Cần Giờ Đề án 52 – Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trên địa bàn.

0
192

Cần Giờ, huyện biển duy nhất của thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện Đề án: “Kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển” giai đoạn 2010-2020 được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt tại Quyết định số 3943/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2010 (gọi tắt là Đề án 52); Đề án triển khai cho tất cả 7/7 xã, thị trấn của huyện. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án là từng bước đảm bảo đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình.

Số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15-49 tuổi) trên địa bàn huyện khoảng 22.000 người (trong đó, phụ nữ có chồng khoảng 13.000 người). Với đặc điểm diện tích rộng, sông rạch chằng chịt, mật độ dân cư thưa, đời sống người dân vẫn còn nhiều khó khăn, nên kiến thức cũng như việc tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ còn hạn chế, đặc biệt là dân cư ở các các ấp xa. Trong những năm qua, Ủy ban nhân dân huyện luôn quan tâm chỉ đạo ngành y tế và các cơ quan, đoàn thể tăng cường công tác truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về dân số và sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình, gắn liền với việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ; ưu tiên các địa bàn xa, khó khăn. Để từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ), lồng ghép các Đợt Chiến dịch Truyền thông Dân số,  Đội Y tế – Kế hoạch hóa gia đình huyện tổ chức cung cấp dịch vụ lưu động định kỳ 3 tháng/lần đối với 04 xã, thị trấn (Thạnh An, Long Hòa, Lý Nhơn, Cần Thạnh) và 6 tháng/lần đối với 03 xã còn lại.                              

Trong tổ chức các đợt cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, để vận động đông đảo phụ nữ tham gia thực hiện các gói dịch vụ, ngoài việc đưa tin, bài tuyên truyền về hoạt động Chiến dịch trên hệ thống phát thanh tại các ấp, khu phố, Phòng Y tế chủ trì phối hợp đoàn thể các xã, thị trấn tổ chức nhiều buổi truyền thông cung cấp thông tin, tư vấn nâng cao hiểu biết về những vấn đề dân số, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phòng tránh bệnh nhiễm khuẩn, các nội dung về sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh và giới thiệu các gói dịch vụ như: khám phụ khoa, tầm soát ung thư cổ tử cung, gói dịch vụ kế hoạch hóa gia đình cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và gói dịch vụ siêu âm phát hiện khiếm khuyết thai nhi cho bà mẹ mang thai. Tại Điểm khám lưu động, Phòng Y tế tổ chức hoạt động tư vấn và vận động chị em phụ nữ chọn lựa và thực hiện biện pháp tránh thai phù hợp.         

Trong 9 tháng đầu năm 2013, Phòng Y tế và mạng lưới Truyền thông viên Dân số tại các xã, thị trấn đã tổ chức 98 buổi truyền thông (có 2.561 lượt người dự); vãng gia 3.180 hộ để trực tiếp tư vấn. Ngoài thực hiện cung cấp dịch vụ thường xuyên ở Trạm Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng huyện tăng cường tổ chức 03 đợt khám lưu động phục vụ các xã, thị trấn; qua đó khám phụ khoa cho 2.672 lượt phụ nữ, thực hiện các kỹ thuật như: soi tươi 1.661 lượt, phết tế bào âm đạo tầm soát ung thư phụ khoa 973 lượt và siêu âm sàng lọc trước sinh cho 85 thai phụ (tuổi thai từ 11 đến 14 tuần) phát hiện khiếm khuyết, dị tật thai nhi.

Công tác chăm sóc SKSS/KHHGĐ trên địa bàn huyện trong thời gian qua đã tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ và từng bước đảm bảo đáp ứng được nhu cầu của phụ nữ. Qua hoạt động truyền thông, tư vấn, chị em phụ nữ đã nâng cao kiến thức, hiểu biết về chăm sóc sức khỏe sinh sản của bản thân và dần dần xóa đi tâm lý e ngại khi khám phụ khoa; phụ nữ mang thai đã ý thức và hiểu rõ lợi ích của việc thực hiện sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh. Chính vì vậy, trong các đợt khám lưu động tại các xã, thị trấn đã thu hút chị em phụ nữ, thai phụ tham gia và thực hiện các biện pháp tránh thai ngày càng nhiều hơn; qua kết quả mỗi đợt khám lưu động, tỷ lệ viêm nhiễm phụ khoa của phụ nữ đã giảm rõ rệt.

Vì sức khỏe và hạnh phúc của mỗi cá nhân, mỗi gia đình, huyện Cần Giờ đẩy mạnh hoạt động cung cấp thông tin và dịch vụ chăm SKSS/KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số, từng bước đảm bảo và đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ sinh sống tại vùng biển Cần Giờ. Đây là hoạt động mang ý nghĩa thiết thực và mang đậm tính nhân văn, góp phần nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực tại địa phương .
                                                                                                                           

KIM HOÀNG