GiadinhNet – Thời gian qua, ngành DS-KHHGĐ TP Hồ Chí Minh luôn hướng sự quan tâm đặc biệt đến giới công nhân, sinh viên nhập cư và những cư dân “bản địa”có thu nhập thấp, sinh sống tại các huyện ngoại thành, ven biển.
Đến tận nhà khám cho phụ nữ nhập cư
Một buổi sáng đầu tháng 7/2015, chị em công nhân thuộc Công ty may Cường Tài (Q. Gò Vấp, TP.HCM) phấn khởi rỉ tai nhau: Hôm nay họ sẽ được các bác sĩ đến tận Công ty để tư vấn, khám sức khỏe sinh sản – kế hoạch hóa gia đình (SKSS-KHHGĐ) miễn phí.
“Thú thật là chuyện khám, điều trị bệnh phụ khoa đối với chị em nghèo ở quê lên thành phố làm công nhân như chúng tôi khá khó khăn. Đến các bệnh viện chuyên khoa thì vừa mất thời gian vừa tốn kém nên không ít người thường phải tự “cầm cự” với tình trạng viêm nhiễm phụ khoa kéo dài. Nghe tin có các bác sĩ đến tận nơi để tư vấn, khám, điều trị khiến tất cả chúng tôi đều mừng lắm! ”- nữ công nhân Huỳnh Thị Hoa (quê Hậu Giang) chia sẻ.
Trước đó, tại Công ty giày Lạc Tỷ (Q. Bình Tân, TP.HCM), hàng trăm nữ công nhân cũng đã được các bác sĩ đến tận nơi khám SKSS/KHHGĐ. Chị Nguyễn Thị Hương (quê ở Cà Mau) bộc bạch: “Đời công nhân, sống xa nhà, thu nhập lại bấp bênh. Chuyện được các bác sỹ đến tận nơi để khám bệnh miễn phí là điều tôi không dám nghĩ tới. Tôi mong những chương trình nhân văn thế này đến được với nhiều công nhân hơn nữa!”
Đội ngũ y, bác sĩ thực hiện hoạt động “khám tận nơi”, “khám miễn phí” thường xuyên cho chị em công nhân tại rất nhiều công ty ấy thuộc Phòng khám SKSS-KHHGĐ do ngành Dân số TP. HCM thành lập từ tháng 9/2011. Ngoài hoạt động khám, chăm sóc SKSS-KHHGĐ lưu động đến các công ty, xí nghiệp, các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn, Phòng khám miễn phí này còn là “địa chỉ đỏ” tiếp nhận tại chỗ hàng ngàn lượt nữ công nhân có nhu cầu chăm sóc SKSS-KHHGĐ. Bên cạnh đó, đơn vị này còn liên tục triển khai hoạt động truyền thông- tư vấn về SKSS-KHHGĐ tại các trường Đại học – Cao đẳng – Trung học chuyên nghiệp trên toàn thành phố. “Với các em sinh viên, học sinh thì chúng tôi lồng ghép các buổi sinh hoạt “Chuyện nhỏ – Chuyện to”. Còn với chị em công nhân thì chúng tôi tranh thủ tổ chức các buổi trò chuyện ngay tại khuôn viên nhà ăn, phát loa truyền thông trong giờ nghỉ giải lao của công nhân hoặc lồng ghép nội dung sinh hoạt của đoàn thể nhân kỷ niệm các ngày lễ”, BS Nguyễn Thanh Dung- Trưởng phòng khám chia sẻ.
Số liệu mới nhất được TP.HCM công bố cho thấy: Hiện địa phương này có gần 2,5 triệu công nhân và trên 500 ngàn sinh viên-học sinh trung học chuyên nghiệp. Vì vậy, số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trong giới công nhân, sinh viên-học sinh trung học chuyên nghiệp trên địa bàn TP.HCM rất lớn, đại đa số lại là người nhập cư.
Những người này vốn đang trực tiếp góp phần làm ra của cải phục vụ xã hội, lại thuộc nhóm cư dân yếu thế và dễ bị tổn thương nhất bởi hàng loạt hạn chế, rào cản khi muốn tiếp cận các dịch vụ công cơ bản như y tế, giáo dục… Trong các chuyến công tác tại TP.HCM và khu vực phía Nam, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ Nguyễn Văn Tân luôn đề nghị ngành Dân số các địa phương phải “đặc biệt quan tâm” đến người lao động nhập cư. Lý do chính của đề nghị này cũng bởi vì người lao động nhập cư hầu hết đều thuộc nhóm cư dân yếu thế.
