Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12/2013: Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi: Tiến tới già hoá chủ động

0
180

GiadinhNet – Người Việt Nam có truyền thống, đạo lý "kính lão, trọng thọ". Đó là nét đẹp của người Việt ta tự ngàn xưa.

 

Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi: Tiến tới già hoá chủ động 1

Đảng và Nhà nước ta đã có rất nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng sống của NCT, để NCT luôn “sống khỏe, sống vui, sống có ích”. Ảnh: Duy Tường.

Từ truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc

Lịch sử Việt Nam ghi nhận từ xa xưa đến ngày nay, từ cấp nhà nước đến cấp làng, xã đều quan tâm, coi trọng người cao tuổi (NCT). Đó là một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Chẳng thế mà cứ mỗi độ Tết đến xuân về, con cháu lại sum vầy đầy cửa đầy nhà để mừng thọ ông bà cha mẹ. Khắp các nhà, thôn, xóm, bản làng đều có tập tục đẹp là mừng thọ NCT.

Hẳn chúng ta đều nhớ: Hội nghị Diên Hồng (năm 1284) do Thượng hoàng Trần Thánh Tông triệu họp các phụ lão trong cả nước để trưng cầu dân ý, hỏi về chủ trương hòa hay chiến khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Hội nghị này được tổ chức trước thềm điện Diên Hồng vào tháng chạp năm Giáp Thân 1284. Hội nghị Diên Hồng không bàn đến chiến lược, chiến thuật quân sự mà tập trung và bàn bạc: Nên đánh hay nên hoà?! Hội nghị Diên Hồng được xem như hội nghị dân chủ đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Các phụ lão được coi là những đại biểu của dân, đã đồng lòng hô to “Quyết đánh, quyết đánh”… Đó là lời của non sông đất Việt chảy trong huyết quản mỗi người dân Lạc Việt dù là nam phụ lão ấu. Tinh thần bất khuất ấy, truyền thống yêu nước ấy vẫn mãi vang vọng qua những trang sử hào hùng của dân tộc mà lớp lớp các thế hệ đã hun đúc lên từ thời đại Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh.
 
Chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi: Tiến tới già hoá chủ động 2

"Tuổi già nhưng chí không già/Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh".   Ảnh: Dương Ngọc

Đến sự quan tâm của Đảng và Nhà nước

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vai trò quan trọng của NCT đối với xã hội. Người viết: “Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng, đất nước tồn tại do phụ lão giúp sức. Nước mất phụ lão cứu. Nước suy sụp phụ lão phù trì. Nước nhà hưng, suy, tồn, vong, phụ lão đều gánh trách nhiệm rất nặng nề” (Lời hiệu triệu đoàn kết tất cả các bậc phụ lão – Hồ Chí Minh)

Ngay những ngày đầu thành lập nước, thù trong giặc ngoài rình rập, Bác đã quan tâm, đánh giá cao và phát huy vai trò của NCT. Trong những năm tháng hoạt động cách mạng, Người thường nhắc đến: "Càng già càng anh hùng", "Tuổi cao chí khí càng cao, chống Mỹ – cứu nước già nào kém ai"… Với nhiệm vụ xây dựng đất nước cũng vậy, Bác nói: "Tuổi già nhưng chí không già/Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh".

Kế tục truyền thống của Hội Phụ lão Cứu quốc Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập (1941), những thắng lợi của cách mạng nước nhà luôn gắn liền với những hoạt động, đóng góp của NCT Việt Nam. Qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng, NCT Việt Nam đã thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần cách mạng cao cả, ý chí chiến đấu quật cường, đóng góp công sức to lớn trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ, xây dựng quê hương, đất nước, sẵn sàng hy sinh vì độc lập dân tộc, tự do và chủ nghĩa xã hội.

Hiến pháp đầu tiên của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (năm 1946) đã khẳng định “Những người công dân già cả hoặc tàn tật không làm được việc thì được giúp đỡ” (Điều 14). Qua các lần sửa đổi, bổ sung, các bản Hiến pháp vẫn kế thừa và phát triển những quy định đó. Điều 64, Hiến pháp 1992 quy định “Con cháu có bổn phận kính trọng và chăm sóc ông bà, cha mẹ”. Điều 67 quy định “Người già, người tàn tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa được Nhà nước và xã hội giúp đỡ”.

Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng công tác chăm sóc NCT. Ngày 27/9/1995, Ban Bí thư TW Đảng (Khoá VII) đã ban hành Chỉ thị số 59-CT/TW về chăm sóc NCT, trong đó nhấn mạnh: “NCT có công sinh thành, nuôi dạy con cháu giữ gìn và phát triển giống nòi, giáo dục các thế hệ thanh niên Việt Nam về nhân cách, phẩm chất và lòng yêu nước; một bộ phận đông đảo NCT Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nên việc chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần của NCT là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội”.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XII đã thông qua Luật Người cao tuổi. Luật gồm 6 Chương với 31 Điều “quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi; trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò NCT; Hội NCT Việt Nam” (Điều 1- Luật Người cao tuổi).

Không chỉ có Luật Người cao tuổi quy định về chăm sóc và phát huy vai trò NCT, Việt Nam còn có Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân, Luật Hôn nhân và Gia đình, Bộ luật Lao động, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… đều có các quy định nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của NCT. Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân quy định “Người cao tuổi, thương binh, bệnh binh và người tàn tật được ưu tiên trong khám bệnh, chữa bệnh, được tạo điều kiện thuận lợi để đóng góp cho xã hội phù hợp với sức khoẻ của mình”. “Bộ Y tế, Tổng cục Thể dục Thể thao hướng dẫn phương pháp rèn luyện thân thể, nghỉ ngơi và giải trí để phòng, chống các bệnh người già” (Điều 41). Luật Hôn nhân và Gia đình quy định con cái có nghĩa vụ kính trọng, chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ, cháu đã thành niên có nghĩa vụ nuôi dưỡng ông bà không còn con được quy định tại các chương: Chương IV: Quan hệ giữa cha mẹ và con; Chương V: Quan hệ giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa các thành viên trong gia đình, Chương VI: Cấp dưỡng…

Chính phủ Việt Nam cũng đã ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật, các Chiến lược, các Chương trình hành động liên quan đến NCT như: Nghị định 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 về Chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NCT; Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2005-2010… Chính phủ Việt Nam cũng cam kết thực hiện Chương trình hành động quốc tế Madrid về NCT (2002).

Quan tâm chăm sóc và phát huy vai trò NCT, từ năm 2004 Việt Nam đã thành lập Ủy ban Quốc gia về NCT Việt Nam. Ủy ban là tổ chức liên ngành, có chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo, phối hợp các hoạt động phục vụ công tác chăm sóc và phát huy vai trò NCT, trong đó Chủ tịch Ủy ban là một Phó Thủ tướng.

NCT Việt Nam còn có tổ chức xã hội riêng của mình là Hội Người cao tuổi Việt Nam. Đây là một tổ chức xã hội rộng lớn được tổ chức từ Trung ương đến địa phương, tới tận các thôn, sóc, bản, làng với hơn 7 triệu hội viên (chiếm 90% NCT cả nước) đang đẩy mạnh phong trào thi đua "Tuổi cao- Gương sáng".

Nhằm phát huy truyền thống vẻ vang của các lớp NCT trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 26/5/2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 772-QĐ/TTg, lấy ngày 06/6 hàng năm là “Ngày truyền thống Người Cao tuổi Việt Nam”. Điều 6 của Luật Người cao tuổi Việt Nam cũng quy định: “Ngày 06 tháng 6 hằng năm là ngày Người cao tuổi Việt Nam”. Như vậy cùng với Ngày Quốc tế về NCT (International Elderly Day – 1/10), NCT Việt Nam còn có ngày Người cao tuổi Việt Nam 6/6.

Có thể nói, từ truyền thống văn hoá đến các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, Việt Nam luôn quan tâm, chăm sóc và phát huy vai trò của NCT.

Những thành tựu

 

Chăm sóc, phát huy vai trò NCT tiến tới “già hoá chủ động” là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ và đạo đức con người Việt Nam. Trước những vấn đề không nhỏ đặt ra cho giai đoạn “già hoá dân số”, đặc biệt là ở giai đoạn hiện tại, khi mà lớp NCT hiện nay được sinh ra và trưởng thành trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, ít có điều kiện bảo vệ sức khoẻ và tích lũy vật chất cho tuổi già.

Tình hình thực tế đó đòi hỏi Đảng, Nhà nước và nhân dân phải làm nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chăm sóc và phát huy vai trò NCT. Trong thời gian tới, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể liên quan, quán triệt tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng về NCT, đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động "Toàn xã hội chăm sóc, phát huy vai trò NCT", tăng ngân sách cho Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ, giữ vững, ổn định quy mô dân số, thích ứng với “già hoá dân số”, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ công cuộc đổi mới, phát triển đất nước.

Sau 50 năm tiến hành công tác Dân số- Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng: Mức sinh ở Việt Nam đã giảm một cách nhanh chóng, rõ rệt: Số con trung bình của một phụ nữ (TFR) đã giảm từ 4,81 năm 1979 xuống mức 2,33 năm 1999, đạt mức sinh thay thế vào năm 2006 (TFR = 2,09) và từ đó đến nay luôn duy trì dưới mức sinh thay thế. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đã tăng thêm 33 tuổi (từ 40 tuổi vào năm 1960 lên 73 tuổi năm 2010), trong khi thế giới chỉ tăng thêm 21 tuổi (từ 48 tuổi lên 69 tuổi). Tuổi thọ bình quân tăng nhanh cùng với mức sinh giảm đã làm cho cơ cấu dân số của nước ta có nhiều biến đổi sâu sắc. Số lượng và tỷ lệ NCT trong tổng dân số của nước ta đã tăng lên rõ rệt.

Kết quả các cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở (Tổng Điều tra) cho thấy, trong ba thập kỷ qua, số NCT (dân số 60+) ở nước ta tăng chậm: Từ 6,9% (năm 1979) lên 7,2% (năm 1989); 8,1% (năm 1999) rồi 8,7% (năm 2009), như vậy bình quân mỗi năm tăng 0,06%. Tuy nhiên, từ năm 2009, số lượng và tỷ lệ NCT tăng rất nhanh, trong thời gian từ năm 2009 đến 2012, tỷ lệ  NCT của nước ta tăng gấp 5 lần so với giai đoạn trước đây và xu hướng trong những năm tới sẽ còn tăng nhanh hơn.

Năm 2011 tỷ lệ dân số từ 65+ của nước ta đã đạt mức 7%. Và như vậy, theo quy ước của Liên Hợp Quốc, nước ta đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” từ năm 2011.

Cùng với xu hướng tăng nhanh ở nhóm dân số cao tuổi nhất, số lượng các cụ thọ từ 100 tuổi trở lên ở nước ta cũng tăng nhanh. Số liệu Tổng Điều tra năm 2009 cho thấy, số cụ thọ trên 100 tuổi năm 2009 tăng hơn gấp đôi so với năm 1999 (từ trên 3.000 cụ tăng lên 7.200 cụ).

Mặc dù nước ta mới ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, tỷ lệ NCT còn thấp hơn Hàn Quốc nhưng tỷ lệ các cụ thọ trên 100 tuổi lại rất cao. Năm 2010, Hàn Quốc có quy mô dân số khoảng 49 triệu người; tuổi thọ trung bình là 80,5; tỷ lệ dân số từ 65+ là 11%; số người trên 100 tuổi là 1.836 người (cứ 1 triệu dân thì có 37 cụ thọ trên 100 tuổi). Trong khi đó ở nước ta vào năm 2009, quy mô dân số là 85,8 triệu người; tuổi thọ trung bình là 72,8; tỷ lệ dân số từ 65+ là 6,4%;  số cụ thọ trên 100 tuổi là 7.200 cụ (cứ 1 triệu dân thì có 84 cụ thọ trên 100 tuổi). Như vậy, về tuổi thọ trung bình; tỷ lệ dân số từ 65+ của Việt Nam thấp hơn Hàn Quốc, nhưng tỷ lệ các cụ thọ trên 100 tuổi trong dân số lại cao hơn Hàn Quốc tới 2,24 lần!

 Theo quy luật chung về tỷ số giới tính của dân số, số nữ cao hơn nam do sự khác nhau về đặc tính sinh học, nghề nghiệp, thói quen sinh hoạt và tuổi thọ của hai giới. Ở nhóm tuổi càng cao sự chênh lệch giới tính càng lớn. Ở nước ta, trung bình cứ 1 cụ ông 60+ thì có 1,5 cụ bà, cứ 1 cụ ông 80+ thì có 2 cụ bà và cứ 1 cụ ông 85+ thì có 2,5 cụ bà.

Theo dự báo của các chuyên gia và các nhà khoa học, thời gian quá độ từ “già hóa dân số” sang “dân số già” của Việt Nam chỉ khoảng 16-28 năm, ngắn hơn nhiều so với các quốc gia đi trước: Pháp 115 năm; Thụy Điển 85 năm; Hoa Kỳ 70 năm; Nhật Bản 26 năm. 

“Già hóa dân số” hay nói cách khác, tuổi thọ người dân được tăng cao phản ánh những thành tựu to lớn của phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, của chương trình DS-KHHGĐ dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước; sự tham gia tích cực của các ban, ngành, đoàn thể; sự cố gắng, nỗ lực tham gia thực hiện của nhân dân. Như vậy, phải khẳng định nước ta bước vào giai đoạn “già hóa dân số” mang ý nghĩa chính trị sâu sắc, thể hiện bản chất tốt đẹp và tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang phải đối mặt với những thách thức không nhỏ trong vấn đề “già hoá dân số” đến sớm hơn và diễn biến nhanh hơn rất nhiều so với dự báo và so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Những thách thức

NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn (gấp 2,6 lần khu vực thành thị), làm nông nghiệp và là nông dân. Đời sống vật chất của NCT còn gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ có 35,6% NCT ở thành phố và 21,9% NCT ở nông thôn có lương hưu hoặc trợ cấp từ nhà nước. Có tới 70-80% NCT phải tự kiếm sống hoặc nhờ vào sự nuôi dưỡng và chăm sóc của con cái. Theo quy luật tự nhiên, tuổi càng cao sức khỏe càng suy giảm.

Với tỷ trọng NCT ngày càng tăng, đặc biệt là tốc độ tăng nhanh ở nhóm dân số cao tuổi nhất (80+) và số lượng các cụ thọ từ 100+, đã đặt ra nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho NCT ngày càng lớn. Những bệnh thường gặp nhất ở NCT là bệnh về xương khớp, cao huyết áp, các bệnh về mắt và suy giảm trí nhớ. Tình trạng bệnh, tật đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tâm lý, các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và sự hoà nhập cộng đồng của NCT. Đa số NCT nước ta chưa có thói quen khám bệnh định kỳ vì vậy khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn muộn khiến việc chữa trị rất khó khăn. Hệ thống y tế – lão khoa chưa đầy đủ, trang thiết bị còn thiếu thốn, đội ngũ cán bộ y tế chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh đặc trưng của NCT. Thêm vào đó là sự khó khăn của NCT tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế.

Xu hướng mô hình gia đình ở Việt Nam đang thay đổi từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Con cái ngày càng có xu hướng sống độc lập với cha mẹ. Việc phải sống một mình là điều rất bất lợi đối với NCT, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cả về tinh thần và vật chất rất quan trọng đối với NCT. Ngày càng có nhiều NCT sống góa vợ/góa chồng, số lượng cụ bà góa chồng cao gần 5,5 lần số cụ ông góa vợ. Số cụ bà sống ly hôn, ly thân cũng cao hơn số cụ ông sống ly hôn, ly thân 2,2 lần (Tổng cục Thống kê, Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009).

Trong xã hội, ở đâu đó, vẫn còn một số cấp ủy, một số chính quyền địa phương, một bộ phận dân chúng chưa nhận thức được đầy đủ những khó khăn, thách thức của giai đoạn “già hoá dân số” và thích ứng tốt với giai đoạn này. Cá biệt còn có những hành vi ngược đãi NCT, vi phạm thuần phong mỹ tục và luật pháp Việt Nam. NCT là một kho kiến thức, là thư viện sống nhưng lại chưa được phát huy hết khả năng đó. Xã hội chưa thấy được hết vai trò của NCT trong xây dựng chính sách, nghiên cứu khoa học, giảng dạy, phản biện xã hội, trong xây dựng tình đoàn kết giữa các thế hệ, cộng đồng.

Mặc dù, Đảng, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách về an sinh xã hội dành cho NCT như: Chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và trợ cấp xã hội,… nhưng hệ thống chính sách an sinh xã hội này mới chỉ hỗ trợ cho một bộ phận rất nhỏ của NCT. Yếu tố “già hóa dân số” còn chưa được chú ý, lồng ghép trong hoạch định chính sách kinh tế – xã hội, nhằm đảm bảo cho NCT có cuộc sống vật chất đầy đủ và tinh thần phong phú.

