Hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới (11/7/2015): Hướng tới những người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai

0
166

GiadinhNet – Ngày Dân số Thế giới (11/7) năm nay có chủ đề “Hỗ trợ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”. Nội dung này cho thấy, cả thế giới đều quan tâm và hướng tới những người dân thiệt thòi ở những vùng thiên tai. Việt Nam cũng là một trong những nước có những ảnh hưởng nặng nề bởi sự tác động to lớn của biến đổi khí hậu như hạn hán, bão lũ; Tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, cũng như sự bất thường của lượng mưa và các hình thái thời tiết khác.

Cán bộ dân số TP Khánh Hòa truyền thông kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tiếp thị phương tiện tránh thai an toàn cho ngư dân vùng ven biển. Ảnh: Dương Ngọc
Cán bộ dân số TP Khánh Hòa truyền thông kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ, tiếp thị phương tiện tránh thai an toàn cho ngư dân vùng ven biển. Ảnh: Dương Ngọc

Bộ đồ cứu trợ khẩn cấp đặc biệt của UNFPA

Trên thế giới, phụ nữ, trẻ em và thanh, thiếu niên chiếm hơn 3/4 trong tổng số hơn 50 triệu người bị buộc phải di chuyển khỏi nơi mình đang cư trú do những nguyên nhân như xung đột vũ trang và thiên tai. Khi có khủng hoảng xảy ra, phụ nữ và trẻ em gái thường là những người phải gánh chịu rất nhiều những rủi ro như: Bị lạm dụng và bóc lột tình dục, gánh chịu bạo lực, bị cưỡng hôn, mắc các bệnh có liên quan tới sức khỏe sinh sản (SKSS) và tử vong do không được bảo vệ hoặc không được viện trợ để có thể đáp ứng, giải quyết các nhu cầu của họ. Đảm bảo an toàn, nhân phẩm và sức khỏe cho họ chính là góp phần đảm bảo hạnh phúc gia đình và cộng đồng.

Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho biết,  UNFPA đã thiết kế bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp đặc biệt giúp phụ nữ và trẻ em gái bảo vệ bản thân và đáp ứng các nhu cầu vệ sinh cá nhân căn bản trong thiên tai và khủng hoảng nhân đạo. Bộ đồ này bao gồm: Băng vệ sinh làm bằng chất liệu có thể tái sử dụng, quần áo, khăn tắm, xà phòng, bàn chải đánh răng và kem đánh răng. Các hạng mục này đáp ứng cả nhu cầu vệ sinh cơ bản trước mắt của những người dân bị ảnh hưởng và tạo điều kiện cho phụ nữ có thể duy trì cuộc sống.

Thông điệp toàn cầu cho ngày Dân số Thế giới 2015

– Luôn đảm bảo phẩm giá, sự an toàn và SKSS cho mọi phụ nữ và trẻ em gái.

– Cuộc sống của một người phụ nữ luôn quý giá trong bất kỳ tình huống nào.

– Phụ nữ và trẻ em gái là những nhóm dân số dễ bị tổn thương khi thiên tai xảy ra và những nhu cầu cụ thể của họ thường không được đáp ứng. Đảm bảo sự an toàn, phẩm giá và sức khỏe cho họ sẽ góp phần đảm bảo hạnh phúc cho gia đình và cộng đồng.

– Khi thiên tai xảy ra, chúng ta cần phải chú trọng tới nhu cầu về chăm sóc SKSS cho phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản. Nếu chúng ta thực hiện được việc này thì cuộc sống của phụ nữ và các trẻ em gái sẽ trở nên an toàn hơn và họ sẽ được mạnh khỏe hơn.

Trận động đất kinh hoàng xảy ra gần Thủ đô Kathumandu, Nepal ngày 25/4/2015 đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người, hàng ngàn người bị thương, phá hủy nhà cửa, cơ sở hạ tầng và các di sản văn hóa hết sức giá trị của đất nước Nepal. Ông Bernard Coquelin – điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của UNFPA, người đã phát minh ra bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp dành cho phụ nữ và trẻ em gái Nepal cho biết, bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp được xây dựng để đáp ứng các nhu cầu thiết yếu về y tế cho cho phụ nữ và trẻ em gái bị ảnh hưởng bởi trận động đất. Việc cung cấp cho phụ nữ bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp là hết sức cần thiết để họ có thể duy trì cuộc sống và đảm bảo chăm sóc vệ sinh cá nhân, đặc biệt là trong thời kỳ kinh nguyệt.

Hội nghị Quốc tế về Dân số và Phát triển (ICPD) năm 1994 Chương trình Hành động Cairo đã tái khẳng định rằng bất kỳ người dân nào tại bất cứ thời điểm nào trong cuộc sống – bao gồm cả những nhóm dân số chịu tác động hay đang trong quá trình phục hồi sau khi các trường hợp khẩn cấp xảy ra đều được hưởng các quyền về chăm sóc sức khỏe tình dục (SKTD) và SKSS, được quyền sống một cuộc sống không có bạo lực tình dục hay bất kỳ hình thức bạo lực nào.

Việt Nam tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu

Là một trong số những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của biến đổi khí hậu trên toàn cầu, Việt Nam đang phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do con người gây ra, bao gồm các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ; Tình trạng nước biển dâng, xâm nhập mặn, cũng như sự bất thường của lượng mưa và các hình thái thời tiết khác.

Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc trong việc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo trong hai thập niên vừa qua, song thành tựu đó đang bị đe dọa trong những năm gần đây do biến đổi khí hậu và có nguy cơ bị đảo ngược nếu kịch bản xấu nhất xảy ra.

Theo tính toán, nếu biến đổi khí hậu không được giảm thiểu một cách hiệu quả thì đến cuối thế kỷ 21 này, Việt Nam sẽ mất đi ít nhất 12.2% diện tích đất, hiện đang là nơi cư trú của 23% dân số và thậm chí là mất đi một con số lớn hơn diện tích đất màu mỡ bao gồm một nửa khu vực châu thổ trũng thấp, cũng chính là một trong những vựa lúa quan trọng nhất của thế giới do lũ lụt và xâm nhập mặn. Những trận bão lụt, siêu giông vừa qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân cả vùng thành thị lẫn nông thôn, vùng sâu, vùng xa cho thấy tác động của thiên tai là rất lớn. Việt Nam đã có những sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai bằng các dự án, trong đó có Chương trình hợp tác giữa Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia (AusAID) và các tổ chức phi chính phủ (ANCP) tài trợ, đó là “Nâng cao năng lực cho các nhóm dân tộc thiểu số tiếp cận thông tin và bảo đảm an ninh lương thực tại các tỉnh Hòa Bình, Điện Biên, Hà Tĩnh (2011-2017)” và “Thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại khu vực ven biển của Việt Nam tại huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng (2009-2017)”.

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ, ngành Dân số sẽ chú trọng nhiều hơn đối với việc tăng cường đảm bảo dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai; Nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai của toàn ngành DS – KHHGĐ; Đảm bảo việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ SKSS và KHHGĐ trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy không mong muốn khác do các nguyên nhân liên quan đến thiên tai. Cụ thể, ngành DS-KHHGĐ sẽ tập trung vào 5 giải pháp: Thứ nhất : Tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý công tác chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của ngành từ Trung ương đến địa phương; Thứ hai: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Thứ ba: Tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số các cấp nhằm cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả và kịp thời trong tình huống thiên tai; Thứ tư: Thiết lập cơ chế thông tin trong ngành về để đánh giá tác động thiên tai và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó với thiên tai; Thứ năm: Triển khai nghiên cứu bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng ứng phó với thiên tai của cán bộ trong ngành.

Các hoạt động chuẩn bị ứng phó nếu thiên tai xảy ra

– Giải quyết các vấn đề liên quan tới chăm sóc SKSS/SKTD trong giai đoạn chuẩn bị ứng phó sẽ giúp chúng ta đảm bảo rằng các nhu cầu quan trọng của các nhóm dân số dễ bị tổn thương sẽ không bị bỏ qua.

– Bước quan trọng đầu tiên cần thực hiện là khuyến khích sự tham gia của thanh, thiếu niên vào quá trình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.

– Xác định các đối tượng thanh, thiếu niên có nguy cơ cao và thảo luận cách thức làm thế nào để giảm thiểu các mối đe dọa mà thanh, thiếu niên đang phải đối mặt.

– Rà soát các chính sách và luật pháp quốc gia liên quan tới việc giải quyết các nhu cầu về chăm sóc SKSS/SKTD cho thanh, thiếu niên. Xác định các tổ chức hiện đang hoạt động vì lợi ích của thanh, thiếu niên và các chiến lược mà các tổ chức này đang thực hiện trong việc giải quyết các nhu cầu về chăm sóc SKSS/SKTD cho thanh, thiếu niên.

– Thực hiện tuyên truyền vận động hỗ trợ cho các hoạt động thu thập thông tin và thực hiện báo cáo với các cơ sở dữ liệu phân theo giới tính và tuổi trong các phòng khám và cơ sở y tế.

– Thực hiện phân tích các bài học kinh nghiệm, các điển hình thành công và những khó khăn thách thức trong việc giải quyết các nhu cầu về chăm sóc SKSS/SKTD cho thanh, thiếu niên rút ra từ những công tác ứng phó các trường hợp khẩn cấp đã từng thực hiện trước đây.

– Xác định các cơ quan, đơn vị hữu quan có hoạt động liên quan tới công tác chăm sóc SKSS/SKTD cho thanh, thiếu niên. Xác định đơn vị thực hiện công tác cung cấp dịch vụ cho thanh, thiếu niên, các tổ chức do thanh, thiếu niên lãnh đạo và xác định đơn vị có chức năng thực hiện công tác đầu mối. Tạo lập mối quan hệ  liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thanh, thiếu niên  với các dịch vụ khác như SKSS/SKTD, sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý, cuộc sống, giáo dục…

– Tham gia vào các cuộc thảo luận và lập kế hoạch chiến lược với các nhà tài trợ nhân đạo, các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng.

Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội