Việt Nam trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng: “Cầm vàng đừng để vàng rơi”

0
484

GiadinhNet – Việt Nam đã bước vào thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” được 8 năm nhưng cũng đồng thời bước vào giai đoạn “già hóa dân số” với tốc độ nhanh chưa từng có trong lịch sử. Bên cạnh đó, tình trạng lao động có kỹ năng còn thiếu, lao động dư thừa, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn biến phức tạp…

Những biến dân số trên cần được quan tâm và lồng ghép vào việc lập kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội mới có thể giúp Việt Nam cất cánh trong thời gian tới. Vấn đề này đã được các chuyên gia về nhân khẩu học, chuyên gia về dân số và các nhà hoạch định chính sách đề cập tới trong Hội nghị về lồng ghép biến dân số vào lập kế hoạch phát triển do Bộ KH&ĐT phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tổ chức ngày 10/9.
 
 “Cầm vàng đừng để vàng rơi” 1

Cơ cấu dân số vàng đang là một cơ hội để Việt Nam phát triển kinh tế – xã hội. Ảnh: Chí Cường

 
Vừa “vàng” thì cũng bắt đầu “già” 
Đây là một đặc điểm rất đáng quan tâm của cơ cấu dân số Việt Nam hiện nay. Dân số nước ta vừa bước ra khỏi thời kỳ “dân số trẻ” với hơn 40% dân số là trẻ em và bắt đầu bước vào thời kỳ “dân số vàng” (cứ hai người trong độ tuổi lao động mới có 1 người trong độ tuổi phụ thuộc) vào năm 2006 với lực lượng trong độ tuổi lao động chiếm tới 69% dân số.
Tuy nhiên, chưa đầy 5 năm sau, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số khi tỉ trọng nhóm dân số 65 tuổi trở lên chiếm 7%. Các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã cho rằng: “Việt Nam chưa giàu đã già”. Tốc độ già hóa dân số của Việt Nam đang nằm trong 5 quốc gia nhanh nhất thế giới. Các chuyên gia dự báo, đến năm 2050, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn siêu già với dân số già chiếm tới 20% dân số. Đây cũng là vấn đề đặt ra nhiều thách thức đối với công tác chăm sóc sức khỏe và phát huy người cao tuổi.
GS.TS Nguyễn Đình Cử, Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh, hơn 30 năm qua, Việt Nam có nhiều thay đổi, có những thay đổi chúng ta có thể nhìn thấy bằng mắt thường như nhiều nhà cao tầng hiện đại, nhiều ô tô… nhưng cũng có những biến đổi chúng ta không nhìn thấy bằng mắt thường nhưng lại rất dữ dội. Đó là quy mô dân số đã tăng gần gấp đôi (từ 53 triệu dân năm 1979 lên 91 triệu năm 2014). Đó là số trẻ em giảm đi gần 1/2, số người trong độ tuổi lao động và người cao tuổi tăng nhanh… Những biến đổi đó cần có những giải pháp nhanh chóng và các biến dân số phải được lồng ghép một cách tích cực vào sự phát triển.
Theo GS.TS Nguyễn Đình Cử, điều các nhà hoạch định chính sách cần nhìn thấy rõ nhất là sự thay đổi và nhu cầu theo từng nhóm tuổi. Nếu nhóm từ 0 – 14 tuổi chủ yếu là dinh dưỡng và học tập thì nhóm 14 – 64 tuổi là học tập, lao động và việc làm, nhóm 65 tuổi trở lên là phải được chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy. Ông cho biết, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu dân số vàng được 8 năm, đi được gần 1/4 chặng đường của thời kỳ này (theo dự báo sẽ kéo dài trong 30 – 40 năm). Thế giới có 13 nước được coi là thành công trong giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” với sự phát triển kinh tế xã hội vượt bậc: Thu nhập bình quân đầu người (GDP) tăng 10 lần và họ đã biến thành các “con rồng”, “con hổ”. “Việt Nam có chớp được thời cơ để phát triển đất nước hay không là ở chính cơ hội này”, GS.TS Nguyễn Đình Cử nhấn mạnh.
 
Cần coi trọng việc lồng ghép biến dân số vào phát triển
Thế giới đã trải qua 3 giai đoạn: DS-KHHGĐ, DS& SKSS và trong vòng 20 năm nay, thế giới đã tiếp cận theo hướng dân số và phát triển – dân số gắn với các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhưng trong thời gian qua, việc lồng ghép biến dân số với các biến của xã hội còn rất hạn chế, từ Trung ương đến địa phương, từ các cấp, các ngành đến quy hoạch vùng.

“Mất cân bằng giới tính khi sinh trong giai đoạn qua đã trở nên hết sức trầm trọng. Giai đoạn 2006 – 2008, mỗi năm tỷ số này tăng 1,25 điểm phần trăm. Từ năm 2009 – 2013, với nhiều giải pháp những nỗ lực của ngành Dân số, mỗi năm tỷ số giới tính tăng 0,825 điểm phần trăm. Đây là vấn đề nếu chúng ta không giải quyết một cách tích cực thì sẽ để lại những hệ lụy rất nặng nề; mà vấn đề dân số là vấn đề mang tính chiến lược lâu dài, chứ không phải chỉ ảnh hưởng trong phạm vi ngày hôm nay”.
 