 

Các nhóm giải pháp

Trong nhân khẩu học có khái niệm “già hoá chủ động”, hiểu một cách đơn giản là sự chủ động chuẩn bị cho giai đoạn này. Chủ động bằng cách phát huy vai trò NCT, chủ động bằng cách thiết lập hệ thống dịch vụ an sinh xã hội và chăm sóc NCT rộng khắp từ thành thị tới nông thôn. Người dân đóng bảo hiểm xã hội khi đang làm việc và được hưởng lương hưu đủ sống khi về già.

Những trường hợp không có con cái hoặc con cái không có điều kiện chăm sóc, hệ thống dịch vụ xã hội sẽ đảm nhiệm việc chăm sóc khi họ về già. “Già hoá chủ động” bao gồm các yêu cầu: Dịch vụ xã hội, dịch vụ y tế, kinh tế, xã hội, văn hoá, môi trường vật chất. Chuẩn bị đầy đủ các yêu cầu này, khi tỷ lệ NCT tăng cao, chúng ta sẽ đủ sức cung cấp dịch vụ phù hợp với yêu cầu, tránh “cú sốc” với giai đoạn này. Để thích ứng với giai đoạn “già hoá dân số”, chúng ta cần quán triệt, thực hiện tốt các nhóm giải pháp sau:

Chăm sóc và phát huy vai trò NCT là thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ và đạo đức cũng như thuần phong, mỹ tục của người Việt Nam. Phát huy lợi thế của NCT về khả năng, kiến thức, kinh nghiệm làm việc; phát huy vai trò tiêu biểu, uy tín của NCT trong gia đình, cộng đồng, đặc biệt là trong cộng đồng dân tộc thiểu số; trong xây dựng chính sách, phản biện xã hội, nghiên cứu khoa học, giảng dạy; trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Tăng cường truyền thông vận động, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, ban, ngành, các nhà hoạch định chính sách, các chức sắc tôn giáo… về phát huy vai trò của NCT nói riêng và những thách thức của quá trình “già hòa dân số” nói chung đối với sự phát triển bền vững của đất nước. Giáo dục, nâng cao nhận thức của cá nhân, gia đình và toàn xã hội về trách nhiệm kính trọng, giúp đỡ, chăm sóc và phát huy vai trò NCT; thực hiện tốt chính sách của Đảng và Nhà nước đối với NCT; ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong việc chủ động cho tuổi già ngay từ khi còn trẻ.

Tiếp tục tăng cường đầu tư mạnh cho Chương trình mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ, trong đó có việc xây dựng các mô hình phát huy, chăm sóc NCT thích ứng với giai đoạn “già hóa dân số”. Xây dựng, hoàn thiện các chính sách nhằm tận dụng tốt và kéo dài giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”, tạo cơ hội để làm chậm lại quá trình “lão hóa dân số”, chủ động bước vào giai đoạn “dân số già” góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Cải cách hệ thống hưu trí, đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm, đặc biệt chú trọng đến các loại hình bảo hiểm tự nguyện, phù hợp với khả năng đóng góp và chi trả của người tham gia, có khả năng liên thông với các loại hình bảo hiểm khác. Trong đó, phải đặc biệt chú trọng đến nhóm NCT thuộc các gia đình nghèo và cận nghèo.

Xây dựng và nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ y tế của mạng lưới lão khoa (bao gồm viện lão khoa quốc gia và các khoa lão khoa  tại các bệnh viện) trên phạm vi toàn quốc. Khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động chăm sóc NCT dựa vào gia đình và cộng đồng; từng bước nâng cao và mở rộng dịch vụ chăm sóc NCT tại nhà.

Xây dựng cơ sở dữ liệu và thực hiện các nghiên cứu toàn diện về dân số cao tuổi. Đây sẽ là những chỉ số đầu vào quan trọng cho việc đề xuất các chính sách, chương trình can thiệp thiết thực, có trọng tâm và hiệu quả.

Hợp tác, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước, các tổ chức quốc tế về NCT, đặc biệt là với những nước đang ở trong giai đoạn “già hoá dân số” và những nước “dân số già”.
TS Dương Quốc Trọng
(Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế)