Hưởng ứng Tháng Hành động quốc gia về dân số và ngày Dân số Việt Nam 26/12/2013: Chăm sóc, phát huy thế mạnh của người cao tuổi: 90 triệu và 9 triệu

0
156

GiadinhNet – Theo số liệu thống kê, vào lúc 2h45 phút ngày 1/11/2013, trong khi cả nước hân hoan đón mừng công dân thứ 90 triệu chào đời, cũng là thời điểm Câu lạc bộ người cao tuổi (NCT) “kết nạp” thành viên thứ 9 triệu, để Việt Nam trở thành quốc gia thứ hai sau Thái Lan có tốc độ già hoá cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

 

Chăm sóc, phát huy thế mạnh của người cao tuổi: 90 triệu và 9 triệu  1

Phần lớn NCT Việt Nam ở nông thôn, chủ yếu sống bằng nghề nông. Ảnh: D. Tường

Với tỷ suất tăng dân số khoảng 1%/năm thì đến năm 2050, số người cao tuổi của Việt Nam (từ 60 trở lên) sẽ tăng gấp đôi, chiếm 22% dân số (khoảng 27 triệu người), tương đương với số dân của nước ta vào năm 1957.

Điều gì sẽ xảy ra?

Hãy tưởng tượng, những gì có thể  xảy ra, sau 38 năm nữa, trên cả nước có khoảng 27 triệu công dân từ 60 tuổi trở lên sinh sống? Nếu ngay từ bây giờ, chúng ta không có những chiến lược, giải pháp quyết liệt thì việc bảo đảm để người cao tuổi (NCT) sống vui, sống khỏe, sống có ích sẽ trở thành “gánh nặng” chứ không còn là vốn quý, niềm vui, sự tự hào của mọi gia đình, dòng tộc, cộng đồng và xã hội.  

Ngoài những nét tương đồng chung với NCT trên thế giới, NCT Việt Nam còn có những đặc thù riêng như: Đại đa số NCT đều trải qua 1-2 cuộc chiến tranh vệ quốc. Nhiều người là thương bệnh binh, sức khỏe yếu, nhu cầu chăm sóc, điều trị cao. Số NCT không có trợ cấp xã hội còn nhiều. Phần lớn NCT sống ở nông thôn và chủ yếu sống bằng nghề nông (khoảng 70%), thu nhập thấp. Tỷ lệ NCT sống bằng lương hưu và trợ cấp xã hội không đáng kể (khoảng 25,5%). NCT sống dựa vào nguồn thu nhập từ lao động bản thân, có sự hỗ trợ đáng kể của con cháu (lao động bản thân: 29%, con cái hỗ trợ 32%, lương hưu: 16% và từ nguồn khác chiếm  23%). Tỷ lệ NCT sống trong hộ nghèo còn cao (17,3%, trong đó nông thôn – 22% và ở thành thị – 7%). Phần đông NCT vẫn muốn sống gắn bó với gia đình và cộng đồng với ước mơ từ bao đời gói gọn trong 3 từ: Phúc, Lộc, Thọ. 

Để NCT sống vui, khỏe và có ích, trước hết cần phải chăm sóc NCT để họ có sức khỏe tốt, có tuổi thọ cao. NCT có khỏe mới vui, mới có điều kiện tham gia hoạt động xã hội hữu ích và tăng tuổi thọ, sau đó mới phát huy NCT. Ngược lại, phát huy hiệu quả NCT sẽ góp phần tích cực để NCT sống khỏe hơn, vui hơn và nhờ vậy lại càng trường thọ.

Đi tìm mô hình phù hợp

Trên thế giới có nhiều mô hình chăm sóc NCT song phổ biến nhất hiện nay vẫn là chăm sóc tại chỗ dựa vào gia đình và cộng đồng. Các nghiên cứu về NCT gần đây cho thấy, ngày càng nhiều NCT được gia đình và cộng đồng chăm sóc, trong khi càng ít NCT sống dựa vào nhà dưỡng lão.

Tại nhiều nước, đặc biệt là ở châu Á, lý do lớn nhất khiến NCT cũng như người khuyết tật đều muốn được chăm sóc tại gia đình là: Ngôi nhà vốn gắn với những kỷ niệm thân thiết của cuộc đời; Là nơi tưởng nhớ hay thờ cúng gia tiên;Là nơi đón người thân, bạn bè, tiếp khách; Là nơi được tự do dọn dẹp, trang trí theo sở thích; Được giao tiếp, đón nhận sự hỗ trợ của người thân, họ hàng và cộng đồng; Giảm được nhiều chi phí so với chăm sóc dài hạn tại các trung tâm hay nhà dưỡng lão…

Đối với những nước có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Việt Nam, các chuyên gia của Tổ chức hỗ trợ NCT quốc tế đã có một số gợi ý như: Ưu tiên chăm sóc dựa vào cộng đồng; Ưu tiên hỗ trợ cho các trường hợp khẩn thiết; Lồng ghép chăm sóc xã hội với chăm sóc y tế; Củng cố và quản lý hiệu quả hoạt động của tư nhân đối với dịch vụ chăm sóc NCT.

Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình của một số nước có nét tương đồng, chúng ta cần áp dụng có chọn lọc và điều chỉnh hoạt động phù hợp với điều kiện để sớm triển khai xây dựng, mở rộng các mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng và gia đình…

Trước hết, cần tăng cường nguồn nhân lực. Đào tạo đội ngũ cán bộ, điều dưỡng viên, tình nguyện viên chăm sóc NCT. Gấp rút tổ chức các lớp đào tạo nhằm nâng cao nhận thức về chăm sóc NCT tại cộng đồng. Mở rộng các dịch vụ đáp ứng sự biến đổi mô hình bệnh tật của NCT; xây dựng và mở rộng hệ thống lão khoa tại các bệnh viện. Phát triển hệ thống bác sĩ gia đình…

Theo các chuyên gia, để công việc này thành công, Việt Nam phải mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiển hưu trí nhằm nâng cao tỷ lệ chi trả cho chăm sóc NCT dài hạn. Khuyến khích mọi người sử dụng thuốc y học dân tộc, động viên NCT rèn luyện thân thể khỏe mạnh, thực hành lối sống có lợi cho sức khỏe để  phòng chống các bệnh mãn tính. Sàng lọc phát hiện sớm bệnh tật để kịp thời điều trị can thiệp… 

 

Chăm sóc, phát huy thế mạnh của người cao tuổi: 90 triệu và 9 triệu  2

Phần lớn NCT Việt Nam ở nông thôn, chủ yếu sống bằng nghề nông. Ảnh: D. Tường

Thế hệ kết nối các giá trị truyền thống

Phát huy NCT là một nội dung quan trọng của Luật Người cao tuổi cũng như Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020.

Để phát huy NCT, trước hết chúng ta cần nâng cao nhận thức về vị trí vai trò của NCT- Đây vốn là lớp người “cây cao bóng cả”, với vốn sống, trí tuệ của mình, có vai trò quan trọng trong việc kết nối các giá trị truyền thống về đạo đức, lịch sử và văn hóa với thế giới hiện đại. Đây là lớp người có công lớn với đất nước, từng trải qua hai cuộc kháng chiến gian khổ và giai đoạn xây dựng lại đất nước để làm nên lịch sử vẻ vang của thế hệ Hồ Chí Minh. NCT là một trong những lực lượng nòng cốt ở cơ sở và trong mỗi gia đình, nêu gương, kiên trì hướng dẫn, động viên con cháu chấp hành nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy dân chủ ở cơ sở, bảo vệ môi trường sống, đóng góp để kinh tế ngày càng phát triển, xã hội ngày càng văn minh.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của các cụ phụ lão. Bác thường dạy: “Tuổi già nhưng chí không già/Góp phần xây dựng nước nhà phồn vinh…”.

Phát huy NCT cần dựa trên cơ sở nhận thức, nhu cầu của xã hội với nhu cầu, điều kiện tham gia của NCT (đủ sức khỏe, có trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kinh nghiệm nghề nghiệp). Do vậy, cần có những nghiên cứu khoa học để có luận chứng hoạch định các chương trình, dự án học tập suốt đời, đào tạo và việc làm cho NCT. NCT không phải là gánh nặng mà là “vốn quý”, là tấm gương phản chiếu thành tựu phát triển của sự nghiệp kinh tế, văn hóa, xã hội của mọi quốc gia.

Thách thức chủ yếu trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” hiện nay là việc sử dụng hợp lý lực lượng lao động là NCT. Chúng ta chưa có chiến lược tổng thể trong việc sử dụng lao động và tạo việc làm cho NCT.

Cần sớm nghiên cứu để xây dựng, ban hành những chính sách, cơ chế cụ thể tạo điều kiện, khuyến khích NCT tham gia công tác xã hội và tham gia hoạt động kinh tế, đặc biệt là những ngành nghề đặc thù. Có một thực tế, rất ít người có ý thức chuẩn bị trước cho mình khi bước sang tuổi 60. Chúng ta nên tuyên truyền để tất cả mọi người cần chủ động tích luỹ, chuẩn bị cho giai đoạn cao tuổi mà hầu hết ai cũng phải trải qua. Việc chăm sóc, phát huy nguồn lực NCT trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của toàn xã hội, của mỗi gia đình và của mỗi người.
 

Điều kiện quan trọng để thực hiện thắng lợi Chương trình Hành động Quốc gia về người cao tuổi:

– Việt Nam có sự lãnh đạo, chỉ đạo cuả Đảng, Quốc hội, Chính phủ thể hiện qua việc ban hành Luật NCT, sửa đổi Hiến pháp, các văn bản quy phạm pháp luật.

– Có Chiến lược thực hiện với việc phê duyệt Chương trình hành động NCT đến năm 2020.

– Đã có bộ máy kiện toàn từ TW đến cơ sở đủ mạnh và ổn định lâu dài.

– Đã xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc NCT do ngành Y tế và LĐTB&XH thực hiện, cơ sự tham gia của tư nhân và các tổ chức đoàn thể, các Tổ chức quốc tế.

– Đã triển khai một số nghiên cứu khoa học về NCT.

– 4 Đã có nguồn ngân sách đầu tư cho việc chăm sóc NCT dù còn hạn hẹp.

Tuy nhiên, để mục tiêu chăm sóc và phát huy NCT trở thành hiện lực, cần sớm bổ sung hoàn thiện các điều kiền cần và đủ nói trên, tránh kéo dài, để NCT nhanh chóng có được một cuộc sống vui, sống khỏe và sống có ích.
 

PGS.TS Trần Văn Chiến