Hội thảo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 12: Thách thức với già hóa dân số

0
209
 

Hội thảo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 12: Thách thức với già hóa dân số

GiadinhNet – Chiều 17/9, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo bên lề Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN 12 với chủ đề “Thích ứng với già hóa dân số trao đổi kinh nghiệm quốc tế về chính sách và hành động”.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tân- Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, năm 2009, Tổng cục Thống kê dự báo, năm 2017 Việt Nam bước vào giai đoạn già hóa dân số (là thời điểm người cao tuổi chiếm từ 7% dân số trở lên). Tuy nhiên, từ năm 2011 Việt Nam đã bước vào giai đoạn này. Hiện nay, số người cao tuổi ở Việt Nam đang tăng nhanh, đã đạt 10,25% dân số vào năm 2012 và sẽ còn tăng nhanh hơn nữa. Vì vậy thời gian quá độ từ già hóa dân số sang “dân số già” (khi người từ 65 tuổi chiếm 14% dân số) nhanh hơn nhiều nước trên thế giới.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, chất lượng cuộc sống của người cao tuổi còn thấp với 62,3% người cao tuổi được điều tra cho biết sống khó khăn thiếu thốn (ở thành thị tỷ lệ này là 50% và hơn 60% ở khu vực nông thôn); chỉ 25,5% người cao tuổi có lương hưu còn lại sống lệ thuộc vào số tiền tích lũy hoặc con cái, có nhiều người già vẫn phải lao động kiếm sống. Hệ thống y tế cũng chưa theo kịp mức gia tăng người cao tuổi. Cả nước mới chỉ có 28 bệnh viện có khoa lão và hiện cũng chỉ có một bệnh viện Lão khoa cấp Trung ương.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Để người cao tuổi được “sống vui, sống khỏe, sống có ích”, những năm qua, cùng với các ngành, các cấp, ngành Y tế đã triển khai nhiều giải pháp và các hoạt động nhằm chăm sóc cho người cao tuổi. Tuy nhiên, hệ thống y tế – lão khoa chưa đầy đủ và trang bị chưa đáp ứng nhu cầu để giải quyết các bệnh mãn tính – bệnh đặc trưng của người cao tuổi. Thêm vào đó là sự khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế và xã hội của đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn. Hiện tại, người cao tuổi nghèo và người cao tuổi sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có khả năng tiếp cận được dịch vụ chăm sóc cần thiết. Đây là thách thức lớn trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
“Hội thảo này là dịp để mọi người nhìn lại quá trình tổ chức triển khai thực hiện chính sách. Đồng thời nhằm chia sẻ kinh nghiệm giữa các nước ASEAN về chính sách, hành động chăm sóc và phát huy người cao tuổi”, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh.
Hội nghị đã đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến chi phí cho già hóa dân số, khám chữa bệnh ban đầu cho người cao tuổi có hiệu quả tại cơ sở. Ông Trần Quyền, Giám đốc Chương trình khu vực của Tổ chức Hỗ trợ quốc tế người cao tuổi (HAI) ở Việt Nam chia sẻ, kiểm tra sức khỏe định kỳ và khám sức khỏe lao động là điều cần thiết trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
GS Phạm Thắng – Viện trưởng Viện Lão khoa Việt Nam cho biết, hiện nay ở Việt Nam chính sách cho người già đã được xây dựng nhưng việc thực hiện còn nhiều khó khăn. Trong kế hoạch, tất cả các bệnh viện (trừ bệnh viện nhi khoa) phải lập khoa lão và người cao tuổi sẽ được theo dõi sức khỏe trong cộng đồng…
Việt Nam cũng như nhiều quốc gia tham dự Hội thảo lần này đã thu được nhiều kết quả hữu ích và sẽ tiếp tục đoàn kết, hợp tác chặt chẽ trong việc giải quyết những thách thức già hóa dân số thích ứng với già hóa dân số.
Tri Thường- Hoàng Phương