Dân số ASEAN đang ở đâu trên bản đồ dân số thế giới? (1)

0
470

GiadinhNet – Ngày 22/11/2015, cộng đồng chung ASEAN đã chính thức được thành lập với 3 trụ cột chính là kinh tế, chính trị-an ninh, văn hóa-xã hội. Một ASEAN đoàn kết với một tầm nhìn, một bản sắc và một dân tộc, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. ASEAN là cộng đồng chung có dân số lớn thứ 3 thế giới (hơn cả EU).

Bài viết dưới đây sẽ cho thấy bức tranh dân số ASEAN đang ở đâu trên bản đồ dân số thế giới, những thách thức đối với lĩnh vực này của cộng đồng chung ASEAN.

Cộng đồng chung ASEAN
Cộng đồng chung ASEAN

Quy mô dân số lớn thứ 3 thế giới và tiếp tục tăng

Số liệu của Liên hợp quốc cho thấy, dân số cộng đồng chung ASEAN hiện nay là 634 triệu người, chiếm 8,6% tổng dân số thế giới. Ngược dòng lịch sử trở lại với năm 1967, thời điểm bắt đầu hình thành cộng đồng với 5 thành viên sáng lập, khi đó, chỉ có 185 triệu người. Đến năm 1999, năm đầu tiên ASEAN có 10 thành viên, dân số là 581 triệu người. Có thể khẳng định rằng, cộng đồng chung ASEAN có quy mô dân số rất lớn! Dân số ASEAN lớn hơn dân số của cộng đồng chung châu Âu và đứng thứ 3 thế giới, sau hai siêu cường dân số là: Trung Quốc và Ấn Độ. Dự báo đến năm 2030, cộng đồng chung ASEAN sẽ có khoảng 725 triệu người và sẽ tăng lên 793 triệu người vào năm 2050.

Trong cộng đồng, Indonesia có quy mô dân số lớn nhất (và đứng thứ tư trên thế giới) với gần 258 triệu người, tiếp đến là Philippines với 101 triệu người. Việt Nam đứng thứ ba cộng đồng với hơn 92 triệu người. Quy mô dân số nhỏ nhất cộng đồng thuộc về Brunei với chưa đầy nửa triệu người. Dự báo mới nhất của Liên hợp quốc, vào năm 2030, quy mô dân số của 3 thành viên đứng đầu khu vực sẽ là: Indonesia: 295 triệu người, Philippines: 123 triệu người, Việt Nam: 105 triệu người và năm 2050 sẽ là: Indonesia: 322 triệu người, Philippines: 148 triệu người, Việt Nam: 113 triệu người.

Quy mô dân số đông sẽ là thách thức lớn cho đảm bao an ninh lương thực, xóa đói, giảm nghèo, dịch vụ an sinh xã hội, an ninh trật tự và tăng trưởng kinh tế của mỗi thành viên cũng như của cả cộng đồng chung. Tuy nhiên, quy mô dân số lớn cũng mang đến lợi thế bởi một thị trường tiêu thụ rộng lớn, bền vững và hấp dẫn các nhà đầu tư đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của cộng đồng cũng như của mỗi thành viên.

Biểu 1: Quy mô dân số các thành viên cộng đồng chung ASEAN, 2012-2050

Nguồn: Inside Investor, sử dụng số liệu của PRB, 2012 World Population Data sheet
Nguồn: Inside Investor, sử dụng số liệu của PRB, 2012 World Population Data sheet

Mật độ dân số

Diện tích đất của cộng đồng chung ASEAN khoảng 4,67 triệu km2, chiếm 3% tổng diện tích đất trái đất. ASEAN có vùng biển rộng gấp khoảng 3 lần diện tích đất liền. Theo Liên hợp quốc, mật độ dân số của cộng đồng chung ASEAN là 146 người/km2. Mật độ này gần bằng 1/3 mật độ dân số thế giới nhưng chỉ bằng 1/6 so với mật độ dân số châu Á. Thành viên có mật độ dân số chật chội nhất là Singapore với hơn 8 ngàn người/km2, bỏ xa thành viên đứng ở vị trí thứ 2 là Philippines với 338 người/km2. Singapore là một quốc gia đặc biệt còn được gọi là “nhà nước-thành phố” (city-state) có diện tích 718,3km2, tương đương đảo Phú Quốc (Việt Nam). Thưa thớt nhất cộng đồng là Lào với khoảng 30 người/km2. Việt Nam đứng ở vị trí thứ 4 của cộng đồng với 273 người/km2, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê (2014).