TS
Dương Quốc Trọng

Theo TS Dương Quốc Trọng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ, dân số chính là mẫu số của tất cả các bài toán về kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện chúng ta chưa chú trọng biến dân số trong quy hoạch vùng, quy hoạch ngành, khu công nghiệp… Các khu đô thị mới xây dựng còn thiếu trường học, bệnh viện, nước sạch, khu vui chơi giải trí… Mối quan hệ giữa dân số và y tế cũng đang có những thách thức như quá tải bệnh viện, chưa có hệ thống lão khoa để thích ứng với già hóa dân số. Về mối quan hệ giữa dân số với lao động việc làm còn những bất cập: Dư thừa lao động, lao động thiếu kỹ năng, sức bền, xuất khẩu lao động giản đơn… Nói về mối quan hệ giữa dân số với giáo dục – đào tạo, TS Dương Quốc Trọng chỉ rõ những bất cập khi việc lồng ghép biến dân số chưa được chú trọng. Đó là hiện nay, ngành giáo dục đang dư thừa khoảng 80.000 giáo viên, trong khi số lượng trẻ em đang ngày càng giảm xuống. Một minh chứng nữa là hiện tượng năm 2009, các trường học quá tải vì số trẻ nhập học lớp 1 tăng đột biến, khiến nhiều người “ngỡ ngàng” tại sao năm nay lại lắm trẻ con thế? TS Dương Quốc Trọng cho hay, nó đã được dự báo từ trước đó 6 năm. Thời điểm năm 2003, chúng ta có Pháp lệnh Dân số nhưng do có sự hiểu sai về Pháp lệnh nên tỷ suất sinh tăng vọt. “Chúng tôi đã cảnh báo về vấn đề này, nhưng gần như không ai chú ý đến”, TS Dương Quốc Trọng nói.

Ông Arthur Erken, Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam nhấn mạnh, trên thế giới, việc phát huy những lợi thế của thời điểm dân số vàng là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế. Do đó, ông khuyến nghị, những người làm chính sách cần hiểu rõ mối tương quan giữa dân số và phát triển, điều này rất quan trọng và vai trò của Bộ KH&ĐT là rất lớn. Để thực hiện được điều này, TS Dương Quốc Trọng cho rằng, cần tăng cường cơ sở pháp lý và tính pháp quy về phạm vi, quy trình lồng ghép dân số trong hệ thống các ngành, lĩnh vực và các cấp. Đồng thời, nâng cao kiến thức, kỹ năng của cán bộ lãnh đạo, cán bộ thực hành việc lồng ghép dân số ở các ngành, các lĩnh vực và các cấp. Bên cạnh đó, thông tin dân số cũng rất quan trọng với các doanh nghiệp như: Nhu cầu khách hàng, thị trường, nguồn nhân lực…
 
“Việc lồng ghép các biến dân số vào các chính sách phát triển kinh tế – xã hội là rất cần thiết, trước hết là các kế hoạch về y tế, giáo dục, việc làm và an sinh xã hội. Cụ thể là cần xây dựng hệ thống giáo dục theo hướng chú trọng chất lượng, phát triển và tái cấu trúc hệ thống đào tạo chuyên nghiệp. Tạo mọi điều kiện khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển việc làm có thu nhập cao, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lao động và tăng xuất khẩu. Đặc biệt, tích cực xây dựng và hoàn thiện chính sách thích ứng dần với xã hội già hóa nhanh”.
GS.TS Nguyễn Đình Cử
 
Nỗ lực nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
 
Dưới góc độ kinh tế, dân số thường được chia thành hai nhóm: Nhóm "trong độ tuổi lao động" (từ 15 đến 64 tuổi) và nhóm "dân số phụ thuộc" (bao gồm trẻ em dưới 15 tuổi và những người già 65 tuổi trở lên). Mức sinh giảm mạnh cho nên so với năm 1979, tỷ lệ trẻ em trong tổng số dân đã giảm gần một nửa, từ 43% nay còn khoảng 24%. Ðiều này làm cho tương quan giữa hai nhóm dân số nói trên thay đổi căn bản. Nếu năm 1979, cứ 100 lao động có tới 90 người "phụ thuộc" thì đến năm 2006 giảm xuống 50, năm 2012 chỉ còn 44, tức là chỉ còn non một nửa!
Khi tương ứng với 100 lao động chỉ có 50 "phụ thuộc" hoặc ít hơn, người ta nói một cách hình ảnh rằng, đây là "cơ cấu dân số vàng". Cơ cấu này quý, vì lao động nhiều, phụ thuộc ít, tạo ra cơ hội phát triển kinh tế. Cơ cấu này hiếm, vì nó chỉ xuất hiện một lần và kéo dài trong khoảng 30-40 năm trong lịch sử phát triển của mỗi quốc gia. Do đó, nó đúng là quý và hiếm như "vàng"!
Như vậy, từ năm 2006, Việt Nam đã bước vào giai đoạn có cơ cấu "dân số vàng" và dự báo thời kỳ này sẽ kết thúc vào khoảng gần giữa thế kỷ 21, khi chỉ riêng người cao tuổi đã chiếm khoảng 30% tức là dân số "siêu già" (như Nhật Bản và nhiều nước châu Âu hiện nay). Dân số "vàng" tác động đến việc nâng cao chất lượng cuộc sống mỗi gia đình cũng như sự phát triển đất nước, trên tất cả các bình diện: Kinh tế, xã hội và môi trường.
 

Hà Thư