Hưởng ứng ngày Dân số thế giới 11/7 Chăm sóc SKSS/KHHGĐ của người dân vùng thiên tai: Sẵn sàng đáp ứng trong mọi tình huống

0
172

GiadinhNet – Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu, phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ hạn hán, bão lũ… “Cùng với các ngành khác, ngành Dân số cũng bị ảnh hưởng nặng nề của vấn đề này. Thời gian tới, ngành sẽ chú trọng nhiều hơn đối với việc tăng cường đảm bảo dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai”, ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ.

Cán bộ dân số huyện Cam Lâm, Khánh Hòa truyền thông kiến thức làm mẹ an toàn cho ngư dân vùng biển. Ảnh: D.Ngọc
Cán bộ dân số huyện Cam Lâm, Khánh Hòa truyền thông kiến thức làm mẹ an toàn cho ngư dân vùng biển. Ảnh: D.Ngọc

Đảm bảo những người dễ bị tổn thương được chăm sóc tốt nhất

Chủ đề của

Ngày Dân số Thế giới

(11/7/2015) là: “Hỗ trợ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”. Là người phụ trách ngành Dân số, xin ông cho biết suy nghĩ của mình về chủ đề này?

– Chủ đề chung của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) cho Ngày Dân số Thế giới 2105 là: “Hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong các trường hợp khẩn cấp” (bao gồm thiên tai, khủng hoảng, nội chiến, chiến tranh, tranh chấp giữa các quốc gia – PV). Đây là một chủ đề hay, rất nhân văn của Liên Hợp Quốc, phản ánh một vấn đề to lớn của cộng đồng toàn cầu, nhằm chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) cho mọi đối tượng, đặc biệt là nhóm người yếu thế trong khủng hoảng. Tuy nhiên ở Việt Nam, “trường hợp khẩn cấp” ở đây là thiên tai chứ không có các tình huống như: Khủng hoảng, nội chiến, chiến tranh… giống như ở một số quốc gia do Việt Nam có tình hình chính trị rất ổn định, người dân sống trong hòa bình. Do đó, hưởng ứng Ngày Dân số Thế giới năm nay, chúng tôi chọn chủ đề theo tinh thần chung mang tính nhân văn của UNFPA, đó là: “Hỗ trợ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai”.

Theo ông, việc tuyên truyền cho người dân về chủ đề này sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì?

– Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước các tác động của biến đổi khí hậu, đang phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề do thiên nhiên gây ra.

Sống trong vùng rốn bão, nhiệt đới gió mùa nên hàng năm, nước ta hứng chịu hàng chục cơn bão, lũ quét… Chính vì vậy, người dân hiểu rõ hơn ai hết về những tác động to lớn của thiên tai đến đời sống, sự an toàn và sức khỏe của mình. Bên cạnh việc tuyên truyền chung cho người dân trên cả nước, chúng tôi cũng tập trung tuyên truyền mạnh mẽ chủ đề này tới những vùng dễ bị ảnh hưởng, nhất là miền Trung, các tỉnh ven biển và các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên… để cán bộ, cộng tác viên làm công tác dân số cũng như người dân chủ động ứng phó; Đảm bảo những người dễ bị tổn thương (cụ thể là phụ nữ và trẻ em gái) trong hoàn cảnh chạy bão, chạy lũ vẫn được cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ một cách tốt nhất.

Nâng cao năng lực ứng phó cho cán bộ, cộng tác viên dân số

Rõ ràng, sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu gây ra những ảnh hưởng nặng nề với nhiều ngành nghề, lĩnh vực, trong đó có ngành Dân số. Người dân sẽ được hỗ trợ như thế nào về SKSS/KHHGĐ khi phải đối mặt với thiên tai, thưa ông?

– Khi đối mặt với những tác động của thiên tai, ngay lập tức mọi người thường nghĩ cần đáp ứng những nhu cầu mang tính sống còn như: Nhu cầu về chỗ ở, thuốc men, quần áo, nước sạch… Việc này đòi hỏi cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, đoàn thể, đặc biệt là Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão các cấp chung tay thực hiện.

Có thể nói, tất cả các nhu cầu này đều rất cần thiết, song có những nhu cầu không thể bỏ qua, mà nếu bỏ qua thì sẽ ảnh hưởng lớn đến người dễ bị tổn thương. Đó chính là nhu cầu được chăm sóc SKSS/KHHGĐ, giúp phụ nữ và trẻ em gái bảo vệ bản thân và đáp ứng các nhu cầu vệ sinh cá nhân căn bản. Kinh nghiệm của UNFPA là cung cấp “bộ đồ dùng cứu trợ khẩn cấp” bao gồm: Quần áo, khăn tắm, xà phòng, bàn chải đánh răng, kem đánh răng. Đặc biệt còn có băng vệ sinh phụ nữ như một mặt hàng trợ cấp hết sức cần thiết để phụ nữ và trẻ em gái có thể duy trì cuộc sống và đảm bảo chăm sóc vệ sinh cá nhân, nhất là trong thời kỳ kinh nguyệt.

Việc hỗ trợ, chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai là trách nhiệm của đất nước, của cộng đồng, đặc biệt là của ngành Dân số. Chúng tôi đã chủ động xây dựng hệ thống hậu cần khá hoàn chỉnh từ Trung ương đến cơ sở, trong đó có nguồn dự trữ của từng tuyến, cụ thể là tuyến huyện, là tuyến gần cơ sở nhất có thể đảm bảo cung ứng trong thời gian là 1 tháng. Chuẩn bị cơ số nhất định những gói chăm sóc SKSS tối thiểu cho phụ nữ, trẻ em gái, để cung ứng kịp thời trong tình huống bị lũ chia cắt về địa lý. Có thể hỗ trợ được các phương tiện tránh thai tới phụ nữ mang tính tạm thời nhưng rất cần thiết, tránh mang thai ngoài ý muốn như bao cao su, thuốc tránh thai…

Xin ông cho biết, ngành Dân số sẽ có những giải pháp nào để nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, hỗ trợ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân?

– Thời gian tới, ngành Dân số sẽ chú trọng nhiều hơn đối với việc tăng cường đảm bảo dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đồng thời nâng cao năng lực chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo việc cung cấp một cách kịp thời, hiệu quả dịch vụ SKSS/KHHGĐ cho người dân trước, trong và sau thiên tai nhằm giảm rủi ro về bệnh tật và các hệ lụy không mong muốn khác.

Cụ thể, chúng tôi sẽ tập trung vào các giải pháp sau: Thứ nhất: Tăng cường năng lực hệ thống tổ chức, điều hành, quản lý công tác chuẩn bị, đáp ứng và tham gia khắc phục hậu quả thiên tai của ngành từ Trung ương đến địa phương; Thứ hai: Xây dựng và hoàn thiện cơ chế chính sách trong chuẩn bị, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; Thứ ba: Tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số các cấp nhằm cung cấp dịch vụ một cách hiệu quả và kịp thời trong tình huống thiên tai; Thứ tư: Thiết lập cơ chế thông tin trong ngành để đánh giá tác động thiên tai và làm cơ sở cho việc chủ động chuẩn bị, ứng phó với thiên tai; Thứ năm: Triển khai nghiên cứu bổ sung các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, kỹ năng ứng phó với thiên tai của cán bộ trong ngành.

Trân trọng cảm ơn ông!

“Để đảm bảo việc chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai, ngành DS-KHHGĐ sẽ tập trung vào tuyến cơ sở. Đảm bảo trong bất kỳ tình huống nào xảy ra ở quy mô lớn hay nhỏ thì việc đáp ứng các nhu cầu tại chỗ cũng như cung ứng các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ không bị gián đoạn”.

(Ông Nguyễn Văn Tân – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ)

Nếu thiên tai xảy ra?

– Giải quyết các vấn đề liên quan tới chăm sóc SKSS/SKTD trong giai đoạn chuẩn bị ứng phó sẽ giúp chúng ta đảm bảo rằng các nhu cầu quan trọng của các nhóm dân số dễ bị tổn thương sẽ không bị bỏ qua.

– Một bước quan trọng đầu tiên cần thực hiện là khuyến khích sự tham gia của thanh, thiếu niên vào quá trình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó.

– Xác định các tổ chức hiện đang hoạt động vì lợi ích của thanh, thiếu niên và các chiến lược mà các tổ chức này đang thực hiện trong việc giải quyết các nhu cầu về chăm sóc SKSS/SKTD cho thanh, thiếu niên. Tạo lập mối quan hệ liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ cho thanh, thiếu niên với các dịch vụ khác như: SKSS/SKTD, sức khỏe tâm thần và hỗ trợ tâm lý, cuộc sống, giáo dục…

– Thực hiện tuyên truyền vận động hỗ trợ cho các hoạt động thu thập thông tin và thực hiện báo cáo với các cơ sở dữ liệu phân theo giới tính và tuổi trong các phòng khám và cơ sở y tế.

– Thực hiện phân tích các bài học kinh nghiệm, các điển hình thành công và những khó khăn thách thức trong việc giải quyết các nhu cầu về chăm sóc SKSS/SKTD cho thanh, thiếu niên rút ra từ những công tác ứng phó các trường hợp khẩn cấp đã từng thực hiện trước đây.

– Tham gia vào các cuộc thảo luận và lập kế hoạch chiến lược với các nhà tài trợ nhân đạo, các cơ quan chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức cộng đồng.

(Khuyến cáo của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc)

Hà Thư/Báo Gia đình & Xã hội