Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số: Sinh nở không chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình

0
147

GiadinhNet – Ngày 24/9/2013, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã long trọng tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (2003-2013).

Sinh nở không chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình 1

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến trao bằng khen của Bộ Y tế cho các đơn vị, tập thể có thành tích thực hiện Pháp lệnh Dân số giai đoạn 2003 – 2013. Ảnh: Chí Cường

 
Đến dự và chỉ đạo Hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ. Hội nghị còn có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Y tế, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, các bộ, ngành, đoàn thể liên quan, lãnh đạo UBND, Ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố trong cả nước, cùng nhiều chuyên gia về lĩnh vực DS-KHHGĐ…
 
Tạo nền tảng vững chắc cho sự ra đời của Luật Dân số
Tại Hội nghị, TS Dương Quốc Trọng-Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã trình bày “Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số”.
Báo cáo khẳng định: Trải qua 52 năm (kể từ năm 1961) xây dựng và trưởng thành, công tác DS-KHHGĐ Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, được Đảng và Nhà nước ghi nhận với phần thưởng cao quý là Huân chương Độc lập hạng Nhất, được bạn bè và cộng đồng quốc tế ghi nhận thông qua Giải thưởng Dân số của Liên Hợp Quốc. Những thành tựu đó tạo nền tảng vững chắc để toàn thể đội ngũ những người làm công tác DS-KHHGĐ Việt Nam bước vào thời kỳ mới với nhiều vận hội mới, nhiệm vụ mới.
Pháp lệnh Dân số (PLDS) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ban hành ngày 09/01/2003 và có hiệu lực từ ngày 01/5/2003. Cho đến nay, PLDS vẫn là văn bản pháp lý cao nhất của nước ta, điều chỉnh các quan hệ pháp luật giữa các chủ thể trong lĩnh vực dân số. Với 7 Chương, 40 Điều, PLDS đã điều chỉnh các vấn đề liên quan đến kết quả của dân số và quy định các biện pháp thực hiện công tác này. Sau khi PLDS được ban hành đã có 23 luật và dự luật có những nội dung liên quan gần gũi, nhiều nội dung đã được “gợi mở” từ PLDS như: Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật Bình đẳng giới, Luật Cư trú, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Người cao tuổi, Dự luật Hộ tịch…
Mười năm thực hiện PLDS đã mang lại cho Việt Nam những thành quả hết sức đáng trân trọng, tự hào. Đến 1/4/2012, quy mô dân số nước ta là 88,78 triệu người và chắc chắn đạt được mục tiêu Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản của Chính phủ đặt ra đến năm 2015 (quy mô không vượt quá 93 triệu người), bình quân mỗi năm tăng thêm 924.000 người. Sau 4 năm thực hiện PLDS (2007), chúng ta đã bước vào "kỷ nguyên vàng", đó chính là thời kỳ cơ cấu "dân số vàng", một thời kỳ chỉ có duy nhất một lần trong lịch sử phát triển nhân khẩu học của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.  Những điều này đã minh chứng, PLDS đã đặt nền tảng cho sự thành công đó…
Theo TS Dương Quốc Trọng, những thành công trong lĩnh vực dân số đã mở ra một vận hội vô cùng lớn lao cho Tổ quốc, dân tộc. Tuy nhiên sau 10 năm thực hiện PLDS, bức tranh dân số nước ta hiện đã có nhiều thay đổi căn bản so với trước đây. Trước bối cảnh mới, vấn đề mới, việc nâng cấp từ PLDS lên Luật Dân số là hết sức cần thiết.
 
Vượt mọi khó khăn
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chỉ rõ: Mặc dù đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, song công tác DS-KHHGĐ hiện đã bộc lộ những khó khăn, thách thức. Hiện nay, quy mô dân số nước ta đã gần 89 triệu người, là quốc gia đông dân thứ 13 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á. Tốc độ tăng dân số tuy đã giảm nhiều song do quy mô dân số khá lớn, mỗi năm nước ta tăng 1 triệu người, mật độ dân số 267 người/km2, là nước nằm trong nhóm các nước có mật độ cao nhất thế giới. Chất lượng dân số thấp, tốc độ già hóa dân số nhanh, mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề nóng và tiếp tục tăng. Nếu không được xử lý kiên quyết ngay bây giờ sẽ để lại những hệ lụy rất nặng nề về mặt xã hội, kinh tế thậm chí an ninh chính trị. Đầu tư đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho hơn 1 triệu người gia nhập lực lượng lao động hàng năm cũng là vấn đề lớn đòi hỏi sự phấn đấu, nỗ lực của các ngành, các cấp và xã hội.
Để giải quyết các khó khăn, thách thức, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đề nghị trong thời gian tới, toàn ngành DS-KHHGĐ cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác trên tất cả mọi mặt, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến chân thành cảm ơn và mong tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp về sự lãnh đạo, chỉ đạo và mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tham gia tích cực của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, các quốc gia, các tổ chức phi Chính phủ trong công tác DS-KHHGĐ của Việt Nam.
 
Đưa công tác Dân số lên một tầm cao mới
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Dân số là một vấn đề vô cùng quan trọng, không chỉ tác động đến ngày hôm nay mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển, phồn vinh của đất nước.
Ngay từ năm 1961, Việt Nam đã có Quyết định số 216/CP do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký về việc “Sinh đẻ có hướng dẫn”. Trải qua 52 năm, với nhiều giai đoạn, người dân cả nước đã coi việc sinh đẻ là vấn đề của quốc gia, là sự tồn vong của đất nước chứ không chỉ là câu chuyện của một gia đình riêng lẻ. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng đã biểu dương một số thành tựu nổi bật mà công tác DS-KHHGĐ đã đạt được: Việt Nam đã duy trì được tỷ suất sinh, đã đạt và giữ vững mức sinh thay thế trong nhiều năm. Từ năm 1960, số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ là 6,3 – 6,4 con, đến năm 2012, con số này giảm xuống, chỉ còn 2,05 con. Nhờ duy trì mức sinh hợp lý, giúp Việt Nam có được cơ cấu dân số “vàng” và sẽ kéo dài đến năm 2049. Mặc dù chưa giàu về kinh tế, nhưng tuổi thọ người Việt Nam đã cao hơn. Nếu năm 1961, tuổi thọ trung bình là 40 tuổi thì năm 2012, con số này tăng lên 73 tuổi. Tỷ suất chết của trẻ dưới 1 tuổi ngày càng giảm, từ 51%o (phần nghìn) xuống còn 15%o.Tỷ suất chết mẹ cũng giảm mạnh…
Phó Thủ tướng nói: “Đây là những thành tựu hết sức tự hào. Để đạt được thành tựu trên đây, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhân dân cả nước, còn có sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế, các nước trên thế giới…”; đồng thời Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ những khó khăn của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới và đề nghị ngành Dân số khi xây dựng chính sách phải có tầm nhìn xa, có sự tính toán sao cho phù hợp. "Tôi rất mong không chỉ ngành y tế, ngành giáo dục, văn hóa, truyền thông mà tất cả các ban, ngành cùng vào cuộc để công tác dân số thành công, làm sao chúng ta đạt được yêu cầu toàn dân, toàn hệ thống chính trị làm công tác dân số và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc…", Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Cũng trong dịp này, 95 tập thể, 159 cá nhân thuộc các bộ, ngành, đoàn thể, Tổng cục DS-KHHGĐ và các Chi cục DS-KHHGĐ đã được tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế vì những thành tích thực hiện PLDS giai đoạn 2003 – 2013.
 

 

Sinh nở không chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình 2
“Khi xây dựng dự luật Dân số cần tiếp thu các bài học trong 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số, hơn 50 năm thực hiện chính sách dân số của Việt Nam, các bài học quốc tế, cả bài học thành công cũng như chưa thành công… để có được một bộ luật tốt nhất, phù hợp nhất, thúc đẩy công tác dân số nói riêng, sự phát triển của đất nước nói chung”.
(Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân)

Sinh nở không chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình 3

“Kể từ ngày có hiệu lực đến nay, Pháp lệnh Dân số đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công các mục tiêu hàng năm và dài hạn về dân số, nâng cao trách nhiệm của mọi công dân trong việc kiểm soát sinh sản, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số, nâng cao hiệu lực quản lý của Nhà nước về dân số và pháp luật…”.  

 
 
(Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến)
 
Sinh nở không chỉ là chuyện riêng của mỗi gia đình 4
“Tôi tin tưởng rằng Luật Dân số của Việt Nam sẽ được xây dựng dựa trên bằng chứng khoa học và thích ứng với các cơ hội và thách thức của tình hình dân số mới, cũng như đáp ứng được những mong muốn và khát vọng của người dân Việt Nam về một tương lai tươi sáng, thịnh vượng”.
 
(Ông Arthur Erken – Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam)
 
GĐ&XH