Theo cách nói của bác sỹ Nguyễn Thanh Dung, thì thông qua Phòng khám SKSS-KHHGĐ miễn phí, nhóm cư dân ấy đã trở thành nhóm dân số được ưu tiên hàng đầu. “Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Phòng khám đã góp phần cùng hệ thống cơ sở dịch vụ y tế hiện có của TP.HCM rốt ráo thực hiện các mục tiêu chăm sóc SKSS-KHHGĐ, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân miễn phí đối với nhóm Dân số ưu tiên…”, Bác sỹ Dung khẳng định.
Dành ưu ái cho người dân vùng thiên tai
Sức hút nhân lực trong lĩnh vực sản xuất, giáo dục luôn vượt trội khiến TP HCM là nơi tập trung đông công nhân, sinh viên nhập cư. Bên cạnh đó, bản thân người dân TP.HCM sinh sống tại các huyện ngoại thành cũng không hẳn đủ thu nhập trang trải các nhu cầu cơ bản của cuộc sống.
Hiện TP HCM có khoảng 130 ngàn hộ nghèo (thu nhập bình quân từ 16 triệu đồng/người/năm trở xuống) và 50 ngàn hộ cận nghèo (thu nhập bình quân từ trên 16 triệu đồng đến 21 triệu đồng/người/ năm). Nói cách khác, địa phương đóng góp ngân sách nhiều nhất nước vẫn còn có trên 180 ngàn hộ dân “bản địa” nghèo và cận nghèo cần phải chăm lo. Từ đầu năm 2014, ngành Dân số TP.HCM đã thành công trong việc tham mưu cấp ủy-chính quyền địa phương này chăm lo cho các hộ dân “bản địa” nghèo trong lĩnh vực DS-KHHGĐ, cụ thể là nâng cao chất lượng dân số giai đoạn đầu đời. Theo đó, khi tham gia khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh, sơ sinh, các đối tượng thuộc hộ nghèo được miễn phí 100%, người thuộc hộ cận nghèo được miễn giảm 50%.
TP.HCM có một huyện duy nhất giáp biển với 7 xã (khoảng 75 ngàn dân) là Cần Giờ. Đây cũng là huyện có nhiều hộ dân “bản địa” nghèo nhất thành phố với 7.500 hộ nghèo, 2.000 hộ cận nghèo. Trong lĩnh vực DS-KHHGĐ, cư dân ở Cần Giờ được chăm lo riêng theo Đề án 52 (Kiểm soát dân số vùng biển đảo, ven biển) bằng nguồn ngân sách Nhà nước. Trong năm 2014, bên cạnh ngân sách 733 triệu đồng phục vụ Đề án 52 từ Tổng cục DS-KHHGĐ, ngành dân số TP.HCM còn vận động địa phương hỗ trợ thêm 221 triệu đồng. Năm nay, ngân sách địa phương hỗ trợ tăng lên đến 1,49 tỷ đồng. Trong mục tiêu cùng cấp ủy-chính quyền thành phố nỗ lực chăm lo đời sống cư dân “bản địa” nghèo, ngành Dân số địa phương đã “tranh thủ” vận động gia tăng ngân sách nhằm đáp ứng nguồn lực phục vụ công tác DS-KHHGĐ nơi huyện nghèo biển đảo. Nhờ đó, các hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, nâng cao chất lượng dân số khi sinh… đối với người dân ở Cần Giờ được triển khai ngày càng hiệu quả hơn.
Truyền thông KHHGĐ tại các rạp chiếu phim
Thời gian qua, ngành DS-KHHGĐ TP Hồ Chí Minh đã gặt hái được những thành tích đáng kể! Có được thành công ấy là nhờ sự phối hợp hiệu quả giữa ngành Dân số với các đơn vị liên quan nhằm thực hiện tốt nhất 3 nội dung: truyền thông chuyển đổi hành vi, truyền thông vận động và truyền thông huy động cộng đồng.
Gần đây nhất, ngành Dân số TP Hồ Chí Minh đã “ghi điểm” trong hoạt động truyền thông khi thuyết phục thành công Hãng phát hành phim Galaxy trình chiếu các spot truyền thông DS – KHHGĐ trong thời gian chờ phim chính trên toàn hệ thống rạp, với giá 20 triệu đồng/tháng. Trong khi đó, một doanh nghiệp muốn thực hiện điều tương tự phải chi đến 250 triệu đồng/tháng.
Thanh Giang/Báo Gia đình & Xã hội