Bảng 1: Mật độ dân số cộng đồng chung ASEAN, 2015

(**) Quan sát viên(*) Nguồn TCTK, Kết quả chủ yếu Điều tra giữa kỳ 1/4/2014. Nguồn: UN, World Population Prospects: The 2015 Revision
(**) Quan sát viên(*) Nguồn TCTK, Kết quả chủ yếu Điều tra giữa kỳ 1/4/2014. Nguồn: UN, World Population Prospects: The 2015 Revision

Chuyển đổi nhân khẩu mạnh mẽ trong 3 thập kỷ tới

Tháp dân số của cộng đồng chung ASEAN cho thấy có sự khác biệt lớn giữa năm 2015 với 2050. Năm 2015, mức sinh còn cao (trung bình 2,4 con/1 phụ nữ 15-49) nên tháp có hình tam giác với đáy tháp lớn và thu hẹp dần theo các nhóm tuổi lên đến đỉnh. Đến năm 2050, mức sinh giảm xuống chỉ còn 1,94 con/1 phụ nữ 15-49 nên tháp có hình trụ. Điều này cho thấy có sự chuyển đổi nhân khẩu rõ rệt trong hơn 3 thập kỷ tới của cộng đồng chung ASEAN.

Biểu 2: Tháp Dân số ASEAN 2015-2050

Tháp Dân số ASEAN, 2015Tháp Dân số ASEAN, 2050

Nguồn: Tác giả vẽ trên cơ sở số liệu của UN, World Population Prospects: The 2015 Revision

Nhóm dân số trẻ em (0-14 tuổi) giảm từ 26,5% năm 2015 xuống 22,8 % năm 2030 và còn 19,5% năm 2050. Trong khi đó nhóm dân số già (65+ tuổi) lại tăng từ 5,94% năm 2015 lên 9,9% năm 2030 và lên đến 15,6% vào năm 2050. Biểu đồ dưới đây sẽ cho thấy sự chuyển đổi cơ cấu dân số trong ASEAN trong hơn 3 thập kỷ tới.

Biểu 3: Cơ cấu dân số ASEAN chia theo nhóm tuổi, 2015-2050

Nguồn: UN, World Population Prospects: The 2015 Revision
Nguồn: UN, World Population Prospects: The 2015 Revision

Mức sinh cao, rất khác biệt nhưng xu hướng giảm

Số liệu của Văn phòng Tham chiếu Dân số Hoa Kỳ cho thấy, số con trung bình của một phụ nữ ASEAN trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay là 2,4 con. Nếu coi mức 2,1 con là mức sinh thay thế của cộng đồng chung thì ASEAN chưa đạt mức sinh thay thế. Mức sinh trên thế giới năm 2015 là 2,5 con/1 phụ nữ 15-49 trong khi đó của châu Á chỉ có 2,2 con/1 phụ nữ 15-49. Như vậy, mức sinh của ASEAN cao hơn của mức sinh của châu Á. Mức sinh của cộng đồng rất khác biệt, thành viên thì quá cao (Lào: 3,1con), thành viên lại quá thấp (Singapore: 1,3 con). Có thể chia thành 3 nhóm như sau:

Bảng 2: Tổng tỷ suất sinh của các thành viên cộng đồng chung ASEAN, 2015

(Số con/1 phụ nữ tuổi 15-49)


(*) Quan sát viên.Nguồn: Population Reference Bureau, 2015 World Population Data Sheet

(*) Quan sát viên.

Nguồn: Population Reference Bureau, 2015 World Population Data Sheet

Tuy nhiên, để đạt được mức sinh như hiện nay, ASEAN phải trải qua một chặng đường dài. Năm 1950, trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của khu vực có tới 6 con. Sau 50 năm, đến năm 2000, mức sinh của ASEAN mới giảm xuống còn 2,65 con/1 phụ nữ tuổi 15-49. Số liệu bảng 3 cho thấy, mặc dù mức sinh của Lào vẫn còn cao nhưng đã giảm đi một nửa trong 40 năm qua từ 6,15 (1975) xuống còn 3,1 (2015). Tương tự, Myanmar giảm từ 5,21 xuống còn 2,3 con; Cambodia giảm từ 5,42 xuống còn 2,7 con; Philippines giảm từ 5,46 xuống còn 2,9 con vào các năm tương ứng.

Bảng 3: Tổng tỷ suất sinh của các thành viên cộng đồng chung ASEAN, 1975-2015

(Số con/1 phụ nữ tuổi 15-49)


(*) Quan sát viênNguồn: UN, World Population Prospects: The 2015 Revision Population Reference Bureau, 2015 World Population Data Sheet

(*) Quan sát viên

Nguồn: UN, World Population Prospects: The 2015 Revision Population Reference Bureau, 2015 World Population Data Sheet

Dự báo của Liên hợp quốc cho thấy, mức sinh của ASEAN sẽ giảm xuống 2,1 con vào năm 2030 và xuống còn 1,94 vào năm 2050. Vào năm 2030, ASEAN có 4/10 thành viên có mức sinh trên 2,1 con là Philippines (2,59 con), Lào (2,34 con), Cambodia (2,27 con) và Indonesia (2,14 con). Tuy nhiên, đến năm 2050, có tới 9/10 thành viên ASEAN có mức sinh dưới 2,1 con. Trong đó thấp nhất là Singapore (1,38 con), Thailand (1,58 con) và Brunei (1,69 con). Thành viên duy nhất có mức sinh trên 2,1 con là Philippines (2,2 con). Singapore là trường hợp điển hình bởi từ năm 1975-1980, mức sinh của Singapore đã là 1,84 và liên tục giảm.

Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai thấp, nhu cầu phương tiện tránh thai lớn

Báo cáo Tình trạng sử dụng các biện pháp tránh thai trên thế giới năm 2015 của Liên hợp quốc cho thấy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của cộng đồng chung ASEAN là 62%, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 54%. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai khá cao tại một số quốc gia thành viên như Thailand (78,5%), Việt Nam (76,8%), Singapore (66%). Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp tại hầu hết các thành viên còn lại như Myanmar (52%), Lào (53,6%), Philippines (54,8%). Nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình tại các thành viên này vì thế còn cao như tại Lào, Philippines là 18%, Myanmar: 16%.

Bảng 4: Khả năng đáp ứng nhu cầu KHHGĐ ASEAN, 2015


(*) Quan sát viên.Nguồn: UNFPA,The State of World Population 2015

(*) Quan sát viên.

Nguồn: UNFPA,The State of World Population 2015

Ngược trở lại 25 năm về trước, năm 1990, số liệu của nhóm nghiên cứu do Leontine Alkema và các cộng sự thực hiện cho thấy tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của Myanmar chỉ có 16,2% và Lào là 14%. Nhu cầu chưa được đáp ứng của Myanmar là 26%, Philippines: 28% và của Lào tới 32,1%. Điều đó cho thấy là mặc dù tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai tại các thành viên nêu trên thấp như vậy nhưng đã là một nỗ lực rất lớn trong hơn 2 thập kỷ qua.

Về cơ cấu sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại, Báo cáo sử dụng biện pháp tránh thai năm 2013 của Liên hợp quốc cho thấy, các biện pháp lâm sàng vẫn là lựa chọn chủ yếu của các cặp vợ chồng ASEAN với 35,8% trong khi phi lâm sàng là 20,6%. Tuy nhiên, biện pháp lâm sàng có tỷ lệ sử dụng cao nhất là thuốc tiêm 18,8% cũng không cao hơn nhiều so với biện pháp phi lâm sàng có tỷ lệ sử dụng cao nhất là viên uống tránh thai 16,5%. Chọn Thailand và Myanmar, hai thành viên có tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai cao nhất và thấp nhất để xem xét cơ cấu sử dụng các biện pháp tránh thai. Kết quả cho thấy nếu như tại Thailand, biện pháp được các cặp vợ chồng ưa dùng nhất là viên uống tránh thai (35%) và triệt sản (24,6%) thì tại Myanmar, biện pháp được ưa dùng nhất là thuốc tiêm tránh thai (27,5%) và viên uống tránh thai (11,5%).

Với hơn 170 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện nay sẽ tăng lên hơn 182 triệu vào năm 2030, ASEAN đã, đang và sẽ đối mặt với nhu cầu phương tiện tránh thai ngày càng lớn và đa dạng. Giả sử số phụ nữ trên đều sử dụng các biện pháp tránh thai theo cơ cấu sử dụng năm 2013 của Liên hợp quốc và dựa trên tính toán CYP (Couple-years of protection) của USAIDS, sơ bộ cho thấy, năm 2030, ASEAN cần 16 triệu dụng cụ tử cung, 450 triệu vỉ viên uống tránh thai, 600 triệu liều thuốc tiêm/cấy, 900 triệu chiếc bao cao su. Đó thực sự là một thách thức không nhỏ của ASEAN.

