Gắn dân số với tất cả các mặt của phát triển

0
160

GiadinhNet – Với lợi thế 62 triệu người, chiếm 69% tổng dân số trong độ tuổi lao động, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để tăng trưởng. Tuy nhiên, làm thế nào để biến “cơ hội vàng” này thành “lợi tức” là một thách thức lớn, trong bối cảnh cơ cấu dân số đang có sự thay đổi mạnh mẽ, số lượng người cao tuổi tăng nhanh, tỉ số giới tính khi sinh cao, chất lượng dân số còn thấp…

Đó là những vấn đề được các chuyên gia trong nước và quốc tế đặt ra tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chính sách phát triển thích ứng với tình hình biến đổi dân số” do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Y tế phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức ngày 14/7.

Cán bộ dân số huyện Cam Lâm- Khánh Hòa truyền thông kiến thức KHHGĐ, làm mẹ an toàn cho ngư dân vùng biển.
Ảnh: Dương Ngọc
Cán bộ dân số huyện Cam Lâm- Khánh Hòa truyền thông kiến thức KHHGĐ, làm mẹ an toàn cho ngư dân vùng biển. Ảnh: Dương Ngọc

Dân số Vàng – lợi thế và thách thức

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ, tính từ thời điểm của cuộc Tổng điều tra Dân số đầu tiên năm 1979 đến năm 2014, cơ cấu dân số của Việt Nam đã có sự biến đổi mạnh mẽ. Tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động (15 – 64 tuổi) tăng từ 53% lên 69,4%; Người cao tuổi (trên 65 tuổi) tăng từ 5% lên 7,1%. Riêng trẻ em (từ 0 – 14 tuổi) giảm từ 42% xuống 25,5%.

Có thể thấy, nhờ làm tốt công tác DS-KHHGĐ, làm tốt việc giảm sinh, giảm tốc độ gia tăng dân số, Việt Nam đang có lợi thế rất lớn khi đã bước vào thời kỳ “dân số vàng”, cứ hai người trong độ tuổi lao động mới có một người trong độ tuổi phụ thuộc.  Ông Đinh Văn Cương, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương cho rằng, nếu lực lượng này là lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao thì sẽ tạo ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ, làm tăng thu nhập bình quân đầu người và tạo ra giá trị tích lũy lớn cho tương lai, đảm bảo an sinh xã hội khi đất nước bước vào giai đoạn “dân số già”. Mặt khác với quy mô dân số hơn 90 triệu dân như hiện nay, Việt Nam được coi là một thị trường lớn, đầy tiềm năng, hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Sự chuyển đổi nhân khẩu này đưa đến nhiều cơ hội thuận lợi, nhưng đồng thời cũng đặt ra những thách thức gay gắt đối với sự phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam trong thời gian tới. Đó là các vấn đề trong việc tạo công ăn việc làm, bảo hiểm xã hội, an ninh trật tự, an ninh lương thực, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục…

Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song công tác DS-KHHGĐ còn nhiều khó khăn, thách thức. Là nước đông dân thứ 14 trên thế giới và thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng dân số tuy có giảm nhiều, nhưng do quy mô dân số đã khá lớn nên hàng năm Việt Nam vẫn có khoảng 1 triệu người tăng thêm. Chúng ta cũng đang đối mặt với các vấn đề mới như: “Già hóa dân số”, mất cân bằng giới tính khi sinh, chất lượng cuộc sống của người dân, di cư và đô thị hóa nhanh chóng. Trong khi các nước phải mất hàng chục, thậm chí hàng trăm năm mới chuyển từ “già hóa dân số” sang “dân số già” thì quá trình này tại Việt Nam chỉ diễn ra trong vòng 16 – 18 năm.

Ứng phó với biến đổi dân số như thế nào?

Trước sự biến đổi nhanh chóng của cơ cấu dân số, vấn đề được các chuyên gia trong lĩnh vực dân số và kinh tế – xã hội đặt ra là, làm thế nào để thích ứng và sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững.

GS.TS Nguyễn Đình Cử, Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em cho rằng, an ninh lương thực hiện nay đang được giữ vững. Tuy nhiên, vẫn có những thách thức lớn trong tương lai khi dân số đạt trên 100 triệu người, đất nông nghiệp giảm, quốc gia sẽ có nguy cơ cực lớn do các tác động của biến đổi khí hậu. “Vì vậy, câu hỏi đặt ra là, làm thế nào đảm bảo an ninh lương thực cho một dân số lớn trên 100 triệu người?”. Bên cạnh đó, GS Nguyễn Đình Cử cũng nêu lên các thách thức để chuyển đổi hệ thống giáo dục phổ thông từ phát triển chiều rộng sang phát triển chiều sâu, khi dân số độ tuổi học sinh phổ thông ở nước ta sẽ vẫn tiếp tục giảm tuyệt đối. Ông cũng đặt ra vấn đề, làm thế nào để giữ được cân bằng giới tính khi sinh; Xây dựng hệ thống y tế phù hợp với cơ cấu dân số, đáp ứng nhu cầu KHHGĐ, chăm sóc SKSS; Đảm bảo an sinh xã hội, phát huy khả năng của người cao tuổi và sự hòa thuận giữa các thế hệ nhằm đảm bảo cho số người cao tuổi đang gia tăng ở Việt Nam có được cuộc sống tốt nhất về thể chất và tinh thần.

“Bây giờ là lúc Việt Nam cần chuyển hướng chính sách dân số từ chỗ chỉ đặt trọng tâm vào kiểm soát sinh sang trọng tâm gắn dân số với tất cả các mặt của phát triển, lồng ghép dân số vào lập kế hoạch phát triển nhằm tận dụng thành công những biến đổi trong dân số cho phát triển kinh tế – xã hội và phục vụ phát triển bền vững”, ông Đinh Văn Cương nhấn mạnh. Chia sẻ quan điểm này, bà Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện UNFPA cho rằng: Việt Nam đã bước vào giai đoạn “dân số vàng”. Tuy nhiên, “cơ hội vàng” không tự chuyển hóa thành lợi tức cho nền kinh tế Việt Nam nếu không có các chính sách phát triển kịp thời, đúng đắn để tận dụng cơ hội nguồn nhân lực dồi dào, đặc biệt là cải thiện được năng suất lao động vì “cơ hội vàng” sẽ kết thúc sau năm 2040.

Khuyến nghị cho Việt Nam về chính sách thích ứng với biến đổi dân số, các chuyên gia quốc tế đến từ Australia, Mỹ, Đài Loan và Thái Lan đã có nhiều ý kiến rất bổ ích. Theo các chuyên gia quốc tế, những bằng chứng nghiên cứu tình hình các quốc gia cho thấy, mức sinh ở Việt Nam sẽ tiếp tục giảm cho dù đã duy trì ở mức mỗi phụ nữ có hai con trong vòng 10 năm gần đây. Đó là vì mức thu nhập, trình độ giáo dục và tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam ngày càng tăng. May mắn cho Việt Nam là không cần phải áp dụng chính sách khuyến sinh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đây là cơ hội để chính sách dân số Việt Nam hướng đến hỗ trợ các cá nhân và cặp vợ chồng thực hiện hiệu quả quyết định sinh sản của mình, cho dù đó là sinh thêm con hay ngừng không sinh con nữa.  Số liệu từ Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009 và các cuộc khảo sát quy mô rộng cho thấy, Việt Nam đã đạt được các mục tiêu về KHHGĐ và chăm sóc SKSS khá ấn tượng. Trung bình toàn quốc, mỗi phụ nữ chỉ có hai con trong toàn bộ cuộc đời của mình. Điều đó có nghĩa là Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế. Thành tựu về giảm tử vong bà mẹ và tử vong trẻ em của Việt Nam rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, hiện vẫn còn những khác biệt lớn giữa các địa phương, cần phải có sự quan tâm lớn hơn từ các hoạch định chính sách trong những năm tới.

UNFPA luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam

 

“Việt Nam hiện đang ở thời điểm quan trọng trong hoạt động xây dựng kế hoạch chiến lược phát triển kinh tế – xã hội cho những năm tới – giai đoạn 2016 – 2020. Xây dựng các chính sách phù hợp nhằm giải quyết các vấn đề quan trọng, trong đó các vấn đề về dân số và phát triển không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. UNFPA luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thông qua các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật và chia sẻ các kinh nghiệm quốc tế liên quan tới các chính sách dân số”.

Ritsu Nacken, Quyền Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam

Cần cung cấp các dịch vụ KHHGĐ toàn diện

 

“Việt Nam nên tập trung khuyến khích kết hôn và sinh con đối với những nhóm muốn lập gia đình. Đồng thời cần tập trung vào việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ toàn diện; Cần mở rộng sự lựa chọn về các biện pháp tránh thai. Một số ví dụ về chính sách có thể thực hiện như: Trợ cấp các chi phí nuôi dạy con cái cho các bậc cha mẹ ở một mức độ nào đó như chính sách tiền thưởng khi sinh con của Singapore; Tạo điều kiện cho các cặp vợ chồng kết hợp làm việc với chăm sóc con cái”.

GS Gavin Jones, Trường ĐH ANU, Australia

Cần xây dựng hệ thống số liệu dân số đầy đủ

“Do dân số biến đổi nhanh nên việc xây dựng hệ thống số liệu dân số đầy đủ, chính xác, kịp thời. Dự báo tin cậy, phân tích sâu sắc quan hệ dân số và phát triển là cơ sở không thể thiếu cho việc lồng ghép biến đổi dân số vào kế hoạch phát triển và đảm bảo hệ thống chính sách, kế hoạch này hiệu quả. Vì vậy, Việt Nam cần sớm xây dựng hệ thống số liệu dân số đầy đủ, dự báo dân số tin cậy và đẩy mạnh nghiên cứu mối quan hệ dân số và phát triển bền vững”.

GS Nguyễn Đình Cử, Viện Nghiên cứu Dân số, Gia đình và Trẻ em

Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội