TP Hồ Chí Minh triển khai chương trình DS- KHHGĐ: “Không tiếc” ngân sách hỗ trợ

0
146

GiadinhNet – TPHCM là một trong những địa phương luôn “đầu tàu” trong lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội, đóng góp vào ngân sách quốc gia. Với hoạt động DS-KHHGĐ, địa phương này cũng là nơi hiện thực hóa nhiều mục tiêu của ngành nhờ truyền thống sáng tạo, năng động và sự đầu tư nguồn lực tài chính tương xứng…

Chuyện KHHGĐ được lồng ghép vào các tiết mục văn hóa, văn nghệ sẽ phát huy hiệu quả hơn nhiều. Ảnh: P.V
Chuyện KHHGĐ được lồng ghép vào các tiết mục văn hóa, văn nghệ sẽ phát huy hiệu quả hơn nhiều. Ảnh: P.V

Khi người dân hào hứng hưởng ứng Chương trình Dân số

Ngày 16/4, chị Phạm Thị Phương (ở huyện Nhà Bè, TP HCM) được chồng chở đến cơ sở y tế địa phương để siêu âm khám thai. Chị Phương không phải mất tiền cho việc khám thai, vì hôm ấy địa phương tổ chức lễ ra quân thực hiện Chiến dịch Truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS-KHHGĐ và nâng cao chất lượng dân số. Chị là một trong số hàng nghìn thai phụ ở TPHCM được hưởng lợi nhờ địa phương này triển khai gói dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, gồm sàng lọc trước sinh và khám sức khỏe tiền hôn nhân từ ba năm qua.

“Hồi chuẩn bị cưới nhau, vợ chồng tôi được cán bộ dân số tư vấn nhiều thứ lắm. Đi khám sức khỏe cũng không phải mất tiền. Chúng tôi và nhiều cặp đôi trẻ khác đã hiểu sàng lọc trước sinh là cái gì, nó cần thiết ra sao nên chúng tôi tình nguyện thực hiện để đảm bảo sức khỏe cho con cái, gìn giữ hạnh phúc gia đình. Hôm nay đi khám sức khỏe đúng vào đợt Chiến dịch nên tôi không phải chi phí chứ bình thường tốn kém thêm chút chúng tôi cũng ráng. Tất cả là vì sức khỏe của em bé mà…”, chị Phương chia sẻ.

Chương trình Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh có ý nghĩa thiết thực giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Ở TP HCM, các hoạt động nâng cao chất lượng dân số được triển khai đồng bộ từ rất sớm. Thống kê từ Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM cho thấy, có 39.515/64.325 bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh trong năm 2014 (đạt 61,4%, vượt 11,4% so với chỉ tiêu được Tổng cục DS-KHHGĐ giao). Với hoạt động sàng lọc sơ sinh (lấy máu gót chân của trẻ), trong năm 2014, có 49.983/64.352 trẻ sơ sinh được sàng lọc (đạt 77,67%, vượt 17,67%  so với chỉ tiêu được giao).

Cũng trong năm 2014, ngành Dân số thành phố đã phát triển, nhân rộng  được 264 Câu lạc bộ tiền hôn nhân. Mô hình này đã hỗ trợ mạnh mẽ cho hoạt động tư vấn, khám sức khỏe cho vị thành niên- thanh niên chuẩn bị kết hôn. Thời gian qua, đã có hơn 4.000 lượt vị thành niên- thanh niên tham gia hoạt động thiết thực, nhân bản này. Đặc biệt, nhờ truyền thông rốt ráo, thời gian qua có 322 cặp nam nữ chuẩn bị kết hôn ở TP HCM tự nguyện bỏ tiền túi tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân (còn gọi là xã hội hóa).

Không chỉ chăm trẻ trước sinh- sơ sinh, lo lắng cho thanh niên-vị thành niên, TP HCM còn là địa phương đặc biệt quan tâm đến người cao tuổi thông qua sự tham mưu và triển khai thực hiện của Chi cục DS-KHHGĐ. Trong năm 2014, hoạt động tư vấn, chăm sóc người cao tuổi tại cộng động được ngành Dân số triển khai đồng loạt tại 24 quận/huyện trên địa bàn. Mỗi quận/huyện đều phát triển mô hình “Câu lạc bộ người cao tuổi giúp người cao tuổi” đồng thời thiết lập một tổ tình nguyện chuyên giúp đỡ người cao tuổi với tổng cộng 394 tình nguyện viên. Các mô hình chăm lo người cao tuổi nhận được sự cổ vũ nhiệt thành bởi phù hợp với văn hóa “kính già yêu trẻ” của người Việt.

Khéo léo tham mưu

Nhiều người dân đã được hưởng lợi từ Chiến dịch Chăm sóc SKSS/KHHGĐ.
Ảnh: Dương Ngọc
Nhiều người dân đã được hưởng lợi từ Chiến dịch Chăm sóc SKSS/KHHGĐ. Ảnh: Dương Ngọc

Hoạt động DS-KHHGĐ tại TP HCM còn trải rộng đến đối tượng công nhân- vốn là lực lượng lao động trực tiếp kiến tạo sự thịnh vượng của đô thị này. Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên, vốn tập trung đông nhất so với các địa phương cũng không nằm ngoài “tầm ngắm” của ngành Dân số.

Là đô thị có mức sống cao,  nhưng tại đây vẫn còn không ít hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Tiếp cận, chăm lo những hộ gia đình này cũng là mục tiêu mà Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM đề ra và đạt được. Vì sao hoạt động DS-KHHGĐ tại TP HCM vừa trải rộng, vừa thu nhiều kết quả tốt? Câu trả lời có lẽ nằm ở cụm từ “khéo tham mưu”. Sự quan tâm của cấp ủy-chính quyền đối với hoạt động DS-KHHGĐ và năng lực tham mưu của Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM chính là mấu chốt của thành công! Số liệu từ Chi cục DS-KHHGĐ TP HCM cho thấy, năm 2014, địa phương này chi tổng cộng khoảng 30 tỷ đồng cho hoạt động DS-KHHGĐ. 24 quận/huyện đều chi thêm ngân sách địa phương mình nhằm hỗ trợ cho hoạt động dân số trên địa bàn. Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ- Phó Chi cục trưởng Chi cục DS- KHHGĐ thành phố, ngân sách cho hoạt động dân số trong năm 2015 cũng nằm trong khoảng đó. Năm 2014, liên quan đến Chương trình hỗ trợ cho các hộ nghèo, nhờ sự tư vấn, tham mưu khéo léo của Chi cục DS-KHHGĐ, chính quyền thành phố đã đồng ý miễn kinh phí khám sức khỏe tiền hôn nhân cho các hộ nghèo, chi trả một phần cho hộ cận nghèo.

Dù được cấp ủy-chính quyền quan tâm và chi ngân sách khá mạnh tay, song Chi cục DS-KHHGĐ thành phố không “ỷ lại” mà luôn nỗ lực vận động “xã hội hóa”. Trong mục tiêu hoàn thiện hoạt động nâng cao chất lượng dân số tại địa phương trong thời gian tới, cấp ủy-chính quyền TP HCM và tại 24 quận/huyện “không tiếc” ngân sách hỗ trợ cho hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh. Suốt thời gian qua, ngành Dân số luôn truyền thông, vận động người dân bằng nhiều hình thức, trong đó liên kết chặt chẽ với hầu hết sở, ban, ngành, đoàn thể để ngày càng nhiều người dân nâng cao ý thức, tự bỏ tiền chi trả cho việc chăm sóc sức khỏe của bản thân. Tại Lễ ra quân Chiến dịch năm 2015 vừa qua, có không ít cặp đôi nam nữ thanh niên chuẩn bị kết hôn tự nguyện chi trả kinh phí để được khám sức khỏe tiền hôn nhân.

Từ ngày 1/4, Chi cục DS-KHHGĐ TPHCM đã triển khai hoạt động Mô hình Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân 2015 đến 24 quận/huyện trên toàn địa bàn. Theo đó, địa phương này đặt chỉ tiêu 90% vị thành niên, thanh niên từ 15-24 tuổi, đang chuẩn bị kết hôn sẽ được truyền thông để nhận biết đầy đủ về lợi ích khi tham gia hoạt động tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân. Thành phố đang duy trì 27 điểm thực hiện mô hình này tại 24 quận/huyện và 3 trường học. Để đạt các chỉ tiêu, Chi cục DS-KHHGĐ đã sử dụng hai nguồn kinh phí thực hiện, gồm 88 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ; 734 triệu đồng từ ngân sách địa phương. Ngoài ra, Chi cục DS-KHHGĐ cũng đề nghị 24 quận/huyện chủ động cấp thêm kinh phí để mô hình hoạt động hiệu quả hơn nữa.

Tất cả vì ích lợi của cộng đồng

Chia sẻ về những thành tựu của hoạt động DS-KHHGĐ tại TP HCM nhiều năm qua, bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ thành phố cho biết, yếu tố quyết định sự thành công chính là sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, sự tận tụy của lực lượng cán bộ, cộng tác viên dân số cơ sở. Cùng với đó là sự quan tâm sát sao của cấp ủy-chính quyền TP HCM. Bà Lệ cũng không quên nhắc đến sự tận tụy và “máu lửa” của những tiền bối lãnh đạo hoạt động dân số tại địa phương này từ trước đến nay, họ đã gây dựng nền móng vững vàng cho hoạt động DS-KHHGĐ của thành phố. “Vì ích lợi của cộng đồng, của người dân, góp sức cho sự phát triển KT-XH địa phương mà nghĩ, mà tham mưu, mà làm, thì chúng tôi tin sẽ nhận được sự ủng hộ không chỉ của cấp ủy-chính quyền, mà còn của đại đa số cư dân đang sinh sống, làm việc tại TP HCM”, bà Lệ chia sẻ thêm.

Thanh Giang/Báo Gia đình & Xã hội