Kết quả thực hiện Đề án Kiểm soát dân số các vùng biển, đảo và ven biển tại huyện Cần Giờ sau 5 năm triển khai (2009 – 2014)

0
97

Sau gần 5 năm triển khai Đề án kiểm soát dân số vùng biển đảo và ven biển tại huyện Cần Giờ (Đề án 52) đã góp phần ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số vùng biển, ven biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ), góp phần đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe SKSS/KHHGĐ nói riêng và sức khỏe của nhân dân nói chung.

Ngày 08/9/2010, Ủy ban nhân dân thành phố đã ban hành Quyết định số 3943/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Kiểm soát Dân số các vùng biển, đảo và ven biển giai đoạn 2010-2020” triển khai tại huyện Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh. Khi đề án 52 được triển khai, Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) đã tham mưu Sở Y tế ra quyết định thành lập 1 đội lưu động – Y tế KHHGĐ với 12 thành viên nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân huyện Cần Giờ.

Tính đến nay, có trên 13.825 lượt người đựơc tư vấn về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/kế hoạch hóa gia đình, trên 31.998 lượt người được khám phụ khoa và 8.875 người được phát hiện mắc bệnh và đã được điều trị phụ khoa,. Đồng thời lập danh sách phụ nữ đang mang thai, phân loại và tổ chức khám thai cho 6.110 lượt bà mẹ mang thai; tư vấn về các nguy cơ cao cho 4.739 lượt bà mẹ mang thai. Bên cạnh đó còn thực hiện khám sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh. Ngoài ra, đề án cũng góp phần rất lớn trong công tác phòng, chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục, phòng ngừa mang thai ngoài ý muốn, phá thai an toàn cho đối tượng trong độ tuổi sinh đẻ.

Đã sản xuất, nhân bản và phân phối trên 400.000 sản phẩm truyền thông gồm tờ rơi, áp phích, pa nô,…cung cấp đến người dân vùng biển. Tổ chức 614 buổi sinh hoạt nhóm, CLB cho nhóm phụ nữ 15-49 tuổi được tư vấn về Phòng chống bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, lây truyền qua đường tình dục với trên 26.374 lượt người dự. Công tác truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ được được chú trọng thực hiện, đã tổ chức 638 buổi truyền thông, tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình theo từng đối tượng khác nhau và theo các buổi tư vấn riêng với trên 31.000 lượt người tham dự, nhờ đó các nhóm đối tượng đã được nâng cao kiến thức, hiểu biết về chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

Ngoài ra, Kho dữ liệu điện tử chuyên ngành DS-KHHGĐ của huyện Cần Giờ được vận hành thông suốt và liên tục, đã đáp ứng 2 nhiệm vụ là báo cáo cho Chương trình mục tiêu quốc gia DS-KHHGĐ và báo cáo cho Đề án 52.

Về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe sinh sản đã được các ngành, các cấp quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng đến tận các ấp, khu phố trên địa bàn các xã, thị trấn. Đến cuối năm 2013, toàn huyện có 01 bệnh viện, 01 Trung tâm Y tế dự phòng, 07 trạm y tế ở các xã, thị trấn (trong đó có 6/7 đạt chuẩn quốc gia) và 01 Phòng khám đa khoa khu vực An Nghĩa. Trang thiết bị cơ bản đảm bảo phục vụ việc khám chữa bệnh cho người dân gồm 10 máy siêu âm, 01 máy soi cổ tử cung, 2 máy đo tim thai.

Sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Y tế, sự phối hợp của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể thành phố, huyện Cần Giờ và Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn đã tích cực triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án 52. Việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em và kế hoạch hóa gia đình trên địa bàn Đề án đã được các đơn vị ngành y tế đẩy mạnh thực hiện, Đề án 1816 tăng cường bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ cho Bệnh viện Cần Giờ đã góp phần trong công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ mắc bệnh viêm nhiễm năm 2011 là  34,64 % thì năm 2013 giảm xuống còn 22,70 %. 

Hoạt động của Đề án kiểm soát dân số vùng biển, đảo và ven biển được triển khai thực hiện tại huyện Cần Giờ khá tốt, đã góp phần vào công tác nâng cao chất lượng dân số, cải thiện sức khỏe sinh sản, duy trì mức giảm sinh và giảm sinh con thứ 3 trở lên và hoàn thành các chỉ tiêu dân số – kế hoạch hóa gia đình hàng năm. Đảm bảo việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em/kế hoạch hóa gia đình tại các xã, thị trấn được thực hiện thường xuyên.

Trong thời gian tới, Chi cục DS-KHHGĐ tiếp tục triển khai các hoạt động ở giai đoạn tiếp theo của Đề án 52 tại huyện Cần Giờ thành phố Hồ Chí Minh./.
 

Phòng KH-TV