Người cao tuổi cần cảnh giác vào lúc 9h sáng và 6h chiều

0
156

GiadinhNet – Thời tiết đang có sự thay đổi thất thường, lúc nóng, lúc lạnh. Đây là thời điểm các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo rất dễ gây đột quỵ, đặc biệt ở người cao tuổi. Hiện bệnh lý này đã và đang là nguyên nhân gây tử vong cao, sau các bệnh ung thư, tim mạch và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật cho bệnh nhân.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ để có chế độ chăm sóc phù hợp. 	Ảnh: CHÍ CƯỜNG

Kiểm tra sức khỏe định kỳ để có chế độ chăm sóc phù hợp. Ảnh: Chí Cường

Tăng huyết áp –  “sát thủ” hàng đầu

Gần một tháng qua, thời tiết nóng, lạnh thất thường tại các tỉnh phía Bắc đã khiến ông Nguyễn Khắc Bình (68 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) phải nhập viện vì không kiểm soát được huyết áp.

Vốn bị cao huyết áp nên ông Bình rất giữ gìn sức khỏe, hạn chế tối đa đồ uống có cồn, ăn ngủ điều độ. Tuy nhiên, nhiệt độ trong tuần thay đổi đến chóng mặt đã khiến ông gục ngã. “Hôm trước vừa nắng nóng lên tới trên 300C, hôm sau lại mưa rét lạnh 160C, rồi vài hôm sau lại oi bức 280C, bố tôi thấy chóng mặt, khó thở và đột quỵ. Các bác sĩ cho biết, do ông bị tăng huyết áp và không uống thuốc điều trị nên việc huyết áp tăng quá cao và cách xử trí không kịp thời khiến ông bị tai biến mạch máu não” , anh Sơn – con trai của ông Bình lo lắng kể.

Cùng phòng bệnh với ông Bình có ba bệnh nhân khác cũng bị tai biến và đều ở độ tuổi trên 60. Trong đó, bà Bạch Lan (66 tuổi ở Hưng Yên) đang trong tình trạng nguy kịch, phải điều trị lâu dài vì cùng một lúc mắc cả bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Theo các bác sĩ chuyên khoa, đột quỵ hay còn gọi tai biến mạch máu não là hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột, hoặc chảy máu trong não. Hậu quả, tế bào não bị chết do thiếu oxy, thường xảy ra ở người cao tuổi, người già. Các yếu tố dẫn tới đột quỵ có nguyên nhân từ tăng huyết áp, hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, tiểu đường, mỡ (cholesterol) trong máu tăng cao, bị stress, bệnh tim mạch và ít vận động… Trong đó, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chủ yếu, trực tiếp gây ra tai biến mạch máu não.  Đột quỵ là bệnh của hệ thần kinh phổ biến nhất hiện nay, có thể gây ra những hậu quả nặng nề như tử vong hay tàn phế vĩnh viễn.

Ước tính hàng năm ở Việt Nam có khoảng 200.000 người bị đột quỵ. Theo TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Tổng Thư kí Hội Phòng chống tai biến mạch máu não Việt Nam: “Bệnh lý đột quỵ não đã và đang là nguyên nhân gây tử vong cao, sau các bệnh như ung thư, tim mạch và cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật cho bệnh nhân. Tuy nhiên, bệnh đột quỵ hoàn toàn có thể giảm tỷ lệ tử vong và tỷ lệ tàn tật nếu được chẩn đoán, xỷ lý kịp thời.

Không nên tự ý điều trị

Theo các chuyên gia y tế, đột quỵ có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuổi càng cao, nguy cơ bị đột quỵ càng lớn, từ 50 tuổi trở lên chiếm 83,03% ca đột quỵ. Đột quỵ chảy máu não thường gặp ở nhóm tuổi 50 – 69, còn đột quỵ nhồi máu não thường gặp ở nhóm tuổi 60 – 79. Đột quỵ gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.

Các bác sĩ khuyến cáo, khi người có các triệu chứng sau cần phải chú ý và đưa ngay đến bệnh viện: Đột ngột thấy tê cứng ở mặt, tay hoặc chân, đặc biệt là tê cứng nửa người; nhìn không rõ (thị lực giảm sút), không cử động được chân tay (mất phối hợp điều khiển chân tay); không nói được hoặc không hiểu được người khác nói; đầu đau dữ dội. Đối với phụ nữ, thường có các biểu hiện đặc trưng sau: Đột ngột đau ở mặt hoặc chân, bị nấc, cảm thấy buồn nôn, mệt, tức ngực, khó thở, tim đập nhanh bất thường.

BS Trần Viết Lực – Phó Trưởng khoa Thần kinh (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) khuyến cáo, khi bệnh nhân bị đột quỵ, người nhà cần thực hiện các thao tác: Để người bệnh nằm im, mặt nghiêng một bên cho đỡ sặc, không cho ăn uống, gọi ngay cho nhân viên y tế để được tư vấn xử trí trong lúc chờ đợi và đưa tới cơ sở y tế kịp thời. Đột quỵ do tắc mạch máu và do vỡ mạch máu có nguyên nhân, cơ chế và cách điều trị hoàn toàn khác nhau. Vì thế, khi chưa xác định được nguyên nhân gây đột quỵ thì không nên tự ý điều trị để tránh nguy hiểm cho người bệnh. Không tự ý sơ cứu, chỉ hô hấp nhân tạo khi bệnh nhân có biểu hiện ngừng thở. Nói chuyện với người bệnh giúp họ bình tĩnh, thở chậm lại để máu đi lên não nhiều hơn.

Tai biến mạch máu não hoàn toàn có thể dự đoán trước, với các biện pháp can thiệp kịp thời sẽ tránh bị xảy ra đột quỵ. Những người trên 50 tuổi và có yếu tố nguy cơ đột quỵ, cần kiểm tra định kỳ chuyên khoa để biết trước nguy cơ gần xảy ra đột quỵ.

Đối với người cao tuổi mắc bệnh cao huyết áp mãn tính cần lưu ý thời tiết lạnh, nóng đột ngột khiến cao huyết áp không dễ khống chế, nguy hiểm chủ yếu là gây ra bệnh biến chứng. Nhất là khi mùa hè đang đến gần, cần lưu ý sự bài tiết mồ hôi gia tăng, quá trình trao đổi chất của cơ thể cũng được đẩy mạnh. Cơ thể bị mất một lượng nước khá lớn sẽ khiến nồng độ máu giảm, độ kết dính trong máu tăng cao, điều này dễ dẫn đến những bệnh lý có liên quan đến máu, làm tăng tỷ lệ nguy cơ cho tim và não. Trong trường hợp thời tiết thay đổi, tính dao động của huyết áp tăng cao, nguy cơ chủ yếu là gây ra bệnh biến chứng, đặc biệt là xuất huyết não, đứt mạch máu do thiếu máu và tử vong do nhồi máu cơ tim.

Lưu ý giờ “cao điểm”

Theo các chuyên gia y tế, có hai thời khắc “cao điểm” khiến huyết áp dễ tăng cao, gây tai biến mạch máu não: Đó là thời điểm 9h sáng và 6h chiều.

Thông thường khi ta ngủ, huyết áp giảm xuống và thấp nhất vào lúc 3 – 4h sáng. Đến 6 – 7h sáng, khi chúng ta thức dậy, huyết áp tăng lên dần, đến 9h sáng là ở đỉnh cao nhất. Sau đó, huyết áp hạ dần về chiều và lại tăng cao vào lúc 18h rồi trở lại bình thường và hạ dần về đêm. Do đó, để kiểm tra huyết áp của mình, bạn cần kiểm tra vào các thời điểm: Sau khi thức dậy, 9h, 18h và 21h. Ngoài ra cần chú ý, nếu vừa vận động thì nên nghỉ 10 phút, sau đó mới kiểm tra huyết áp để có kết quả chuẩn xác nhất.

Hà Anh