Già hoá dân số và kinh nghiệm từ Thái Lan: Nỗi lo U60 “áp đảo” U15

0
263

GiadinhNet – Số liệu của Văn phòng Tham chiếu Dân số Hoa Kỳ cho thấy, dân số Thái Lan hiện nay là 66,2 triệu người, trong đó dân số dưới 15 tuổi chiếm 19% và dân số trong độ tuổi 65+ chiếm 10%. Thái Lan đang ở giai đoạn già hóa dân số.

 

Già hoá dân số và kinh nghiệm từ Thái Lan: Nỗi lo U60 “áp đảo” U15 1

Quan hệ mật thiết giữa già hóa dân số và mức sinh giảm

Năm 1950, dân số nhóm 60 + của Thái Lan chiếm 5% tổng dân số, đứng thứ 7 các nước Đông Nam Á nhưng đến nay đã là quốc gia đứng thứ 2 ASEAN về tỷ lệ người cao tuổi (NCT), chỉ sau Singapore. Các nhà nhân khẩu học Thái Lan cũng chỉ ra rằng, điều này có mối quan hệ mật thiết với mức sinh ngày càng giảm và tuổi thọ trung bình ngày càng tăng tại đất nước chùa Vàng.

Nếu như giai đoạn 1950-1955, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của Thái Lan sinh 6,4 con thì sau hơn nửa thế kỷ (năm 2005), chỉ còn 1,7 con. Số liệu Dân số Thế giới năm 2013 của Văn phòng Tham chiếu Dân số Hoa Kỳ cho thấy, tổng tỷ suất sinh hiện nay của Thái Lan là 1,6 con. Các nhà nhân khẩu học cũng dự báo mức sinh này còn tiếp tục giảm.

Tuổi thọ trung bình của Thái Lan cũng tăng từ 52 tuổi, năm 1950-1955, lên 71 tuổi năm 2000-2005. Dự báo đến năm 2025-2030, tuổi thọ của Thái Lan là 76,8 tuổi và đến năm 2050 là 79,1 tuổi, trong đó tuổi thọ của nữ cao hơn nam gần 9 tuổi.

Nhóm dân số 60+ của Thái Lan sẽ tăng lên 9 triệu vào năm 2015 và lên 12,9 triệu vào năm 2025 và đạt 20 triệu vào năm 2050. Tương ứng với đó, tỷ trọng của nhóm dân số này trong tổng dân số sẽ tăng từ 14% năm 2015 lên 19,8% năm 2025 và đạt gần 30% vào năm 2050.

Số lượng và tỷ trọng dân số 60+ tăng cũng làm cho chỉ số già hóa của Thái Lan tăng lên nhanh chóng từ 45 người 60+/100 người dưới 15 tuổi hiện nay lên 100/100 vào năm 2020 và đạt 140/100 vào năm 2050. Như vậy, 7 năm nữa, năm 2020, lần đầu tiên, dân số 60+ của Thái Lan sẽ nhiều hơn dân số dưới 15 tuổi.
 
Già hoá dân số và kinh nghiệm từ Thái Lan: Nỗi lo U60 “áp đảo” U15 2

Các chuyên gia dự đoán: Năm 2020, Thái Lan sẽ phải đối mặt với thực tế số người trên 60 tuổi sẽ nhiều hơn số người dưới 15 tuổi. Ảnh: P.V.

Đối mặt trước thách thức “nữ hóa người cao tuổi”

Những biến đổi nhân khẩu học lớn lao này tất yếu tác động đến thu nhập, mức sống cũng như làm gia tăng các chi phí an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe NCT. Những biến đổi cấu trúc gia đình cũng làm giảm sự hỗ trợ từ gia đình cho NCT. Nhóm dân số 80+ của Thái Lan hiện nay khoảng 590 ngàn người sẽ tăng lên 1,3 triệu người vào năm 2015 và đạt 3,5 triệu người vào năm 2050. Điều đó có nghĩa là những chi phí về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe ốm đau bệnh tật, NCT nhất sẽ tăng lên.

Cũng giống như các quốc gia khác, hiện tượng “nữ hóa NCT” cũng được quan sát thấy tại Thái Lan. Tỷ số giới tính khi sinh hiện nay của Thái Lan là 103 trẻ trai/100 trẻ gái. Với tuổi thọ trung bình của nữ cao hơn nam dẫn đến tỷ trọng phụ nữ cao tuổi cũng lớn hơn nam giới cao tuổi. Tuy nhiên, điều đó cũng đồng nghĩa với việc tỷ trọng phụ nữ sống đơn thân cao hơn nam giới. Điều tra Quốc gia về NCT của Thái Lan năm 2002 cho thấy tỷ trọng là 45% nữ so với 15% nam. Việc phụ nữ, nhất là phụ nữ lớn tuổi sống đơn thân sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống.

 

Chương trình chăm sóc y tế miễn phí dành cho NCT nghèo được đưa ra vào năm 1989 và được mở rộng đối tượng NCT được chi trả. Nhiều mô hình chăm sóc tại nhà đã được thử nghiệm trong gần 20 năm qua. Đáng lưu ý nhất là mô hình Bangkok 7 tập trung vào việc chăm sóc điều dưỡng tại gia đình, phục hồi và giám sát thường xuyên. Thái Lan đang hướng tới việc điều dưỡng phục hồi tại gia đình. Năm 2010, Bộ Y tế thực hiện trên toàn quốc mô hình “Các bệnh viện tăng cường sức khỏe”, trong đó các y tá và các cán bộ y tế khác được tuyển dụng làm việc và chăm sóc tại nhà. Giường bệnh nhân nằm ở cộng đồng tại từng gia đình, có nghĩa là dịch vụ tại nhà phải là một trong những hoạt động cơ bản của mô hình này.

Các mối quan hệ liên thế hệ giữa cha mẹ cao tuổi và con cháu vẫn còn phổ biến tại Thái Lan. Tuy nhiên, tỷ lệ NCT sống với con cháu đã giảm từ 72,8% năm 1994 xuống còn 59,4% năm 2007. Ngược lại thì tỷ lệ NCT sống với vợ/chồng hoặc sống một mình cũng tăng lên từ 11,6% lên 16,3% và từ 3,6% lên 7,6% vào các năm tương ứng. Tuy nhiên, 1/3 số NCT sống với vợ/chồng hoặc một mình đó có ít nhất một người con sống bên cạnh nhà hoặc gần 20% sống cùng làng hoặc cùng thành phố. Con cháu vẫn là những người chăm sóc chính khi cha mẹ già yếu.

Nỗ lực tìm cách thích ứng

Hành động mang tính quốc gia chính thức đầu tiên của Thái Lan về các vấn đề của NCT được bắt đầu vào năm 1953 với việc thiết lập Nhà dưỡng lão đầu tiên ở thủ đô Bangkok. Tại thời điểm đó, dân số 60+ của Thái Lan chưa đến 5% tổng dân số.

Sau Đại hội đồng thế giới đầu tiên về NCT được tổ chức tại Vienna năm 1982, Kế hoạch hành động quốc tế về NCT được phổ biến tới các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc. Chính phủ Thái Lan đã thành lập Ủy ban quốc gia về NCT và xây dựng Kế hoạch quốc gia về NCT. Sau đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách về NCT. Năm 1997, chương trình nghị sự về NCTđược đưa vào trong Hiến pháp mới của Thái Lan.

Năm 2003, Thái Lan ban hành Luật NCT, thành lập Quỹ quốc gia dành cho NCT để hỗ trợ tài chính cho các hoạt động kinh doanh/kiếm sống của NCT.

Bộ Y tế là cơ quan nhà nước chính hỗ trợ việc hình thành các câu lạc bộ NCT ở tất cả các tiểu địa hạt. Hiện có gần 20.000 câu lạc bộ. Nghiên cứu quốc gia năm 2007 cho thấy 25,6% trong tổng số NCT Thái Lan là thành viên các câu lạc bộ. Các thành viên được tiếp cận các hoạt động tăng cường sức khỏe hàng tháng như tập thái cực quyền, thể dục thẩm mỹ kiểu Thái, tham quan, các bài giảng về dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe thể chất và tâm thần, các hoạt động truyền thống, tôn giáo và văn hóa… Các câu lạc bộ đóng góp tích cực cho các hoạt động của chính quyền địa phương và cộng đồng. Chính quyền địa phương ngày càng quan tâm và tham vấn ý kiến của NCT.
 
Già hoá dân số và kinh nghiệm từ Thái Lan: Nỗi lo U60 “áp đảo” U15 3

Ở Thái Lan, tuổi nghỉ lao động là 60 nhưng nhiều NCT vẫn đang tham gia lao động (nam: 50%; nữ: 28%). 90% số NCT tham gia vào khối lao động không chính thức, trong đó 70% thuộc lĩnh vực nông nghiệp. Các nghiên cứu cũng cho thấy, nguồn tài chính cung cấp cho họ chủ yếu là từ quá trình làm việc của bản thân (39,3%) và các thành viên trong gia đình (35,4%). Nguồn từ tiết kiệm/đầu tư là 18% và 7,3% là từ lương hưu và trợ cấp chính phủ.

Thái Lan tập trung đảm bảo thu nhập dành cho NCT qua Hệ thống Trợ giúp tuổi già nay là Hệ thống lương hưu xã hội cho NCT không có lương hưu. Năm 2011, chính phủ đã tăng mức trợ cấp theo các nhóm tuổi (600 Baht cho những người trong độ tuổi 60-69, 700 Baht cho độ tuổi 70-79, 800 Baht cho độ tuổi 80-89 và 1.000 Baht cho độ tuổi 90+).

 

Giảm thuế khi con chăm sóc cha mẹ

Nhằm khuyến khích con cái chăm sóc cha mẹ, Thái Lan đã giảm thuế (30.000Baht/một cha/mẹ) cho người con khi chăm sóc cha mẹ và khi người con mua bảo hiểm y tế tư nhân cho cha mẹ cũng được hưởng giảm thuế (30.000 Baht một cha/mẹ/một năm).

Chính phủ Thái Lan đang hướng đến “Hệ thống chăm sóc tức thời” để hỗ trợ hệ thống chăm sóc lâu dài và chăm sóc không chính thức. Hệ thống này là cầu nối giữa gia đình và các bệnh viện chăm sóc chuyên khoa. Hệ thống này sẽ nâng cao hệ thống chăm sóc không chính thức và giảm nhu cầu chăm sóc lâu dài tại nhà dưỡng lão. Tuy nhiên, thách thức ở đây là làm thế nào để hệ thống này hoạt động hiệu quả.

Sự nỗ lực của chính phủ Thái Lan trong việc ban hành nhiều chính sách, xây dựng nhiều mô hình nhằm phát huy vai trò, nâng cao chất lượng sống của NCT Thái Lan trong suốt 30 năm qua là những bài học vô cùng bổ ích cho bất cứ quốc gia nào trong tiến trình bước vào/đã, đang ở giai đoạn già hoá dân số.

Kinh Quốc