Ứng phó với thực trạng già hóa dân số: Việt Nam đang “già” rất nhanh

0
312

GiadinhNet – Theo dự báo, khoảng 15 – 20 năm nữa, Việt Nam sẽ chuyển sang cơ cấu dân số già, trong khi Pháp mất tới 100 năm, Thụy Điển là 85 năm, Hoa Kỳ là 75 năm…

 

Việt Nam đang “già” rất nhanh 1
70% người cao tuổi ở Việt Nam không có lương và trợ cấp.
Ảnh: D.Ngọc.
LTS: Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số với những thách thức lớn. Số người cao tuổi (NCT) tăng nhanh đòi hỏi sự chăm sóc cả về thể chất lẫn tinh thần rất lớn. Việc chăm sóc và tạo điều kiện sống tốt nhất cho NCT là trách nhiệm của xã hội, cộng đồng, gia đình; đặc biệt trở nên cần thiết trong một xã hội bước vào thời kỳ dân số già. Hướng tới “Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về già hóa dân số” sẽ diễn ra tại Việt Nam trong 2 ngày 25-26/9/2013, Báo GĐ&XH sẽ có loạt bài đề cập đến thực trạng, những tác động của già hóa dân số tới cơ cấu dân số, đời sống xã hội cũng như các chính sách, sự quan tâm của cộng đồng với NCT để thích ứng với vấn đề này.

Dân số Việt Nam đang “già” đi rất nhanh với tốc độ chưa từng có trong lịch sử. Theo dự báo, khoảng 15 – 20 năm nữa, Việt Nam sẽ chuyển sang cơ cấu dân số già, trong khi Pháp mất tới 100 năm, Thụy Điển là 85 năm, Hoa Kỳ là 75 năm… Các chuyên gia về dân số khẳng định, nếu chúng ta không kịp thích ứng, không có mô hình chăm sóc NCT phù hợp, sẽ rất khó khăn cho sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Tốc độ chưa từng có

 

Mỗi người già có 2,6 loại bệnh tật

Theo số liệu của Bộ Y tế công bố năm 2012, tỷ lệ NCT có sức khỏe tốt chỉ chiếm khoảng 5%. 95% còn lại mắc các bệnh tăng huyết áp (gần 40%), viêm khớp (hơn 30%), bệnh phổi phế quản tắc nghẽn mãn tính, đái tháo đường, sa sút trí tuệ, giảm thị lực, thính lực…

Tính trung bình mỗi người già mang 2,6 bệnh tật. Hiện Việt Nam có khoảng gần 9 triệu NCT, chiếm 10% dân số cả nước.

Do mức sinh giảm đi đáng kể trong khi tuổi thọ trung bình ngày càng tăng, dân số Việt Nam có xu hướng già đi thấy rõ. Theo Tổng cục Thống kê, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi của Việt Nam năm 1999 còn ở mức 33,1% thì năm 2012 chỉ còn 23,9% (giảm tới hơn 10%). Trong khi đó, năm 1999 số người trên 65 tuổi chỉ mới chiếm 5,8% dân số thì đến 1/4/2012 tỷ lệ này đã tăng lên mức 7,1%. Theo dự báo của Liên Hợp Quốc, tỷ lệ NCT nước ta sẽ tăng lên 26% vào năm 2050.

Có lẽ ít quốc gia nào có một cơ cấu dân số đa dạng như ở Việt Nam. Chúng ta vừa chuyển từ cơ cấu dân số trẻ (với hơn 30% dân số là trẻ em) sang cơ cấu “dân số vàng” (số người trong độ tuổi lao động cao gấp 2 lần số người trong độ tuổi phụ thuộc) thì cũng gần như đồng thời bước vào giai đoạn già hóa dân số.

Theo các nhà nhân khẩu học, “già hóa dân số” hay còn gọi là giai đoạn “dân số đang già” là khi dân số 65 tuổi trở lên chiếm trên 7% tổng dân số; hoặc khi tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm trên 10% tổng dân số.

Trong vòng 30 năm qua, qua 4 kỳ Tổng điều tra dân số (1979, 1989, 1999, 2009), số lượng và tỷ lệ NCT nước ta chỉ tăng trung bình 0,06% mỗi năm. Nhưng chỉ trong vòng 1 năm, từ 1/4/2009 – 1/4/2010, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã tăng từ 8,67% lên 9,4%, tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tăng từ 6,4% lên 6,8%. Con số này cho thấy, chỉ trong một năm, tỷ lệ NCT đã tăng hơn gấp 10 lần so với cả giai đoạn trước đây.

Dự báo của Tổng cục Thống kê cho thấy, nước ta sẽ bước vào giai đoạn “già hoá dân số” vào năm 2017. Tuy nhiên, theo TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, với tốc độ gia tăng tương tự như năm 2010 thì đến 1/4/2011, tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên đã là 10,1%, người từ 65 tuổi trở lên đã là 7,2% và như vậy  thì “dù theo tiêu chí nào, chúng ta cũng đã bước vào giai đoạn “già hoá dân số” ngay từ năm 2011, sớm hơn 6 năm so với dự báo”, TS Dương Quốc Trọng cho biết.

Trong khi Pháp mất 100 năm, Thụy Điển 85 năm, Hoa Kỳ 75 năm, Nhật Bản là 26 năm… để chuyển từ cơ cấu dân số già hóa sang dân số già thì theo dự báo,  chỉ khoảng 17 – 18 năm tới, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn dân số già, sớm hơn 2 – 3 năm so với dự báo.

