MẤT CÂN BẰNG GIỚI TÍNH – GÓC NHÌN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

0
158

Ngày 11/10, Bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Trị – Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình đã tham dự buổi phỏng vấn Chương trình “Đối thoại mỗi ngày” xoay quanh vấn đề “ Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) – Góc nhìn tại thành phố Hồ Chí Minh” tại Trường quay Đài truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV).

Năm 2014, ngày Quốc tế Trẻ em gái lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam gắn liền với sự kiện Bộ Y tế phát động Chiến dịch “Chung tay giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh”. Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về nguyên nhân và hậu quả của việc lựa chọn giới tính thai nhi để cùng góp phần chấm dứt hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra nghiêm trọng trên cả nước. Trong thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực để hưởng ứng và chung tay cùng cả nước. Thông qua cuộc phỏng vấn với HTV, bác sĩ chuyên khoa II Trần Văn Trị đã đưa ra góc nhìn tại thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề trên.

Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn:

Thưa bác sĩ, xin cho biết tình trạng Mất cân bằng giới tính khi sinh trên Thế giới và tại Việt Nam trong thời gian qua?

Từ đầu những năm 1980, khái niệm MCBGTKS được nhắc đến nhiều trên Thế giới khi một vài quốc gia ở Châu Á chứng kiến sự gia tăng bất thường của tỷ trọng trẻ trai sinh ra so với trẻ gái. Tại Trung Quốc, năm 2005 tỷ số giới tính khi sinh là 121, tỷ số này là 106 ở Hàn Quốc trong cùng thời điểm. Riêng ở Việt Nam, tỷ số giới tính khi sinh có hiện tượng tăng bất thường trong khoảng 10 năm gần đây, đặc biệt là từ sau cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009. Trên phạm vi cả nước, tỷ số giới tính khi sinh năm 2009 là 110, từ năm 2010 đến năm 2012 là 112, năm 2013 là 114 và hiện vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành từ năm 2010 đến 2013 tỷ số này ở mức hợp lý từ 106 đến 107. Tuy nhiên, trong 8 tháng đầu năm 2014, tỷ số này đang có xu hướng gia tăng (108 trẻ trai trên 100 trẻ gái).

Xin bác sĩ cho biết, những nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng MCBGTKS ở Việt Nam?

Nhóm nguyên nhân thứ nhất:

-Sự bất bình đẳng giới xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ.

-Chế độ an sinh xã hội chưa đảm bảo, đặc biệt là người già không được hưởng lương hưu.
Con gái khi lấy chồng sẽ không thường xuyên đỡ đần cho cha mẹ đẻ. Trong khi đó con trai sẽ là chỗ dựa chăm sóc cha mẹ khi về già, là chỗ dựa tốt hơn về mặt tài chính sau này.

Nhóm nguyên nhân thứ hai:

Xuất phát từ xung đột giữa chuẩn mực xã hội mới (quy mô gia đình nhỏ từ 1 đến 2 con) và giá trị văn hóa truyền thống (gia đình phải có con trai). Vô hình chung đã tạo áp lực cho các cặp vợ chồng, là động lực để họ tìm kiếm và sử dụng các dịch vụ lựa chọn giới tính thai nhi.

Nhóm nguyên nhân thứ ba:

Lạm dụng tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước sinh:

+Trước lúc có thai: lựa chọn chế độ dinh dưỡng.

+Trong lúc thụ thai: Lựa chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng tìm tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y,…

+Sau khi đã có thai: sử dụng siêu âm, bắt mạch,… lựa chọn giới tính thai nhi.

Xin bác sĩ cho biết hậu quả của tình trạng MCBGTKS ?

Trong những năm sắp tới, với tốc độ chênh lệch như trên, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn bao gồm:

-Tình trạng thừa nam thiếu nữ trong độ tuổi kết hôn. Theo phân tích và dự báo trong 20-30 năm nữa sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu đàn ông không lấy được vợ.

-MCBGTKS sẽ làm thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai. Khi vấn đề trên xảy ra, nhiều nam giới sẽ rơi vào tình trạng sống độc thân, đặc biệt là nam giới nghèo, vị thế xã hội thấp. Điều này gây ra những bất ổn về tình hình an ninh trật tự xã hội ở cộng đồng như mại dâm, buôn bán trẻ em gái, phụ nữ, bạo lực giới và các loại tội phạm khác. Mặt khác, tình trạng khan hiếm phụ nữ sẽ cản trở việc nâng cao địa vị của họ trong xã hội.

Thưa bác sĩ, vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng MCBGTKS?

Để đảm bảo sự phát triển bền vững theo quy luật tự nhiên và hạn chế sự MCBGTKS, hiện nhà nước đang triển khai đồng bộ các giải pháp như sau:

-Tăng cường tuyên truyền những chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về ngăn chặn lựa chọn giới tính thai nhi. Truyền thông

– Giáo dục bằng nhiều hình thức và nội dung phù hợp để tạo dư luận xã hội ủng hộ và xóa dần tư tưởng phân biệt giữa con trai và con gái trong tiềm thức của người dân, nâng cao địa vị của phụ nữ.

-Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý triệt để những cơ sở y tế vi phạm về việc cung cấp thông tin giới tính hoặc lựa chọn giới tính thai nhi. Tích cực nghiên cứu, xây dựng các chính sách ưu tiên cho nữ giới, hỗ trợ nâng cao vai trò vị thế của họ trong xã hội, đặc biệt là các trẻ em gái trong gia đình sinh con một bề là gái. Bên cạnh đó, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội cho người cao tuổi.

-Để từng bước giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, cần có sự phối hợp và sự nỗ lực không ngừng của những người làm công tác dân số; Sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, Chính quyền; Sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các ngành chức năng trong việc tuyên truyền, vận động, kiểm soát tình trạng này và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, lâu dài cho chính mình, gia đình, xã hội.

Tại Hội thảo quốc gia về MCBGTKS năm 2012 tại Hà Nội, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ rõ “MBCGTKS nếu không kịp thời giải quyết sẽ để lại tai họa cho dân tộc và đất nước.”

Xin trân trọng cảm ơn bác sĩ.