Mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương

0
154

GiadinhNet – Sáng 14/7, tại buổi “Tọa đàm xin ý kiến chuyên gia về mô hình tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ tuyến quận/huyện, xã/phường” do Viện Chính sách và Chiến lược y tế (Bộ Y tế) phối hợp với Tổng cục DS-KHHGĐ tổ chức, các đại biểu đều nhất trí cao và có những đóng góp quan trọng cho mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện.

Mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương 1

Chiến dịch tăng cường chăm sóc SKSS tại huyện Đông Anh, Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc

 
Cần thay đổi các mô hình chồng chéo hiện nay
Buổi tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS Trần Thị Trung Chiến – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, TS Nguyễn Bá Thủy – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế cùng các đồng chí nguyên là lãnh đạo ngành Dân số qua các thời kỳ. Tham dự tọa đàm còn có các đồng chí lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Vụ Tổ chức cán bộ, Vụ Kế hoạch tài chính Bộ Y tế; Lãnh đạo Sở Y tế và Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang…
Bà Vũ Thị Minh Hạnh – Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược y tế cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định 37/2014/NĐ-CP (về quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh), Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã yêu cầu Viện tiến hành hoạt động lấy ý kiến của các đơn vị liên quan từ tuyến Trung ương đến tỉnh, huyện, xã về mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện, nhằm cung cấp bằng chứng cho việc xây dựng Thông tư hướng dẫn triển khai thực hiện Nghị định 37.
Theo khảo sát, hiện nay trên cả nước có tới 4 mô hình và 5 cơ chế quản lý khác nhau trong công tác DS-KHHGĐ ở cấp huyện và xã. Điều này đã dẫn đến công tác DS-KHHGĐ có sự chồng chéo, hoạt động không hiệu quả nên đã nhận được rất nhiều ý kiến bức xúc của các địa phương. Các ý kiến do Viện Chiến lược và Chính sách y tế thu thập từ lãnh đạo UBND tỉnh, huyện, Chi cục DS-KHHGĐ và cán bộ dân số cho thấy, có tới 96,3% cho rằng công tác dân số do Phòng Y tế quản lý là không phù hợp, cần thay đổi mô hình. Hầu hết đều mong muốn mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện để có được sự lãnh đạo, chỉ đạo và đầu tư của cấp ủy và chính quyền địa phương đối với công tác DS-KHHGĐ ở tuyến huyện. Đặc biệt, đa số cán bộ DS-KHHGĐ được hỏi đều mong muốn là viên chức làm công tác DS-KHHGĐ trực thuộc Trung tâm DS-KHHGĐ, được biệt phái làm việc tại xã.
 
Mô hình phù hợp và hiệu quả nhất
Qua khảo sát của Viện Chiến lược và Chính sách y tế vừa thực hiện, số đông cán bộ lãnh đạo của các cơ quan có liên quan tại tuyến tỉnh, tuyến huyện và cán bộ DS-KHHGĐ đã phản ánh lý do đề xuất mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện. Các ý kiến đều cho rằng, lợi thế lớn nhất của việc này là Trung tâm DS-KHHGĐ được Đảng ủy, HĐND, UBND trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, thuận lợi hơn trong phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, được quan tâm đầu tư kinh phí, dễ dàng trong lồng ghép với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của huyện và thuận lợi hơn trong hướng dẫn UBND xã và kêu gọi sự đầu tư kinh phí của UBND xã.
Ông Bùi Thế Bừng – Phó Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang, nơi triển khai mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện cho biết: Sau 1 năm Bắc Giang triển khai mô hình này thì trách nhiệm trong chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ của UBND huyện quyết liệt và hiệu quả hơn. Đặc biệt, các đồng chí lãnh đạo UBND huyện đều cho rằng đây là công việc của huyện, chủ động đầu tư cho công tác dân số. Sau 1 năm triển khai, công tác dân số đã giải quyết được bất cập rất lớn khi trước đây cán bộ dân số làm việc ở trạm y tế xã gần như bỏ hết công việc dân số mà chỉ làm việc của y tế.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông  Nguyễn Đức Lộc – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hưng Yên cho biết, ở tuyến huyện hiện nay đã thống nhất rất cao với mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện. Tuy nhiên, điều băn khoăn nhất là làm thế nào để đưa cán bộ dân số trở thành viên chức của Trung tâm Dân số, để họ yên tâm công tác.
Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đều khẳng định: Mô hình tổ chức là điều kiện tiên quyết quyết định sự thành bại của từng lĩnh vực hoạt động, tạo dựng tư duy hoạt động thống nhất trong toàn mạng lưới và được thiết kế linh hoạt để thích ứng được với những biến đổi trong thực tế. Chính vì vậy, việc dựa trên bằng chứng để xây dựng mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ phù hợp, hiệu quả là một phương pháp khoa học và đúng đắn.
TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ nhất trí với kết quả khảo sát do Viện Chiến lược và Chính sách y tế đưa ra. Trong bối cảnh nguồn lực của Chương trình Mục tiêu quốc gia về DS-KHHGĐ ngày càng hạn hẹp trong những năm gần đây và đặc biệt là công tác dân số đã và đang có sự chuyển hướng mạnh mẽ đòi hỏi những giải pháp nâng cao chất lượng dân số, các chuyên gia đều nhất trí: Mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện; cán bộ DS-KHHGĐ xã là viên chức của Trung tâm DS-KHHGĐ, biệt phái làm việc tại xã là mô hình phù hợp và hiệu quả nhất. 
Theo bà Vũ Thị Minh Hạnh, sau buổi tọa đàm, Viện Chiến lược và Chính sách y tế sẽ hoàn thiện báo cáo cung cấp bằng chứng cho việc đề xuất mô hình vào ngày 25/7 để trình Bộ trưởng Bộ Y tế.
 
Mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương 2

Mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện là rất đúng, vừa tăng cường được sự chỉ đạo của chính quyền, huy động được nguồn lực của địa phương, vừa đẩy mạnh được sự phối hợp ban, ngành và sự tham gia mạnh mẽ của cộng đồng. Việc đưa cán bộ chuyên trách dân số trực thuộc Trung tâm biệt phái làm việc tại xã là hợp lý và hiệu quả, đúng người đúng việc.

Trần Thị Trung Chiến – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế
 
Mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương 3
Đây là một báo cáo hết sức khoa học, cung cấp đủ bằng chứng về thực trạng tổ chức bộ máy DS-KHHGĐ tuyến huyện, xã trong cả nước với tỷ lệ cán bộ được hỏi ủng hộ mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện là rất cao. Điều này cũng trùng với hai báo cáo, khảo sát mà ngành DS-KHHGĐ và Viện Xã hội học đã từng làm.
Ông Nguyễn Bá Thủy – nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế

Mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương 4

Qua thực tiễn đòi hỏi cần phải có một mô hình tổ chức về dân số ở tuyến huyện thống nhất. Tôi đồng tình với mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện; có được tổ chức độc lập chuyên tâm cho công tác DS-KHHGĐ. Bởi mô hình độc lập này đã tạo ra bước đột phá về công tác dân số trong những giai đoạn trước đây của chúng ta.

Ông Nguyễn Thiện Trưởng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban DS,GĐ&TE
 
Mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương 5
Chưa bao giờ ngành Dân số tuyến huyện lại nhiều thể chế như thế và lại không đồng bộ, tạo nên sự bất cập trong bộ máy tổ chức. Công tác dân số là công tác xã hội cần sự huy động tất cả các ban, ngành và cả xã hội vào cuộc. Đặc biệt, để làm tốt công tác dân số trong thời gian tới, tôi thấy cần có chiến lược đào tạo cán bộ nguồn, có trường lớp và mã ngành riêng.
Ông Đào Văn Dũng – Vụ trưởng Vụ Các vấn đề xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương
 
Mô hình Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc UBND huyện: Trách nhiệm của cả hệ thống chính trị địa phương 6

Kết quả xin ý kiến về mô hình tổ chức của cơ quan DS-KHHGĐ tuyến quận, huyện và cơ chế quản lý đối với cán bộ chuyên trách tuyến xã, phường đã cung cấp các bằng chứng rất tốt. Theo tôi, mô hình đề xuất cần đưa các tiêu chí về chất lượng dân số như đào tạo, nguồn nhân lực, chất lượng công tác…

Ông Chu Đức Nhuận – Vụ trưởng Vụ Khoa giáo, Văn phòng Chính phủ
 

 

Hà Thư