10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số: Sự vào cuộc đồng bộ

0
167

GiadinhNet – Thời gian vừa qua, các bộ, ban, ngành, đoàn thể đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số (PLDS).

 

10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số: Sự vào cuộc đồng bộ  1

Giới  trẻ tỉnh Lạng Sơn hưởng ứng Lễ  phát động Chiến dịch tăng cường, lồng ghép chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân vùng sâu, vùng xa tại khu vực phía Bắc.
 Ảnh: Việt Hà.

Đây là cơ hội để chúng ta nhìn nhận, đánh giá lại kết quả đã đạt được, trên cơ sở những tồn tại để đề xuất, kiến nghị cho Dự thảo Luật Dân số đang được tiến hành.

Nhân rộng những mô hình thiết thực

 

Đa số đại diện các bộ, ngành đóng góp ý kiến: Cần quy định cụ thể về điều kiện, chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với các tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ DS/chăm sóc SKSS tại vùng dân tộc ít người. Luật Dân số cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền địa phương, các tổ chức, cá nhân liên quan trong việc bảo tồn, phát triển có chất lượng, số lượng dân số đối với các dân tộc rất ít người đang có nguy cơ suy giảm dân số. Các bộ ngành cũng đề xuất việc đưa công tác DS-KHHGĐ là một nội dung của Chương trình di dân quốc gia…

Trong 10 năm qua, nhiều bộ, ngành, đoàn thể đã xây dựng những mô hình truyền thông, câu lạc bộ sinh hoạt về nội dung DS-KHHGĐ tạo nên “thương hiệu” mang đậm bản sắc từng ngành.

Nếu Hội LHPN Việt Nam 10 năm qua đã gắn với cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” trong đó tiêu chí không sinh con thứ 3 trở lên được xem là tiêu chí “cứng” trong phong trào này; thì Hội Nông dân các cấp đã đưa những chính sách, hoạt động về DS-KHHGĐ thông qua khoảng 30.000 mô hình, tổ, nhóm, câu lạc bộ nông dân, điển hình như CLB Nam nông dân không sinh con thứ 3, CLB Gia đình nông dân phát triển bền vững…Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong 10 năm qua đã xây dựng được 3.479 nhóm sinh hoạt theo mô hình CLB Thanh niên với dân số và phát triển tại cộng đồng. Đặc biệt, thanh niên, vị thành niên trong cả nước còn được cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn về SKSS/KHHGĐ qua sóng phát thanh từ chương trình “Cửa sổ tình yêu”…

Riêng với Uỷ ban TW Mặt trận tổ quốc Việt Nam lại gắn với “thương hiệu” cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư”. Từ năm 2005, Ban Thường trực Uỷ ban TW MTTQ Việt Nam bắt đầu hỗ trợ xây dựng 15 CLB “Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại 3 tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và hơn 30 mô hình điểm “Khu dân cư đoàn kết thực hiện gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng và hạnh phúc”. Năm 2009, Uỷ ban đã xây dựng mô hình mới với sự tham gia nhiệt tình của các vị chức sắc tôn giáo, cụ thể là mô hình “Gia đình đồng bào Phật tử tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 2 xã của tỉnh Hưng Yên và mô hình “Gia đình đồng bào Công giáo tham gia khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” tại 2 xã của tỉnh Thái Bình. Năm 2012, hai mô hình này được nhân rộng ra 3 tỉnh: Hải Dương, Nam Định và Thừa Thiên- Huế…

Đánh giá tổng kết 10 năm thực hiện PLDS của các bộ, ban, ngành, đoàn thể cũng cho thấy, 100% cán bộ, công chức, đảng viên đã nắm được những quy định cơ bản về PLDS. Các văn bản liên quan, quy mô gia đình ít con được đại đa số cán bộ chấp nhận. Nhờ đó, các bộ, ban, ngành đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác DS-KHHGĐ.

Nhiều sáng kiến, đề xuất hay cho Luật Dân số

Về những tồn tại trong việc thực hiện PLDS cho thấy: Nguyên nhân dẫn đến việc một số kết quả chưa thực sự tốt- Đó là định kiến giới, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn tồn tại và ăn sâu vào nhận thức của một bộ phận người dân, thậm chí trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Ở một số nơi, các cấp, các ngành chưa vào cuộc một cách đồng bộ, có lúc còn lỏng lẻo, sự phối hợp chưa chặt chẽ.

Bên cạnh đó, các bộ ngành cũng nêu quan điểm về việc xử lý các vi phạm về chính sách dân số chưa nghiêm, chưa thống nhất, chế tài chưa đủ mạnh để giáo dục, răn đe. Ngoài ra, một số quy định của PLDS còn nặng tính nguyên tắc, chung chung, thiếu cụ thể hóa nên khó áp dụng trong thực tiễn. Cán bộ làm công tác tuyên truyền còn thiếu, chủ yếu  là kiêm nhiệm và ít được tham gia các lớp tập huấn.

