GiadinhNet – Ngày 20/1, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác DS-KHHGĐ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tới tham dự và chỉ đạo Hội nghị. Dịp này, Bộ trưởng Bộ Y tế trao tặng Cờ thi đua cho 7 tập thể thuộc Tổng cục DS-KHHGĐ; tặng Bằng khen cho 10 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác DS-KHHGĐ năm 2014.
Năm thứ 9 liên tiếp đạt và duy trì mức sinh thay thế
Báo cáo tổng kết công tác DS-KHHGĐ năm 2014, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho hay, năm 2014, công tác DS-KHHGĐ tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự vào cuộc tích cực của các Bộ, Ban, ngành, đoàn thể. Công tác này tại cơ sở cũng nhận được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc chỉ đạo ổn định tổ chức bộ máy cán bộ, bảo đảm điều kiện hoạt động, thực hiện các mục tiêu đề ra. Nhiều tỉnh đã bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương triển khai công tác DS-KHHGĐ. Có 14 tỉnh đã hỗ trợ thêm ngân sách địa phương cho Chương trình DS-KHHGĐ với tổng kinh phí 180 tỷ đồng. Một số tỉnh có sự hỗ trợ cao như Long An (24 tỷ đồng), Thừa Thiên Huế (9 tỷ)… Cùng với đó là sự nỗ lực hết mình của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và cộng tác viên dân số cơ sở.
Điểm lại một số sự kiện tiêu biểu trong năm 2014, ông Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh: Kết quả Tổng điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ cho thấy, năm 2014 là năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam đạt và duy trì được mức sinh thay thế với tổng tỷ suất sinh đạt 2,09 con. Bên cạnh đó, năm qua, thông điệp mới “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh hai con” đã được tuyên truyền sâu rộng tới 63/63 tỉnh, thành trên cả nước. Hệ thống báo cáo thống kê điện tử chuyên ngành Dân số được kết nối trong toàn quốc thay cho hệ thống báo cáo thống kê sổ sách…
Một kết quả nổi bật khác trong năm 2014: Lần đầu tiên tỷ số giới tính khi sinh giảm khá mạnh sau nhiều năm tăng liên tục, xuống 112,2 bé trai/100 bé gái (giảm 1,6 điểm phần trăm so với năm 2013). Một số chỉ tiêu khác như mức giảm tỷ suất sinh thô đạt 0,1%o, số người mới thực hiện biện pháp tránh thai hoàn thành 100% kế hoạch. Các hoạt động nâng cao chất lượng dân số được triển khai rộng khắp. Một số địa phương đi đầu trong công tác sàng lọc, chẩn đoán trước sinh, sơ sinh như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội… Theo báo cáo của 42/63 tỉnh, thành, tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh là 15,8% tổng số bà mẹ mang thai năm 2014 (chỉ tiêu là 10%); tỷ lệ trẻ sơ sinh được sàng lọc sơ sinh là 6,21% trên tổng số trẻ được sinh ra sống năm 2014.
Khó khăn từ kinh phí hoạt động
Trong năm qua, công tác DS-KHHGĐ cũng đối diện với không ít khó khăn, đặc biệt là vấn đề kinh phí. Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, năm 2014, kinh phí đầu tư cho Chương trình DS-KHHGĐ giảm rất mạnh, không đủ nguồn lực đảm bảo thực hiện các hoạt động thiết yếu nhằm đạt các mục tiêu Chương trình. Cụ thể, ngân sách cho Chương trình mục tiêu Quốc gia (MTQG) DS-KHHGĐ thấp nhất trong 4 năm 2011-2014, chưa bằng 65% kinh phí năm 2013, chỉ bằng ½ kinh phí năm 2012 và không có vốn ODA. Nhiều tỉnh, thành phố chưa chủ động bố trí kinh phí địa phương cho triển khai hoạt động của ngành.
“Trong bối cảnh thu hẹp phạm vi bao cấp các phương tiện, dịch vụ KHHGĐ, Nhà nước chỉ còn miễn phí cho đối tượng cận nghèo, nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, còn lại người dân phải tự chi trả hoặc chi trả một phần; không ít địa phương tỏ ra lúng túng, chưa chủ động, dẫn đến một số nơi kết quả chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch. Công tác DS-KHHGĐ ngày càng thể hiện rõ sự không đồng đều giữa các địa phương”, ông Nguyễn Văn Tân nhấn mạnh.
Bước sang năm 2015, ngành DS-KHHGĐ sẽ nỗ lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, đơn vị triển khai mạnh mẽ, đồng bộ các giải pháp, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra như Chương trình MTQG 2012-2015, giai đoạn I Chiến lược DS-SKSS 2011-2020, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai công tác DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020.
Cũng trong năm 2015, ngành Dân số sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai thiết lập hệ thống thanh tra chuyên ngành DS-KHHĐ từ Trung ương đến địa phương.
Củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao những đóng góp và thành tựu của công tác DS-KHHGĐ đối với ngành Y tế nói riêng và sự phát triển KT-XH nói chung. Bộ trưởng chúc ngành Dân số đạt nhiều thành tựu; tiếp tục tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Y tế về công tác dân số trong thời kỳ mới.
Trước những khó khăn, thách thức của công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới, Bộ trưởng chỉ đạo cần khẩn trương củng cố, hoàn thiện bộ máy tổ chức, nhân lực ngành Dân số, đặc biệt ở tuyến huyện. “Vấn đề này đã trăn trở từ nhiệm kỳ trước, sang nhiệm kỳ mới, ngành Dân số, Y tế đã tổ chức rất nhiều hội thảo về vấn đề này để đưa ra một mô hình thuận lợi nhất cho đội ngũ làm công tác DS-KHHGĐ”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Ban tổ chức Hội nghị đã tiến hành một cuộc thăm dò nhanh ý kiến của các đại biểu là lãnh đạo Sở Y tế, Chi cục DS-KHHGĐ của 63 tỉnh, thành phố về mô hình tổ chức bộ máy dân số cấp huyện. Kết quả: 68,9% đại biểu cho rằng nên đưa Trung tâm DS-KHHGĐ cấp huyện về trực thuộc UBND cùng cấp; 31,1% cho rằng nên để Trung tâm DS-KHHGĐ trực thuộc Chi cục DS-KHHGĐ như theo Thông tư 05.
“Với kết quả đánh giá này, lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ cần chính thức có văn bản cuối cùng để Bộ Y tế ký thông tư liên tịch với Bộ Nội vụ, đưa Trung tâm DS-KHHGĐ về trực thuộc UBND huyện, làm sao sớm ban hành thông tư này”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo.
Một nhiệm vụ quan trọng khác trong năm 2015 được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh, đó là xây dựng Luật Dân số. Theo đó, năm 2014, Bộ Y tế đã đăng ký và trình bày dự thảo Luật Dân số, phấn đấu năm 2015 sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua Luật này. “Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật quan trọng này, rất cần ý kiến đóng góp của các cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ từ Trung ương đến các cộng tác viên dân số”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lưu ý.
Bộ trưởng cũng chỉ rõ, ngành Dân số cần tăng cường hơn nữa công tác thông tin, giáo dục – truyền thông và khẳng định truyền thông phải đi trước một bước; đảm bảo hậu cần cho công tác DS-KHHGĐ, trong đó phải tính đến chuyện đổi mới tư duy, tiến hành xã hội hóa một số dịch vụ nâng cao chất lượng dân số như sàng lọc trước sinh, sơ sinh, khám sức khỏe tiền hôn nhân…Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của các lãnh đạo Sở Y tế phụ trách công tác DS-KHHGĐ, Chi cục DS-KHHGĐ cần có tiếng nói với UBND tỉnh, thành phố trong việc huy động nguồn lực, tăng cường đầu tư, hỗ trợ, đóng góp của ngân sách địa phương.
Thay mặt Tổng cục DS-KHHGĐ, ông Nguyễn Văn Tân cảm ơn Bộ trưởng trước những đánh giá và những chỉ đạo về công tác DS-KHHGĐ năm qua. “Với truyền thống đoàn kết, nhất trí cao trong toàn ngành từ trước đến nay, tôi xin phép được thay mặt toàn thể những người làm công tác Dân số trong cả nước, xin hứa sẽ hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ mà đồng chí Bộ trưởng đã thay mặt Đảng, Nhà nước giao cho…”, ông Nguyễn Văn Tân nói.
Ba trụ cột phát triển
“Sự phát triển của một xã hội bền vững có 3 trụ cột lớn, đó là kinh tế – an sinh xã hội – dân số phát triển và môi trường. Điều này chứng tỏ vai trò của dân số là rất lớn, đặc biệt khi Việt Nam đang trong giai đoạn cơ cấu dân số “vàng” nhưng cũng đối mặt với tốc độ già hóa dân số rất nhanh…”.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến
Võ Thu