Sẽ rất nguy hiểm nếu Việt Nam “nới lỏng” mức sinh ngay từ bây giờ!

0
173

GiadinhNet – Sau loạt bài viết bàn về quan điểm của ngành Dân số hiện nay là “Duy trì mức sinh thấp hợp lý càng lâu càng tốt”, tòa soạn Báo GĐ&XH tiếp tục nhận được ý kiến của nhiều chuyên gia lâu năm trong lĩnh vực dân số. Chúng tôi trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Trần Văn Chiến, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế).

Theo tôi, quan điểm của Tổng cục DS- KHHGĐ là hoàn toàn phù hợp với kết luận của Bộ Chính trị số 44-KL/TW ngày 1/4/2009 về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 47-NQ/TW  ngày 22/3/2005 về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách DS- KHHGĐ” với trọng tâm: Kiên trì thực hiện mục tiêu gia đình ít con để nuôi dạy cho tốt, mỗi gia đình có 1 hoặc 2 con để duy trì vững chắc mức sinh thay thế và quy mô dân số nước ta không quá 100 triệu vào năm 2020. Đây cũng là mục tiêu của Chiến lược DS/SKSS Việt Nam giai đoạn 2011-2020: “Nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản, duy trì mức sinh thấp hợp lý, giải quyết tốt những vấn đề về cơ cấu dân số góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…”.

PGS.TS Trần Văn Chiến.
PGS.TS Trần Văn Chiến.

Tiếp tục duy trì mức sinh thấp hợp lý

Số liệu thống kê của cả Tổng cục Thống kê và ngành Dân số đều cho thấy: Trong 10 năm qua, mức sinh đã hạ thấp nhưng thiếu ổn định, thậm chí tăng nhẹ trong vài năm gần đây (nhưng vẫn dưới mức sinh thay thế) nên quy mô dân số vẫn tiếp tục tăng.

Nếu tiếp tục duy trì mức sinh thấp hợp lý, vào năm 2020, dân số Việt Nam chỉ khoảng 97 – 98 triệu người. Theo tôi, quy mô dân số này, trong khi diện tích chỉ hơn 330.000km2 đã tạo ra sự chen chúc, quá tải. Nhưng sẽ càng chật chội, chen chúc hơn khi quy mô dân số tăng nhanh do “nới lỏng” để người dân “sinh theo ý muốn”. Hơn nữa, chúng ta cũng sẽ khó tập trung nguồn vốn để thực hiện toàn diện công tác dân số theo mục tiêu trên. Ngoài ra, với diễn biến của biến đổi khí hậu, mực nước biển ngày càng dâng cao, đất ở cũng như đất sản xuất bị thu hẹp theo các kịch bản của Bộ TN&MT đã dự báo, quy mô dân số tăng nhanh là điều cực kỳ nguy hiểm.

Tôi không đồng tình với quan điểm rằng: Nên “thả lỏng” việc quy định sinh bao nhiêu con bởi trong điều kiện KT-XH hiện nay, nhiều người dân sống ở thành phố không “dám” sinh đông con do áp lực kinh tế, điều kiện nuôi dạy con cái, nên không quy định, người ta cũng không sinh nhiều!

Vì sao tôi lại không đồng tình? Trước hết, dân số sống ở thành thị của chúng ta hiện chỉ 33%, còn lại là sống ở nông thôn. Bên cạnh đó, trong gần 55 năm qua, chúng ta đã thực hiện thành công công tác dân số nhằm hạ thấp mức sinh, đạt mức sinh thay thế và tiến tới duy trì mức sinh thấp hợp lý nhằm ổn định quy mô, nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực. Bên cạnh thực hiện công tác dân số, Nhà nước đã tập trung phát triển đồng bộ các giải pháp phát triển KT-XH, nâng cao trình độ học vấn, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa… nên đã đẩy nhanh sự thành công của công tác dân số. Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực, tỷ lệ dân số sống ở thành thị của nước ta còn quá thấp và “nhiều người dân không dám sinh đông con do áp lực kinh tế, điều kiện nuôi dạy con cái…”. Như vậy, đa số vẫn sống ở nông thôn (67%) với tâm lý tập quán của người dân trong xã hội nông nghiệp, lại chịu ảnh hưởng của tư tưởng phong kiến về việc sinh con, vẫn muốn đông con, lại phải có con trai để “nối dõi tông đường”. Tư tưởng này còn rất nặng nề. Đây chính là nguyên nhân khó khăn, phức tạp và lâu dài đối với việc thực hiện mục tiêu có 1 hoặc 2 con, bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh và nâng cao chất lượng dân số.