Thu nhập chậm, bệnh tật kép

Tuổi thọ là ước mong lớn của con người, do đó già hóa dân số là thành quả của sự phát triển kinh tế – xã hội, khẳng định tính ưu việt của chế độ, của sự phát triển kinh tế – xã hội, mà trực tiếp là công tác chăm sóc sức khỏe người dân, công tác DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, theo PGS.TS Giang Thanh Long – Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và Quản lý, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, già hóa cũng đang đặt ra thách thức lớn.

Theo phân tích của TS Giang Thanh Long, cơ cấu sắp xếp cuộc sống hộ gia đình NCT hiện nay đã thay đổi rất nhiều. Nếu trước đây, có tới 80% NCT sống với con cái (chỗ dựa quan trọng cho NCT), thì nay do sự thay đổi về đời sống kinh tế – xã hội, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 60%. Vẫn còn tới 70% NCT (chủ yếu sống ở nông thôn) không có tích lũy, không có lương và trợ cấp. Điều đó cũng phản ánh một thực trạng là tốc độ thay đổi thu nhập chậm hơn tốc độ già hóa.

Sự biến đổi này tạo ra thách thức lớn, đòi hỏi phải xây dựng chính sách chăm sóc NCT dựa trên cộng đồng và các nhân tố khác thay thế gia đình. Ông cũng chỉ ra các thách thức khác mà NCT Việt Nam gặp phải đó là có tỷ lệ khỏe mạnh còn thấp. Điều đáng nói là tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng cao nhưng số năm sống khỏe mạnh lại khá thấp, mỗi người dân có tới 12 năm ốm đau. Đặc biệt, trung bình mỗi người cao tuổi có trên 2,6 bệnh. Bệnh tật ở NCT nước ta hiện nay với xu hướng bệnh tật kép, xu hướng bệnh tật chuyển từ lây nhiễm sang không lây nhiễm và mãn tính, dẫn tới chi phí chăm sóc cao. NCT mắc các nhóm bệnh không lây nhiễm chủ yếu như: Bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường, động kinh và trầm cảm ngày càng tăng. Bên cạnh đó, họ cũng phải đối mặt với nguy cơ tàn phế do cơ chế “hao mòn” của quá trình lão hóa và tác động của các căn bệnh mãn tính.

Tình trạng bệnh tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hòa nhập cộng đồng của NCT. Đa số NCT nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Hệ thống y tế – lão khoa chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT. Theo kết quả Điều tra Quốc gia về NCT Việt Nam, chỉ có 4,8% NCT có sức khỏe tốt và rất tốt, 65,4% là yếu và rất yếu. Trong đó, có 26,1% NCT không có bất cứ loại bảo hiểm y tế nào, trên 51% NCT không đủ tiền chi trả cho việc điều trị, dẫn đến không điều trị.

Về vấn đề chăm sóc NCT, hiện nước ta đã xây dựng hệ thống chăm sóc NCT với một số nhà dưỡng lão của nhà nước và khuyến khích tư nhân tham gia. Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của Ủy ban Quốc gia NCT, các nhà dưỡng lão này gặp hạn chế về kinh phí nên cơ sở vật chất và kinh phí cho những người tham gia chăm sóc NCT còn thấp. Ở khu vực tư nhân cũng gặp nhiều khó khăn khi thực hiện. Hệ thống nhà dưỡng lão tư nhân hiện nay vẫn mang tính tự phát, chưa đẩy mạnh được tính xã hội hóa của vấn đề này.

 

Bình Định: “Già hóa” đến sớm 8 năm

Trong ba thập kỷ qua, dân số Bình Định đã có những biến động mạnh mẽ về quy mô và cơ cấu tuổi. Tính từ cột mốc năm 1979, tỷ lệ NCT của Bình Định là 7,6% dân số, với 83.151 người. 20 năm sau, tỷ lệ này đã tăng lên 10,8%, với 160.875 NCT.  Như vậy, Bình Định đã bước vào giai đoạn “già hóa” dân số từ năm 2009. Theo ông Nguyễn Văn Quang – Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, tỷ lệ NCT tăng nhanh chóng trong thời gian này là do 3 yếu tố quan trọng: Tỷ suất sinh giảm, tỷ suất chết giảm và tuổi thọ tăng lên. Riêng Bình Định còn có nhiều người trong độ tuổi lao động ra ngoài tỉnh.

Theo cơ sở dữ liệu quản lý tại Chi cục DS-KHHGĐ, tính đến 30/4/2012, số NCT trong tỉnh đã đạt 186.515 người, chiếm 12,5% dân số. Thống kê theo đơn vị cấp xã, 20 địa phương ở 6 huyện, thị xã (An Nhơn, Hoài Nhơn, Hoài Ân, Tây Sơn, Phù Cát và Phù Mỹ) có số NCT chiếm trên 15% dân số. “Tốc độ gia tăng tỷ lệ NCT tại Bình Định giai đoạn 2009 – 2012 bình quân tăng hơn 0,5%/năm. Với tốc độ gia tăng như vậy thì dân số Bình Định dự báo sẽ bước vào giai đoạn “già” vào năm 2025, sớm hơn cả nước khoảng 8 năm.        
 
Mai Anh

Hà Anh