GiadinhNet – Liên Bộ Tư pháp, Ngoại giao, Công an, LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư liên tịch về theo dõi tình hình phát triển của trẻ em được cho làm con nuôi ở nước ngoài và bảo hộ trẻ em trong tình huống cần thiết.
Theo dự thảo này, hàng năm, Bộ Tư pháp lập báo cáo tổng hợp tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi ở nước ngoài trên cơ sở các báo cáo tình hình phát triển của con nuôi do cha, mẹ nuôi nước ngoài, tổ chức con nuôi nước ngoài hoặc các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài chuyển cho Bộ Tư pháp. Báo cáo phải đánh giá tình hình phát triển, hòa nhập của trẻ em Việt Nam trong gia đình cha mẹ nuôi và môi trường mới, trường hợp trẻ em bị chết, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo sau thời điểm bàn giao, trẻ em không thể hòa nhập được với môi trường gia đình cha mẹ nuôi, trẻ em phải chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng ở nước tiếp nhận trẻ, trẻ em được một gia đình khác nhận làm con nuôi, trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khác và đề xuất hướng can thiệp trong trường hợp cần thiết.
Ngoài ra, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức hoặc phối hợp với tổ chức con nuôi nước ngoài tổ chức các hoạt động, sự kiện văn hóa Việt Nam nhằm hỗ trợ cha mẹ nuôi nước ngoài và con nuôi trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trong trường hợp thấy trẻ em thuộc diện cần thiết phải bảo hộ, Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài áp dụng ngay các biện pháp bảo vệ trẻ em Việt Nam được cho làm con nuôi ở nước ngoài; đồng thời thông báo cho Bộ Tư pháp để phối hợp. Nếu các biện pháp bảo vệ trẻ em tại nước tiếp nhận không phù hợp với lợi ích tốt nhất của trẻ, theo đề nghị của Cơ quan con nuôi trung ương nước ngoài, Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành thủ tục hồi hương cho trẻ em.
Với trường hợp hồi hương, Bộ Tư pháp đề nghị cơ quan con nuôi trung ương nước ngoài cung cấp quyết định chấm dứt việc nuôi con nuôi ở nước tiếp nhận trẻ em hoặc văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước tiếp nhận về việc không giao trẻ em cho người nhận con nuôi nữa. Sau khi trẻ em hồi hương Việt Nam, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạo mọi điều kiện cần thiết để thực hiện các thủ tục hành chính hoặc pháp lý khôi phục lại các thông tin về hộ tịch, các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và trẻ em đã bị chấm dứt và các quyền và lợi ích khác của trẻ em. Trẻ em hồi hương được tạo mọi điều kiện cần thiết để tiếp cận các dịch vụ bảo vệ trẻ em, giáo dục và chăm sóc y tế.
Việt Nguyễn