GiadinhNet – Hội nghị quốc tế lần thứ 6 về “Khuyết tật bẩm sinh và tàn tật ở các nước đang phát triển-ICBD 2013” đã được tổ chức tại đảo Mactan, thành phố Cebu, Philippines từ ngày 10– 13/11/2013 với chủ đề “Những khuyết tật bẩm sinh và chăm sóc lâu dài ".
Tham dự Hội nghị có hơn 300 giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học và quản lý từ 38 nước đang phát triển và một số nước phát triển như Úc, Mỹ, Canada, Ý, Nhật, Singapore…
Trưởng phái đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị, Tiến sĩ Dương Quốc Trọng – Tổng Cục Trưởng Tổng Cục Dân số -KHHGĐ, Bộ Y tế đã có cuộc gặp xã giao với bà Camesita – Chủ tịch ICBD 2013. Tại Hội nghị đoàn Việt Nam trình bày 3 báo cáo về những vấn đề đang được quan tâm như: “mở rộng sàng lọc sơ sinh ở Việt Nam” của Tiến sĩ Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – KHHGĐ; “tình hình Dị tật sơ sinh ở Việt Nam hiện nay” của bác sĩ Vũ Chí Dũng, Bệnh Viện Nhi Trung ương và “phòng ngừa dị tật khi sinh thông qua can thiệp và chăm sóc” của bác sĩ Nguyễn Hoàng Nam thuộc tổ chức Handicap International Viet Nam.
Chiều ngày 12/11/2013, Tiến sĩ Dương Quốc Trọng đã chia sẻ về các kết quả đã đạt được và những nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới của chương trình “Mở rộng sàng lọc sơ sinh ở Việt Nam”. Tính từ năm 2007 đến 2013, chương trình đã được triển khai mở rộng tại 9337 xã thuộc 623 huyện trên 63 tỉnh/thành phố của Việt Nam. Đã sàng lọc cho 557.770 trẻ sơ sinh trong đó phát hiện 9.563 trẻ mắc bệnh thiếu men G6PD và 106 trẻ mắc bệnh suy giáp trạng bẩm sinh. Tất cả các trẻ bị bệnh đã được tư vấn và điều trị theo dõi tại các cơ sở y tế và cộng đồng. Các trẻ được sàng lọc có sự hỗ trợ của chương trình kế hoạch hóa gia đình bao gồm các các trẻ được sinh ra thuộc các gia đình nghèo, cận nghèo, gia đình có công với đất nước, dân tộc thiểu số sống tại xã khó khăn, miền núi và gia đình thuộc đề án kiểm soát dân số các vùng biển đảo và ven biển.
Đặc biệt, Tiến sĩ Dương Quốc Trọng đã khẳng định kế hoạch trong thời gian tới phải thực hiện 5 nhiệm vụ trong chương trình này. Thứ nhất là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông giáo dục, tư vấn làm tăng nhận thức của người dân về lợi ích của việc sàng lọc sơ sinh nhằm tăng cường sự tiếp cận của người dân đối với dịch vụ này. Thứ 2 là xã hội hóa dần dịch vụ sàng lọc sơ sinh để giảm bớt gánh nặng về nguồn lực đối với Chính phủ đồng thời tăng tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc. Thứ ba là sẽ phải mở rộng các mặt bệnh trong chương trình sàng lọc. Thứ 4 là phải tiếp tục xây dựng thêm các trung tâm, mở rộng chương trình sàng lọc sơ sinh tại tất cả các tuyến trên toàn quốc để đáp ứng nhu cầu dịch vụ của người dân. Thứ 5 là phảỉ tiến tới đưa dịch vụ sàng lọc sơ sinh này dần trở thành một trong những dịch vụ thường quy tại các tuyến của cơ sở y tế.
Báo cáo đã được các bạn quốc tế đánh giá cao. Vấn đề sàng lọc sơ sinh đang được quan tâm và triển khai thực hiện tại một số nước đang phát triển nhằm góp phần phát hiện và điều trị sớm cho các trẻ bị bệnh để các trẻ có cuộc sống bình thường khỏe mạnh hòa nhập với cộng đồng.
Song Lê
Vụ Truyền thông-Giáo dục – Tổng cục Dân số-KHHGĐ