Cung cấp kiến thức chăm sóc skss/tình dục an toàn cho giới trẻ: Lắng nghe, sẻ chia để phục vụ giới trẻ tốt hơn

0
171

GiadinhNet – Vị thành niên, thanh niên, hay thanh niên di cư, thanh niên trong các khu công nghiệp là những đối tượng rất cần sự chăm sóc, đặc biệt trong lĩnh vực SKSS/sức khỏe tình dục. Từ rất nhiều năm nay, nhiều mô hình “thương hiệu” của Đoàn thanh niên các cấp đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều bạn trẻ như “Góc thân thiện”, “Kịch tương tác”, “CLB Gia đình trẻ phát triển bền vững”… Năm 2015, Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương (thuộc Trung ương Đoàn) đã đổi mới hoạt động, hướng tới việc chăm sóc, cung cấp kiến thức về SKSS, sức khỏe tình dục cho các bạn trẻ một cách hiệu quả nhất.

Những năm qua Đoàn Thanh niên đã có những hoạt động truyền thông, hiệu quả, cung cấp những kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho giới trẻ. Ảnh: P.V
Những năm qua Đoàn Thanh niên đã có những hoạt động truyền thông, hiệu quả, cung cấp những kiến thức chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho giới trẻ. Ảnh: P.V

Kêu gọi thanh niên viết mô hình truyền thông cho chính mình

Ngày 13/5 vừa qua, Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương tổ chức, với sự hỗ trợ kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam đã phát động cuộc thi “Đề xuất sáng kiến thúc đẩy tiếp cận dịch vụ và thông tin về chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục vị thành niên/thanh niên”. Cuộc thi kêu gọi phát triển các ý tưởng sáng tạo, có chất lượng, tính thực tiễn cao trong truyền thông, nhằm thúc đẩy việc tiếp cận dịch vụ và thông tin chăm sóc SKSS, sức khỏe tình dục (SKTD) cho vị thành niên và thanh niên. Đây là hoạt động nổi bật, trọng tâm của Trung tâm trong năm 2015.

Là sinh viên năm thứ 3, Trường Đại học Lao động Xã hội – địa điểm diễn ra lễ phát động – em Hồng Thương (quê ở Hà Nam) chia sẻ: “Sinh viên chúng em may mắn sống trong thời kỳ Internet bùng nổ, nhưng quả thật, nhiều thông tin về giáo dục giới tính, SKSS/SKTD quá nên đôi khi bị “loạn”! Chúng em không biết thông tin nào là chính thống! Chúng em mong chờ một địa chỉ tin cậy, cách tiếp cận thông tin tin cậy. Ngoài ra, nếu có các hoạt động sinh hoạt tuyên truyền ở trường, khoa về nội dung này, cũng không thể lôi kéo hết các bạn đến tham dự được. Hầu như chỉ có các bạn cán bộ đoàn, hội sinh viên, thanh niên tình nguyện mới hào hứng thôi!”.

Còn Hoàng Thùy, một cán bộ đoàn, sinh viên năm thứ 2 cùng trường với Thương cho biết: “Lâu nay, dù rất cố gắng nhưng chúng em vẫn “bị động” nhiều trong việc tìm ra phương thức truyền thông, cung cấp thông tin hiệu quả cho các bạn sinh viên về nội dung giáo dục giới tính, SKSS/SKTD. Nếu được tự mình lên ý tưởng, được tạo điều kiện để phát triển sáng kiến, em tin nhiều bạn sinh viên sẽ đồng tình bởi chúng em được nói lên điều chính bản thân cần!”.

Theo kết quả cuộc Điều tra Dân số và nhà ở giữa kỳ 1/4/2014, Việt Nam đã bước vào giai đoạn cơ cấu “dân số vàng” với tỷ lệ thanh, thiếu niên cao nhất trong lịch sử. Hiện nay, thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10-29 chiếm khoảng 30% dân số. Số người trẻ gia tăng, nhưng các chuẩn mực, giá trị, hành vi tình dục của giới trẻ Việt cũng đã có sự thay đổi nhanh chóng. Giới trẻ Việt Nam ngày càng có thái độ cởi mở hơn với tình dục trước hôn nhân. Tuổi lần đầu quan hệ tình dục ở Việt Nam giảm 1,5 tuổi trong vòng 5 năm. Trong khi đó, việc giáo dục giới tính, SKSS/SKTD cho thanh thiếu niên còn hạn chế, đặc biệt nhóm yếu thế như thanh niên dân tộc thiểu số, người di cư và thanh niên khu vực nông thôn. Do vậy, thanh niên dễ có nguy cơ mang thai ngoài ý muốn và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Đại diện Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương cho hay, để triển khai toàn diện, đồng bộ cuộc thi nói trên đến cơ sở, Trung ương Đoàn đã gửi công văn đến 63/63 tỉnh, thành đoàn trong cả nước, khuyến khích tất cả thanh niên Việt Nam tham gia cuộc thi.

Giúp đối tượng yếu thế tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản

Kiến thức chăm sóc sức khỏe, tình dục an toàn được lồng ghép vào các tiết mục văn nghệ đã phát huy tính hiệu quả.  Ảnh: P.V
Kiến thức chăm sóc sức khỏe, tình dục an toàn được lồng ghép vào các tiết mục văn nghệ đã phát huy tính hiệu quả. Ảnh: P.V

Ngoài việc mở rộng, cải tiến các phương thức truyền thông, Trung ương Đoàn cũng rất quan tâm đến việc cung cấp thông tin, kiến thức về giáo dục giới tính, SKSS/SKTD đến đối tượng thanh niên công nhân trong các khu công nghiệp. Chính vì thế, buổi “Đối thoại với Doanh nghiệp và Thanh niên công nhân về tiếp cận thông tin dịch vụ chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên” đã được Trung tâm Thanh thiếu niên Trung ương phối hợp tổ chức tại Hải Dương vào cuối tháng 5 vừa qua.

Tại đây, hàng nghìn công nhân, lãnh đạo các nhà máy, khu công nghiệp đã rất ngạc nhiên khi một nghiên cứu mới đây của TS Đỗ Quỳnh Chi (Tổ chức Marie Stopes International tại Việt Nam) tiến hành tại 3 công ty da giày lớn ở Đồng Nai, Bình Dương (khoảng 40.000 công nhân) đã chỉ ra hiệu quả chi phí chăm sóc SKSS trong các khu công nghiệp là rất lớn. Từ cách tiếp cận qua hai vấn đề là mang thai ngoài ý muốn và bệnh phụ khoa/tình dục để phân tích ảnh hưởng của chăm sóc SKSS tới tỉ lệ nghỉ ốm, tỉ lệ mang thai và năng suất lao động, nghiên cứu đã chỉ ra: Với một ca người lao động mang thai ngoài ý muốn, số lương bị mất do nghỉ làm là gần 5,5 triệu đồng/lần mang thai. Còn đối với doanh nghiệp, chi phí cho mỗi trường hợp người lao động mang thai lên tới hơn 43 triệu đồng. Điều đó cho thấy, nếu doanh nghiệp đầu tư truyền thông, cung cấp dịch vụ SKSS/KHHGĐ, tránh các nguy cơ về bệnh tật, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn … cho người lao động như thực trạng hiện nay, hiệu quả kinh doanh sẽ được nâng lên rất nhiều.

Chia sẻ nguyên nhân của thực trạng này, chị Huỳnh Thị Tuyền (20 tuổi, công nhân công ty Honda, TP Hải Dương) chia sẻ: “Nhiều rào cản lắm chị ạ! Nếu người chưa lấy chồng như chúng em tìm hiểu các thông tin về SKSS/SKTD kiểu gì cũng bị nghĩ là đã quan hệ tình dục trước hôn nhân, bị cho là hư hỏng, vậy nên chúng em rất e ngại và lo sợ. Ngay cả việc đi khám và điều trị phụ khoa cũng vậy. Xấu hổ lắm!”.

Còn theo chị Nguyễn Thị Quỳnh (25 tuổi, cùng ca làm với chị Tuyền), công nhân làm việc theo ca, kíp, thời gian hạn chế, ít có cơ hội tham gia vào các hoạt động truyền thông về SKSS/SKTD, đơn giản như việc vệ sinh cá nhân sao cho đúng. Hơn nữa, chúng em không có thời gian tới các cơ sở y tế uy tín nên các biện pháp tránh thai không được thực hiện đúng quy cách và vệ sinh, ảnh hưởng sức khỏe nên đành từ bỏ thôi! Mà vệ sinh ở khu nhà máy thì chị biết rồi đấy! Nhiều nơi công nhân làm dây chuyền bị hạn chế số lần đi vệ sinh và ít uống nước nên dễ bị bệnh phụ khoa. Nhà máy có nơi không trang bị vòi rửa để vệ sinh, rồi việc mặc quần bó sát, ngồi lâu… Nhiều lý do để nữ công nhân hay mắc các bệnh phụ khoa chị ạ!”.

Chương trình đối thoại đã tạo điều kiện để cung cấp cho thanh niên công nhân những thông tin mới nhất về các vấn đề liên quan đến chăm sóc SKSS/SKTD vị thành niên, thanh niên; những rào cản trong việc tiếp cận thông tin và dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD vị thành niên, thanh thiếu niên, nhất là thanh niên ở các khu công nghiệp. Đây cũng là dịp để nữ thanh niên công nhân – những đối tượng dễ bị tổn thương – và các nhà hoạch định chính sách cùng trao đổi, đưa ra những cam kết hướng tới việc tăng cường khả năng tiếp cận của thanh niên với các thông tin và dịch vụ về SKSS/SKTD.

Cần có các sáng kiến đột phá

“Tại Việt Nam, việc cung cấp dịch vụ và thông tin về SKSS/SKTD bao gồm KHHGĐ đã được mở rộng, chất lượng dịch vụ đã được cải thiện. Tuy nhiên, các chương trình truyền thông hầu hết vẫn nhằm mục tiêu vào các cặp vợ chồng, còn các chương trình cụ thể giải quyết nhu cầu ngày càng tăng của thanh niên độc thân chưa được thực hiện.

Chúng ta cần có các sáng kiến đột phá để cung cấp thông tin, dịch vụ chăm sóc SKSS/SKTD cho các bạn trẻ. Chúng tôi nghĩ, các bạn trẻ biết rõ họ có nhu cầu gì. Khi chúng ta khuyến khích, tạo điều kiện họ sẽ có các sáng kiến đáp ứng đúng nhu cầu của chính mình, thúc đẩy việc tiếp cận thông tin, dịch vụ cho bản thân…”.

(Bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam)

Quỳnh An/Báo Gia đình & Xã hội