Không chọn phương án mức sinh cao hoặc giảm xuống quá thấp

Ngành Dân số đề xuất phương án duy trì mức sinh thấp hợp lý càng lâu càng tốt.
Ảnh: Chí Cường
Ngành Dân số đề xuất phương án duy trì mức sinh thấp hợp lý càng lâu càng tốt. Ảnh: Chí Cường

Chúng ta không ngạc nhiên khi một bộ phận người dân cho rằng nên “nới lỏng” việc quy định sinh bao nhiêu con như một số nước. Nhưng cần thấy, điều kiện phát triển KT-XH, mức sống của người dân, mức độ đô thị hóa của các nước này cao hoặc rất cao (trên 85%). Dân trí phát triển thì có “nới lỏng”, người dân cũng không sinh nhiều con. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến quy mô dân số giảm, mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số… với nhiều hệ lụy khác.

Khi xây dựng mục tiêu và các phương án trong dự báo dân số, các chuyên gia dân số và thống kê đã tham khảo những bài học kinh nghiệm, có thể coi là “xương máu” của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan và nhiều nước châu Âu. Đây là những ví dụ điển hình về vấn đề để mức sinh xuống quá thấp sẽ không thể nào vực dậy được. Thực tế của các nước này cho thấy, đầu tư để nâng mức sinh lên còn tốn kém hơn rất nhiều so với đầu tư cho việc hạ mức sinh xuống. Do đó, các nước này đang phải đối phó với nhiều thách thức như già hóa dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, thiếu lao động trầm trọng phải sử dụng lao động ngoài nước…

Để hạ mức sinh cao (5 – 6 con) xuống mức sinh thay thế (khoảng 2,1 con), một số nước chỉ mất 10 năm. Nhưng để tăng từ 1 – 1,5 con, với nhiều nỗ lực trong vài thập kỷ, các nước này chỉ đạt mức 1,6 – 1,7 con/phụ nữ. Đó cũng là lý do tại sao chúng ta không chọn phương án mức sinh cao. Nếu mức sinh tăng trở lại và tổng tỷ suất sinh có thể lên tới 2,3 – 2,5 con/phụ nữ thì đến năm 2050, quy mô dân số ở nước ta đạt ở mức quá cao (khoảng 135 triệu người). Chúng ta cũng không chọn phương án mức sinh giảm xuống quá thấp (khoảng 1,35 con/phụ nữ) thì đến năm 2050, dân số nước ta sẽ đạt khoảng 95-100 triệu người. Trong khi đó, nếu chọn phương án duy trì mức sinh thấp hợp lý với tổng tỷ suất sinh khoảng từ 1,9-2,0 con/phụ nữ thì quy mô dân số nước ta sẽ chỉ đạt mức tối đa khoảng 115 triệu người (năm 2050).

Chỉ còn gần 5 năm nữa (năm 2020) là kết thúc việc thực hiện Chiến lược DS/SKSS Việt Nam giai đoạn  2011- 2020. Nếu kiên trì thực hiện các giải pháp thì mục tiêu dân số Việt Nam sẽ đạt dưới 100 triệu người vào năm 2020.

“Tôi cho rằng, việc sửa đổi điều 10 của Pháp lệnh Dân số 2003 cũng đã nêu rõ quyền và nghĩa vụ của các cặp vợ chồng, cá nhân trong việc thực hiện cuộc vận động DS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe sinh sản. Đây cũng là một điểm sửa đổi căn bản cho cuộc vận động rộng lớn có lịch sử hơn 50 năm qua”.

PGS.TS Trần Văn Chiến, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế)