Công tác DS-KHHGĐ trước thềm năm mới 2015: Nỗ lực biến “lượng” thành “chất”

0
165

GiadinhNet – Công tác DS-KHHGĐ đã và đang đạt được những thành tựu lớn, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Hiện nay, cơ cấu dân số đang có những biến đổi mạnh mẽ, cần có những giải pháp nhanh chóng nhằm kiểm soát tốt các biến động, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Và quan trọng nhất, các biến đổi về dân số phải được lồng ghép tích cực vào sự phát triển chung.

Các hoạt động của ngành Dân số
luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều tầng lớp nhân dân.
Ảnh: Chí Cường
Các hoạt động của ngành Dân số luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực của nhiều tầng lớp nhân dân. Ảnh: Chí Cường

Không chủ quan trước những thành tựu

Hơn 50 năm qua, công tác DS-KHHGĐ đã đạt được những thành tựu quan trọng, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Tuy nhiên, ngành Dân số đã xác định, không tự bằng lòng với những thành quả đó mà lơi lỏng công việc.

Xem xét tổng thể mức sinh trong toàn quốc từ khi chúng ta bắt đầu thực hiện Chương trình DS-KHHGĐ đến nay, đặc biệt từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999 thì xu hướng mức sinh của chúng ta từ cao xuống thấp và đã đạt, duy trì mức sinh thay thế gần 10 năm nay. Tất nhiên, trong khoảng thời gian đó, có năm cao năm thấp. Như vậy, xã hội đã chấp nhận và lựa chọn thực hiện quy mô gia đình ít con thay vì sinh nhiều, sinh dày như trước kia. Tuy nhiên, vẫn còn bộ phận không nhỏ người dân sinh con thứ ba trở lên. Kết quả điều tra giữa kỳ của Tổng cục Thống kê là một minh chứng: Nếu như các năm 2011-2013, tổng tỷ suất sinh của khu vực Đồng bằng sông Hồng là 2,11 con thì nay đã lại tăng lên là 2,3. Khó có thể nói là điều kiện kinh tế – xã hội ở khu vực này kém hơn vùng Trung du và miền núi phía Bắc hay Tây Nguyên. Mức sinh tăng trở lại bởi sự ảnh hưởng của quan niệm “đông con, tốt phúc”, ưa thích con trai. Vì thế, tỷ số giới tính khi sinh tại đây luôn cao nhất cả nước và ngày càng gia tăng.

Sự biến đổi khó lường về mức sinh không chỉ hàm ý mức sinh có thể tăng trở lại trong ngắn hạn nếu chúng ta buông lỏng việc thực hiện Chương trình KHHGĐ mà còn bao gồm khả năng mức sinh xuống quá thấp. Kinh nghiệm của các nước trên thế giới cho thấy, đạt được mức sinh thay thế đã khó, duy trì mức sinh thay thế, tránh rơi vào tình trạng suy giảm mức sinh còn khó hơn nhiều lần. Về xu hướng dài hạn, mức sinh chắc chắn sẽ giảm xuống, chúng ta cần theo dõi chặt chẽ, chuẩn bị các điều kiện thực thi chính sách tác động để tránh tình huống mức sinh giảm xuống quá thấp. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nắm bắt, tận dụng cơ hội để vượt qua thách thức. Các địa phương cần triển khai công tác dân số một cách toàn diện hơn, đặc biệt là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ gắn với việc cải thiện, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân. Ngoài ra, sự chuyển đổi cơ cấu dân số từ “dân số trẻ” sang “dân số vàng” và “già hoá dân số” đang tạo ra những cơ hội to lớn đi cùng với những thách thức gay gắt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung cũng như sự phát triển của từng ngành, từng địa phương trên cả nước và đối với công tác DS-KHHGĐ trong thời gian tới.

Từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Bên cạnh việc giải quyết các khó khăn thách thức đã được dự báo, ngành Dân số đang tập trung vào việc duy trì mức sinh thay thế, từng bước nâng cao chất lượng dân số. Trong đó, hoạt động ưu tiên là triển khai các mô hình: Giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, tránh những hệ lụy nghiêm trọng về thừa nam thiếu nữ trong tương lai; Các mô hình tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sơ sinh, giảm tỉ lệ tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số… sẽ giúp từng bước nâng cao chất lượng dân số, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá và phát triển đất nước.

Về tỉ số giới tính khi sinh, dù theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, lần đầu tiên sau mấy năm tỉ số này đã giảm xuống còn 112,2 bé trai/100 bé gái. Đây có thể coi là một tín hiệu mừng, tuy nhiên chúng ta phải nỗ lực để nó trở thành một xu thế giảm bền vững. Để duy trì mức sinh hợp lý, bắt đầu từ năm 2013, ngành Dân số đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền – giáo dục vận động người dân thực hiện thông điệp “Mỗi cặp vợ chồng hãy nên sinh đủ hai con”, thay vì thông điệp “Mỗi gia đình chỉ sinh từ 1 đến 2 con” như trước đây. Khi công tác dân số chuyển từ số lượng sang chất lượng, đòi hỏi cán bộ dân số ở bất cứ cấp nào cũng phải tăng cường trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện về bản lĩnh để đáp ứng được với yêu cầu của nhiệm vụ mới.

Dân số luôn là mẫu số của các bài toán kinh tế – xã hội, giữa dân số và phát triển kinh tế – xã hội luôn có mối quan hệ biện chứng, hỗ trợ và thúc đẩy lẫn nhau. Sự phát triển bền vững của dân tộc, đất nước hoàn toàn phụ thuộc vào con người hay nói cách khác, phải phụ thuộc vào quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Nhiệm vụ của Bộ Y tế, mà cụ thể là Tổng cục DS-KHHGĐ là chủ động điều chỉnh tốc độ gia tăng dân số và duy trì mức sinh thấp hợp lý. Điều đó đòi hỏi cần tiếp tục duy trì sự ổn định trong công tác bộ máy tổ chức, đồng thời rất cần sự đầu tư mạnh mẽ về nguồn lực cho công tác DS-KHHGĐ từ Trung ương tới địa phương để công tác dân số góp phần đắc lực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Ông Nguyễn Văn Tân -
Phó Tổng cục trưởng phụ trách
Tổng cục DS-KHHGĐ.
Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ.

Nhiệm vụ của ngành Dân số trong giai đoạn sắp tới, nhất là trong năm 2015 – khi Chiến lược DS&SKSS Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 đã đi được nửa chặng đường – là hết sức khó khăn. Tuy nhiên, tôi có niềm tin vững chắc rằng,  dưới sự quan tâm, lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, mà trực tiếp là Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Bộ Y tế; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và tinh thần đoàn kết, kiên định, bền bỉ, nỗ lực, sáng tạo của những người làm công tác dân số trên cả nước, chúng ta sẽ tổ chức thực hiện thành công Chiến lược DS&SKSS Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020.

Nhân dịp năm mới, tôi xin gửi tới các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tới các cấp ủy Đảng, chính quyền đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao; tới các bộ, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng đã phối hợp, tham gia chặt chẽ đối với công tác DS-KHHGĐ; tới toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số ở khắp các thôn, xóm, bản, làng trên cả nước lời chúc sức khỏe, gia đình hạnh phúc, công việc thành đạt. Chúc sự nghiệp DS-KHHGĐ tiếp tục đạt được những thành công mới, vì chất lượng nguồn nhân lực Việt, vì hạnh phúc và sức khỏe của người dân.

Nguyễn Văn Tân

(Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ)