Đừng để người cao tuổi trở thành gánh nặng

0
168

GiadinhNet – Các chuyên gia về lĩnh vực dân số khẳng định, già hóa dân số không phải gánh nặng mà là thành tựu to lớn của loài người. Tuy nhiên, với tốc độ già hóa quá nhanh và thời gian chuyển sang giai đoạn dân số già quá ngắn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề thách thức trong chăm sóc y tế và an sinh xã hội cho người cao tuổi, nếu không có những ứng phó kịp thời.

Đừng để người cao tuổi trở thành gánh nặng 1

Chăm sóc sức khỏe miễn phí cho NCT  tại Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc

 
Thời gian đau ốm chiếm 11% tổng số tuổi thọ
Bà Lê Minh Giang – Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia về người cao tuổi (NCT) Việt Nam cho biết, độ tuổi trung bình của người Việt Nam hiện nay là 74,3 tuổi. Tuy nhiên, tuổi thọ sống khỏe mạnh vẫn thấp. Số năm đau ốm trung bình của một người Việt Nam là 7,3 năm (khoảng 11% tổng số tuổi thọ).
Trong khi số NCT đang tăng lên nhanh chóng và cần được chăm sóc sức khỏe cao thì hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT của nước ta chưa theo kịp với sự biến đổi này. Tại tuyến Trung ương chỉ có một bệnh viện lão khoa, các tuyến tỉnh, huyện và chăm sóc sức khỏe ban đầu trên toàn quốc chưa kịp đầu tư, chú trọng xây dựng hệ thống bao gồm cả nhân lực, vật lực, tài lực cho chăm sóc sức khỏe NCT.
Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, chuyên gia chính sách của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho biết, trong đợt khảo sát về chăm sóc y tế ở cơ sở tại hai tỉnh Hải Dương và Bến Tre năm 2010, hầu hết cán bộ y tế ở tuyến xã không có chứng chỉ, bằng cấp gì liên quan đến chăm sóc sức khỏe NCT. Đây là điều đáng lo ngại khi tuổi thọ của người dân ngày càng cao và xu hướng bệnh tật đang chuyển từ các bệnh truyền nhiễm sang các bệnh mãn tính. Bên cạnh đó, tỷ lệ NCT sống cô đơn ngày càng cao, chủ yếu là cụ bà rất cần được quan tâm chăm sóc.
Hiện nay, tại các tuyến xã chỉ có người khám sức khỏe ban đầu nói chung, không có người khám lão khoa riêng. Đặc biệt, không phải trạm y tế nào cũng có bác sĩ. “Với hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT còn yếu và thiếu như thế này để chăm sóc cho hơn 9 triệu NCT  là cả một vấn đề khó khăn”, bà Giang chia sẻ. 
Không chỉ lo ngại trong việc chăm sóc sức khỏe, NCT còn đang gặp nhiều khó khăn trong điều kiện đời sống vật chất. Có tới 70% NCT sống ở nông thôn và không có tích lũy vật chất, chủ yếu sống dựa vào sự chăm sóc của xã hội, con cháu hoặc tự làm việc mà không có tích lũy.
 
Cần xây dựng chính sách đồng bộ, thích ứng
Nhiều quan điểm cho rằng “già hóa” dân số sẽ là gánh nặng cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, các nhà xã hội học và chuyên gia dân số cho rằng đây là một quan điểm sai lầm mà chúng ta phải thay đổi hoàn toàn: Phải coi già hóa dân số là thành tựu xã hội to lớn của loài người và các quốc gia. Hiện nay, có một bộ phận NCT khỏe mạnh là nguồn nhân lực quý giá mà ta chưa biết cách sử dụng đến. Nếu được hỗ trợ một cách phù hợp thì NCT có thể tiếp tục đóng góp to lớn cho gia đình, cộng đồng và quốc gia. Bà Phạm Tuyết Nhung – Ban đối ngoại Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đưa ra quan điểm: Cần chuyển quan niệm nhận thức “NCT là gánh nặng” thành “NCT là tài sản” thì mới có những chính sách, chương trình phù hợp với nhu cầu được chăm sóc và mong muốn phát huy vai trò của NCT.
Tại Hội thảo "Nâng cao nhận thức về già hóa và nhu cầu chăm sóc NCT" do Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học (ISMS) vừa tổ chức ngày 23/5, tại Hà Nội, PGS Giang Thanh Long – Viện trưởng Viện Chính sách Công và quản lý thì vấn đề đặt ra là phải tìm ra các giải pháp để phát huy sức mạnh của cả cộng đồng trong việc chăm sóc NCT, đồng thời đề xuất các khuyến nghị nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc NCT ở nước ta. Còn theo bà Lê Minh Giang, cần đưa ra nhiều đề xuất trong đó cần tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT cả ở cộng đồng, ở nhà với chăm sóc tại các cơ sở của nhà nước và tư nhân; đặc biệt xây dựng và phát triển hệ thống người làm công tác xã hội, các nhà cung cấp dịch vụ lão khoa… dựa trên nhu cầu của từng địa phương.
Các ý kiến của các chuyên gia và các nhà nghiên cứu chính sách đều cho rằng, việc xây dựng chính sách, chiến lược chăm sóc NCT mục đích cuối cùng phải đạt 3 tiêu chí: Tỷ lệ tàn tật và ốm đau NCT xuống thấp, các hoạt động chân tay và trí óc của NCT được phát huy để tăng trưởng kinh tế và NCT được tích cực tham gia các hoạt động xã hội để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Để đạt được mục tiêu trên, các chính sách cần đồng bộ, nhanh chóng để ứng phó và thích ứng kịp với một xã hội già hóa.
 
Những con số về NCT ở Việt Nam
70% NCT không có tích lũy vật chất.
62,3% sống khó khăn, thiếu thốn.
27,6% cho rằng kinh tế đang kém đi.
18% sống trong hộ nghèo (tuổi càng cao càng nghèo).
Hơn 30% sống trong nhà kiên cố.
Gần 10% sống trong nhà tạm.
35% cảm thấy thất vọng.
33% không biết chia sẻ vui, buồn cùng ai.
22% cảm thấy rất cô đơn.
(Nguồn: Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam)
 

Hà Anh