GiadinhNet – Từ năm 2011, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số. Số liệu mới nhất cho thấy, năm 2013, tỷ lệ người cao tuổi đã lên tới 10,5%. Với tốc độ già hóa dân số “siêu nhanh”, việc tái phân bổ nguồn lực tài chính giữa các thế hệ, các nhóm dân cư, bảo đảm thu nhập, phúc lợi và an sinh xã hội cho dân số già là vấn đề cần được đặt ra…
Già hóa nhanh sẽ trở thành những khó khăn đối với hệ thống an sinh xã hội. Ảnh: Chí Cường |
“Sàn an sinh xã hội” cho người già là cần thiết
Đặt vấn đề tại Hội thảo đối thoại chính sách về an sinh xã hội đối với người cao tuổi (NCT) do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 15/9, ông Nguyễn Văn Tiên – Phó Chủ nhiệm Ủy ban cho hay: Kỳ họp thứ 8 (khai mạc vào tháng 10) sẽ xem xét thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), trước đó, Luật Người cao tuổi đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2010. Điều đó cho thấy, những vấn đề về NCT luôn được quan tâm, chuẩn bị để làm sao những vấn đề an sinh xã hội cho đối tượng này dần dần bắt kịp với xu thế xã hội, biến động dân số của nước ta.
Hiện nay, đối với NCT tại Việt Nam, nguồn đảm bảo thu nhập trong hệ thống an sinh xã hội được thể hiện qua hai chương trình là bảo hiểm xã hội (BHXH) và trợ giúp xã hội (TGXH). Hệ thống BHXH bắt buộc hiện bao phủ khoảng 11 triệu người, còn loại hình tự nguyện chỉ khoảng 133.000 người, tổng mức bao phủ của 2 hệ thống này chiếm khoảng 20% lực lượng lao động.
Đối với chương trình TGXH, TS Nguyễn Ngọc Toản, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: Theo báo cáo của các địa phương đến hết năm 2013 cả nước đã có hơn 2,6 triệu người hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (thường xuyên). Có hơn 1,5 triệu NCT hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo Luật Người cao tuổi, trong đó có hơn 1,4 triệu người từ 80 tuổi trở lên, với mức hưởng thấp nhất là 180.000đồng/người/tháng, số còn lại nằm trong độ tuổi từ 60-79 tuổi.
Bên cạnh đó, mức 180.000 đồng này cũng được cho là quá thấp khi chỉ bằng 45% chuẩn nghèo ở nông thôn và 36% chuẩn nghèo ở thành thị. Một số tỉnh có điều kiện kinh tế khá hơn đã áp dụng mức hưởng cao hơn. Ví dụ, tại Hà Nội là 350.000 đồng, tại TP HCM, Đồng Nai là 240.000 đồng. Hiện có 11 tỉnh áp dụng mức hỗ trợ thu nhập trên 200.000 đồng/người/tháng. Năm 2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định 136/2013/NĐ-CP, tăng mức chuẩn xác định mức trợ cấp xã hội hàng tháng từ 180.000 đồng lên 270.000 đồng, tuy nhiên, vì những lý do khách quan, đến nay Nghị định này vẫn chưa được thực thi.
Năm 2012, số liệu từ Bộ LĐ,TB&XH cho thấy, chỉ có khoảng 85.000 người được hưởng từ chính sách này (hưởng 180.000đồng/tháng), cho thấy sự tương phản rõ ràng với chính sách lương hưu xã hội cho người từ 80 tuổi trở lên. Những quy định ngặt nghèo về đối tượng hưởng lợi có thể là nguyên nhân khiến ít người từ 60-79 tuổi được hưởng. Chính sách hướng tới đối tượng nghèo và không hỗ trợ từ gia đình, con số này rất ít ỏi, việc xác định những người nào thuộc đối tượng này cũng rất khó khăn. Hiện có khoảng 70% số người từ 60-79 tuổi không được nhận bất kỳ một khoản hỗ trợ thu nhập nào; đồng nghĩa với việc họ phải phụ thuộc vào tiền tiết kiệm và gia đình.
Do đó, nhiều đại biểu cho rằng, với sự thay đổi về xã hội và cơ cấu gia đình Việt Nam, cần nghiên cứu để điều chỉnh lại chính sách hỗ trợ thu nhập trong độ tuổi 60-79 tuổi nhằm đảm bảo một “sàn an sinh xã hội” cho NCT.
Nhìn ra thế giới
Chia sẻ kinh nghiệm về chương trình an sinh xã hội cho NCT tại một số quốc gia, TS Giang Thanh Long (ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) cho hay: Tại Trung Quốc, chương trình này bao gồm BHXH, TGXH và phúc lợi xã hội. Trong hệ thống hưu trí quốc gia này, nhằm đảm bảo mức cơ bản, triển khai rộng, linh hoạt và bền vững, nguồn tài trợ là do sự đóng góp của cá nhân và hỗ trợ của Chính phủ. Với mức đóng góp của cá nhân được chia ra làm 5 mức (đối với nông thôn), từ 100-500 NDT/tháng và từ 100-1.000 NDT (đối với thành thị); sự hỗ trợ của Chính phủ là cùng đóng góp 30 NDT/năm cho tài khoản cá nhân và 55NDT/tháng vào khoản hưu cơ bản. Khi đến 60 tuổi (nghỉ hưu) và đã có 15 năm đóng góp, người dân Trung Quốc sẽ được hưởng hưu trí.
Cùng quan điểm “đồng đóng góp” của cá nhân và chính phủ như Trung Quốc, tại Thái Lan, theo Quỹ Hưu trí quốc gia, cá nhân có thể đóng góp từ 50 bạt tới 13.200 bạt/năm. Số tiền này sẽ được đưa vào tài khoản cá nhân. Song song với đó, Chính phủ sẽ đồng đóng góp với người lao động tùy vào tuổi của họ.
Bày tỏ sự đồng tình với quan điểm “đồng đóng góp” này, nhiều đại biểu tại Hội thảo cho rằng: Hệ thống an sinh xã hội cho NCT này không thể mãi phụ thuộc vào sự đầu tư, bao cấp của Nhà nước mà cần xã hội hóa, nhiều bên cùng tham gia, đặc biệt là các cá nhân và khu vực tư nhân ngoài Nhà nước.
Tại Hội thảo, ông Arthur Erken – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho hay: Việt Nam cần có mức sàn chung để tất cả mọi người khi đã cống hiến cả đời sẽ được hưởng một mức trợ cấp tối thiểu nào đó để đảm bảo cuộc sống khi về già. Ví dụ tại Hà Lan, quê hương ông, tất cả mọi người 65 tuổi trở lên đều được hưởng một mức trợ cấp nhất định. Với những người có lương hưu, họ sẽ vừa được hưởng lương hưu và khoản trợ cấp này.
Ông Arthur Erken cũng khuyến cáo: Luật Bảo hiểm xã hội hiện nay không thể chu cấp lương hưu cho phần lớn NCT tại Việt Nam. Trong khi đó, già hóa nhanh chóng lại đang tạo nên những gánh nặng cho quỹ lương hưu, sự hao hụt quỹ này đã được dự kiến là sẽ xảy ra. Do đó, Việt Nam cần có ngay các hành động để đổi mới hệ thống trợ cấp xã hội. Trong đó, cần tận dụng thời điểm cơ cấu dân số “vàng” với 70% dân số trong độ tuổi lao động, để xây dựng dự trữ cho quỹ lương hưu, thông qua các khoản bảo hiểm hưu trí và nộp thuế từ lực lượng lao động trẻ hùng hậu.
“Người cao tuổi phải được ghi nhận là một nguồn lực quan trọng cho phát triển. Việt Nam nên tạo điều kiện cho NCT có được những cơ hội việc làm, linh hoạt trong tuổi nghỉ hưu và phát triển kỹ năng nhằm đảm bảo thu nhập và lợi ích khi về già”.
(Ông Arthur Erken – Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam) |
Thu Nguyễn