Phát động Giải báo chí toàn quốc về công tác DS-KHHGĐ

0
113

GiadinhNet – Sáng 19/5, Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức họp báo thông tin Giải báo chí toàn quốc về công tác DS – KHHGĐ năm 2014.

Giải báo chí toàn quốc về công tác DS-KHHGĐ năm 2014 do Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Cuộc thi nhằm nâng cao số lượng và chất lượng các tác phẩm báo chí truyền thông về dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng trong cả nước; động viên kịp thời đội ngũ cán bộ, phóng viên, cộng tác viên các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương có tác phẩm báo chí có chất lượng tốt về DS-KHHGĐ.
Ban tổ chức cho biết, cuộc thi tiếp nhận các loại hình báo, tạp chí (báo in), báo nói (phát thanh) và báo hình (truyền hình), báo điện tử, báo ảnh; bao gồm các thể loại: Bài phản ánh, phỏng vấn, ghi chép, bình luận, chuyên luận, phóng sự, điều tra, bút ký báo chí…Tác phẩm dự giải báo chí toàn quốc về DS-KHHGĐ năm 2014 phải là các tác phẩm được các cơ quan thông tấn báo chí trong nước sử dụng kể từ ngày 11/7/2013 đến hết ngày 15/10/2014. Những tác phẩm đã tham dự các cuộc thi khác, ở Trung ương và địa phương vẫn được quyền dự nhưng phải ghi rõ mức giải và cuộc thi do đơn vị nào tổ chức.
Dự kiến Ban tổ chức sẽ trao 36 giải, trong đó với thể loại truyền hình, sẽ trao 1 giải nhất trị giá 10 triệu đồng. Với thể loại báo chí khác, giải đặc biệt trị giá 8 triệu đồng. Mỗi tác giả, nhóm tác giả được gửi tối đa 3 tác phẩm tham dự. 
Thời gian nhận tác phẩm từ  ngày 20/5/2014 đến hết ngày 15/10/2014 (tính theo dấu bưu điện). Các tác phẩm tham dự gửi về địa chỉ: Ban Thư ký Giải báo chí toàn quốc về công tác DS-KHHGĐ, Nhà văn hóa Hội Nhà báo Việt Nam, 59 Lý Thái Tổ, Hà Nội. Ngoài bìa ghi rõ: Dự Giải báo chí về DS – KHHGĐ năm 2014. 
Võ Thu
 
Tuổi thọ trung bình thế giới tăng thêm 6 năm
 
Đây là số liệu thống kê mới nhất của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) vừa được công bố. Tuổi thọ trung bình toàn cầu tăng thêm 6 năm. Tuổi thọ cao nhất của nam là ở Iceland với 81 tuổi và nơi có tuổi thọ phụ nữ cao nhất là Nhật Bản với 87 tuổi.
Số tuổi thọ trung bình có sự chênh lệch đáng kể giữa các nước thu nhập cao và thu nhập thấp. Tiến sĩ Ties Boerma – Vụ trưởng Vụ Thống kê Y tế (WHO) cho biết: "Ở các nước có thu nhập cao, phần lớn đạt được trong tuổi thọ cao là do thành công trong việc giải quyết các bệnh không lây như bệnh tim và tiểu đường".
Theo bản báo cáo thống kê của WHO, các nước có thu nhập thấp đã cho thấy sự tiến bộ lớn khi mà trong khoảng thời gian từ năm 1900 – 2012, tuổi thọ trung bình tăng thêm 9 năm. Một trong những lý do mà tuổi thọ đã tăng lên ở các nước này là tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giảm đáng kể. Tuổi thọ của nữ ở các nước thu nhập thấp vẫn chưa cao được cho là do tỷ lệ lớn tử vong khi sinh.
Các số liệu của WHO cũng cho thấy rõ ba nguyên nhân hàng đầu dễ gây tử vong hiện nay là do bệnh tim mạch, bệnh nhiễm trùng hô hấp dưới và đột quỵ.
 
Mai Anh