Các bộ ngành cũng đã góp ý kiến:  PLDS chưa có quy định cụ thể  tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục và điều kiện đối với các đối tượng thụ hưởng, các tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp dịch vụ KHHGĐ/chăm sóc SKSS. Một điểm được các bộ ngành góp ý: PLDS chưa có quy định cụ thể về chính sách, biện pháp trợ giúp cho nhóm đối tượng người nước ngoài kết hôn với người Việt Nam ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa. Đại diện các bộ, ngành, nhất là TW Hội Nông dân Việt Nam, Hội LHPN Việt Nam cũng đã chỉ ra: Việc thực hiện các biện pháp tránh thai chủ yếu vẫn là nữ giới, còn tỷ lệ nam giới sử dụng vẫn khá thấp…

Tất cả các bộ, ngành đều kiến nghị chung là phải sớm ban hành Luật Dân số và văn bản hướng dẫn kịp thời. Cần tiếp tục thực hiện các hình thức vận động, truyền thông, giáo dục về công tác DS-KHHGĐ, chăm sóc SKSS và có kế hoạch, kinh phí lâu dài. Các bộ, ngành cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Dân số tập trung vào những vấn đề mới phát sinh, trong đó có tính đến những yếu tố khó khăn về điều kiện tự nhiên, KT- XH ở vùng sâu, vùng xa, biên giới và văn hóa ở khu vực có đông đồng bào dân tộc ít người.

 

10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số: Sự vào cuộc đồng bộ  2Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội – ông Nguyễn Văn Tiên:

Cần sớm ban hành Luật Dân số

“Có thể nói, thời gian qua chất lượng dân số Việt Nam đã được cải thiện nhiều nhờ các chính sách, giải pháp về KHHGĐ, chăm sóc bà mẹ, trẻ em.

Sự phát triển kinh tế nói chung đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng dân số…

Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Dân số, nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức. Ngành dân số cũng đã rốt ráo phối hợp với các ban-ngành kiểm tra.  Tuy nhiên việc này gặp không ít khó khăn. Để giải quyết, cần có những biện pháp tổng thể như tuyên truyền, xử phạt, thực hiện các chính sách động viên, khuyến khích những cá nhân, tập thể thực hiện tốt Pháp lệnh Dân số. Nói cách khác, chúng ta phải thực hiện tốt bình đẳng giới.  Như vậy, ngành Dân số phải tích cực thúc đẩy xây dựng dự án Luật Dân số, trong đó có quy định chặt chẽ về vấn đề sàng lọc trước sinh và sau sinh một cách cụ thể chứ không chỉ dừng lại ở mức thí điểm sàng lọc trước sinh ở một số địa phương như hiện nay. Ngân sách cho lĩnh vực này cũng phải tăng. Đây chính là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc thế hệ tương lai…”.      
 
10 năm thực hiện Pháp lệnh Dân số: Sự vào cuộc đồng bộ  3Ông Nguyễn Đức Thụ – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội- Văn phòng Quốc hội:
Luật cần đảm bảo tính thống nhất 
Kết quả giám sát tại 15 tỉnh trên cả nước trong 3 năm 2010-2012 và qua các Hội thảo về DS-SKSS/KHHGĐ được tổ chức hàng năm cho thấy: Tại hầu hết các địa phương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND, đã ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện công tác DS-KHHGĐ. Đã có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành y tế, dân số và các ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số.
“Nhiều nơi đã hỗ trợ thêm ngân sách địa phương cho hoạt động dân số từ 500 triệu- 3 tỷ đồng/năm. Một số tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho cán bộ chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số hàng tháng như Bạc Liêu (thêm 400.000đ/tháng/cán bộ chuyên trách và 30.000đ/tháng/cộng tác viên), Tiền Giang hỗ trợ thêm  cho cán bộ chuyên trách dân số mỗi tháng 0,13 mức lương cơ bản…”- ông Thụ chia sẻ. Kết quả giám sát về tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ tại cơ sở cho thấy: Hầu hết các địa phương đều đồng tình với quan điểm: cán bộ chuyên trách dân số khi chuyển về làm việc tại trạm y tế xã ít có hiệu quả, thay vào đó là làm việc tại UBND xã, tham mưu trực tiếp cho Trưởng ban chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ xã, phường…“Nếu công tác dân số chịu sự quản lý, lãnh đạo trực tiếp của UBND các cấp thì hiệu quả công tác tham mưu, vận động sẽ tốt hơn rất nhiều !”- ông Thụ nói.
Qua các đợt giám sát này, Vụ Các vấn đề xã hội- Văn phòng Quốc hội cũng đã kiến nghị đối với Dự thảo Luật Dân số, trong đó lưu ý nhiều đến vấn đề di cư, chính sách đối với các dân tộc ít người (dưới 10.000 người), các nhóm đối tượng dân số đặc thù…Đồng thời, Đoàn giám sát cũng đã khảo sát các luật có quy định nội dung liên quan đến dân số. Ông Nguyễn Đức Thụ cho rằng: Các quy định trong Luật Dân số cần bảo đảm tính hợp hiến, tính thống nhất và tránh trùng lắp với các quy định của một số luật có liên quan và phù hợp với Công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.
T.Nguyên (ghi)

Quỳnh An