội, thách thức mà chúng ta phải đón nhận trong tương lai. Chúng ta cần tận dụng một cách có hiệu quả nhất một lực lượng, một vốn quý của đất nước, dân tộc, đó chính là người cao tuổi. Đó là lý do vì sao chúng ta tổ chức Hội thảo này. Tôi mong rằng qua Hội thảo, chúng ta sẽ tìm ra những bài học kinh nghiệm tốt cho Việt Nam trong tương lai…” – TS Dương Quốc Trọng chia sẻ.
Trong báo cáo "Tổng quan về già hóa dân số của Việt Nam", ông Nguyễn Văn Tân- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Hiện dân số cao tuổi nước ta có sự chênh lệch lớn về cơ cấu giới tính. Ở nhóm tuổi càng cao sự chênh lệch giới tính càng lớn. Năm 2012, tính chung trong dân số cao tuổi (60+) cứ 1,4 cụ bà có 1 cụ ông nhưng ở nhóm tuổi 80+ cứ 1,8 cụ bà có 1 cụ ông và ở nhóm tuổi  85+ cứ 2,1 cụ bà có 1 cụ ông. Điều này dẫn đến hiện tượng “nữ hóa trong dân số cao tuổi”.
Thay mặt Tổng cục DS-KHHGĐ, ông Nguyễn Văn Tân khuyến nghị: Cần khuyến khích các tổ chức chính trị, xã hội… lồng ghép tuyên truyền vận động về chăm sóc và phát huy NCT trong nội dung sinh hoạt của tổ chức mình; hỗ trợ nguồn lực và tích cực tham gia cùng Hội NCT đẩy mạnh triển khai thực hiện các mô hình, phong trào chăm sóc NCT… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục và vận động thay đổi hành vi phù hợp với xu hướng già hóa dân số…
 
Những bài học quý báu

Sau 2 ngày Hội thảo, các đại biểu thống nhất: Phải có các chính sách hợp lý để giải quyết thách thức chăm sóc NCT trong cộng đồng, với việc tập trung đầu tư quan tâm đến NCT, đầu tư nguồn lực, nâng cao trách nhiệm cộng đồng, cá nhân, chính quyền địa phương… nâng tầm quan tâm chính sách lên quy mô hơn, bài bản và khoa học hơn. Yêu cầu là đảm bảo nguồn lực thực hiện các đề án, dự án, mô hình đã được phê duyệt; nguồn lực để tăng cường truyền thông vận động để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi cho NCT, chăm sóc NCT. Nâng cao kiến thức, kỹ năng để NCT tự chăm sóc mình và để cộng đồng chăm sóc họ tốt hơn.

Hội thảo đã nhận được rất nhiều tham luận quý báu của bạn bè quốc tế. Giáo sư Du Peng – Viện Lão Khoa, Trường Đại học Renmin Trung Quốc cho biết: Già hóa dân số ở Trung Quốc đã và đang là mối quan tâm lớn của xã hội, Chính phủ vì mức sinh tại Trung Quốc hiện ở mức thấp, tuổi thọ trung bình của dân số tăng cao. Vào cuối năm 2012, Trung Quốc có 194 triệu người từ 60 tuổi trở lên, chiếm 14,3% tổng dân số. Chính phủ Trung Quốc đã và đang tích cực đưa ra những hành động cụ thể nhằm đáp ứng các thách thức về già hóa như thay đổi chính sách kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) và các chính sách dân số khác; thành lập hệ thống dịch vụ xã hội cho NCT nhằm cải thiện công tác chăm sóc đối tượng này. Năm 2012, Trung Quốc đã sửa đổi Luật Bảo vệ quyền và lợi ích của NCT. Luật này ra đời từ năm 1997, sau hơn 10 năm thi thành, Luật được sửa đổi để đáp ứng phù hợp với thực tế…

Còn tại Thái Lan, 20 năm qua, đất nước này đã triển khai nhiều chương trình an sinh xã hội  cho NCT hiện tại và tương lai. “Thái Lan có một chương trình chăm sóc y tế miễn phí dành cho NCT nghèo được đưa ra vào năm 1989 và được mở rộng để chi trả cho tất cả NCT từ năm 1992”, Giáo sư Suthichai Jitapunkun – thuộc Trường Đại học Tổng hợp Chulalongkorn, Thái Lan cho biết.
Ông Arthur Arken- Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam chia sẻ: Hy vọng các thông tin phong phú, các giải pháp chính sách được đưa ra tại Hội thảo sẽ giúp Việt Nam và các quốc gia tham dự có được định hướng phù hợp trong việc xác định các vấn đề tồn tại và đưa ra các khuyến nghị trong tương lai giúp đảm bảo một xã hội tốt lành cho tất cả mọi người, đặc biệt là NCT.
Ông Arthur đã nêu lên 4 thông điệp cơ bản cho Việt Nam trong việc đối phó với xu hướng già hóa dân số. Thứ nhất,Việt Nam rất cần có các chính sách, chiến lược thực tế và phù hợp. Thứ hai, Việt Nam cần phải đảm bảo đưa vấn đề già hóa và nhu cầu của NCT vào tất cả các chính sách và chương trình phát triển quốc gia, bao gồm các chính sách về giới, các chương trình giảm thiểu tác hại và kế hoạch thích ứng với biến đổi khí hậu. Thứ ba, đầu tư cho y tế, giáo dục, công việc ổn định cho thanh niên đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các nhu cầu của thế hệ người cao tuổi trong tương lai. Thứ tư, NCT có nhiều kinh nghiệm, kiến thức. Tiếng nói của họ cần phải được lắng nghe. Họ cần được tiếp cận tới các dịch vụ xã hội và chăm sóc sức khỏe ở mức có thể chi trả được…
 
Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về già hóa dân số: Để già hóa không là gánh nặng 3

Các đại biểu thảo luận theo từng nhóm vấn đề. Ảnh: C.Cường

Những vấn đề đang xảy ra ở hầu hết các quốc gia già hóa như: Nhật Bản, Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác đã đưa ra những bài học quý báu cho Việt Nam khi chuẩn bị các chiến lược, chính sách và chương trình ứng phó với vấn đề già hóa dân số. Đây là một quá trình diễn ra tự nhiên, quá trình này không chỉ bắt đầu khi con người bước vào tuổi 60. Thế hệ thanh niên của ngày hôm nay sẽ là một phần trong tổng số 2 tỷ NCT vào năm 2050. Một thế giới tốt đẹp hơn cho những người trẻ tuổi ngày hôm nay sẽ là một thế giới tốt đẹp hơn cho NCT vào năm 2050.  
 
GĐ&XH