Lực lượng lao động khổng lồ cho tăng trưởng kinh tế

Báo cáo của Liên hợp quốc cho thấy, nhóm dân số trong độ tuổi lao động (15-64) của ASEAN hiện có khoảng 428 triệu người, chiếm 67,5% tổng dân số. Nhóm dân số này sẽ tăng lên khoảng 488 triệu người vào năm 2030 và lên khoảng 515 triệu người vào năm 2050. Tuy nhiên tỷ trọng trong tổng dân số lại giảm xuống 67,3% (năm 2030) và xuống còn 64,9% (năm 2050) do mức sinh giảm và tỷ trọng người cao tuổi tăng.

Với dân số trong độ tuổi lao động khổng lồ (gần bằng quy mô dân số của cả EU), cùng với thị trường có sức mua lớn thứ 3 thế giới, ASEAN thực sự là điểm hút các dòng đầu tư nước ngoài. Số liệu thống kê của ASEAN cho thấy, dòng vốn FDI đổ vào thị trường ASEAN liên tục tăng đến chóng mặt trong hơn một thập kỷ qua, từ 21,8 tỷ US$ năm 2000 lên đến 136 tỷ US$ năm 2014. Thành viên thu hút được dòng vốn này nhiều nhất là Singapore với 72 tỷ US$, chiếm tới 53% tổng vốn FDI vào ASEAN năm 2014, bỏ xa thành viên đứng ở vị trí thứ 2 là Indonesia (với 22,3 tỷ, chiếm 16,4%). Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 với khoảng 9,2 tỷ US$.

Biểu 4: Dòng vốn FDI chảy vào ASEAN, 2000-2014

Nguồn: ASEANstats (aseanstats.asean.org)
Nguồn: ASEANstats (aseanstats.asean.org)

Lĩnh vực thu hút đầu tư nhất vẫn tài chính và bảo hiểm với 43 tỷ US$ (năm 2014), chiếm 31,6% tổng dòng vốn FDI. Điều này cũng cho thấy vì sao Singapore-trung tâm tài chính, thương mại, chứng khoán- vẫn là điểm đến của các dòng FDI vào ASEAN. Tiếp đến là lĩnh vực chế tạo máy, động cơ, buôn bán thương mại, nhà đất, khai thác khoáng sản. Những lĩnh vực “kém” hấp dẫn và ít nhận được sự mặn mà các nhà đầu tư nước ngoài là cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, chất thải, vui chơi giải trí. Đơn giản là các nhà đầu tư thấy ít lợi nhuận! Các dòng FDI đổ vào ASEAN chủ yếu đến từ EU (đứng đầu là Anh, Luxembourg, Netherlands), Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Australia, Hàn Quốc…

Bảng 5: Một số chỉ báo kinh tế ASEAN, 2014

Nguồn: ASEANstats (aseanstats.asean.org)
Nguồn: ASEANstats (aseanstats.asean.org)

Kim ngạch thương mại ASEAN năm 2014 đạt 2,529 tỷ US$, trong đó, thành viên đóng góp nhiều nhất vẫn là Singapore với 776 tỷ US$, chiếm 30,7%. Tiếp đến là Thailand (456 tỷ), Malaysia (443 tỷ), Indonesia (354 tỷ). Việt Nam đứng ở vị trí thứ 5 với 294 tỷ US$, tương đương 11,6% tổng kim ngạch thương mại ASEAN. GDP bình quân đầu người (tính theo sức mua tương đương) của ASEAN năm 2014 là 10,700 US$, trong đó Brunei và Singapore cao nhất với khoảng 83 ngàn US$, thấp nhất là Cambodia, Lào và Myanmar. Năm 2014, ASEAN là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới và thứ 3 châu Á. Việc hình thành một cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), trong đó, cơ bản không có các hàng rào thuế quan, sẽ phát huy thế mạnh của mỗi thành viên tham gia vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, tạo ra sức sản xuất lớn, tăng tính cạnh tranh, xây dựng một khu vực kinh tế năng động để hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Các nhà lãnh đạo ASEAN có tham vọng thúc đẩy AEC trở thành nền kinh tế giàu có (RICH) lớn thứ 4 thế giới vào năm 2030. Để làm được điều đó thì tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của AEC là 6,4% và năm 2030 sẽ đạt 6,625 tỷ US$ GDP. (chữ RICH viết tắt của các chữ: Resilience-Khả năng phục hồi; Inclusiveness-Tính toàn diện; Competitiveness-Cạnh tranh; Harmony-Hài hòa).

Báo cáo Tình trạng sử dụng các biện pháp tránh thai trên thế giới năm 2015 của Liên hợp quốc cho thấy, tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai của cộng đồng chung ASEAN là 62%, trong đó tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại là 54%. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai khá cao tại một số quốc gia thành viên như Thailand (78,5%), Việt Nam (76,8%), Singapore (66%). Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn còn thấp tại hầu hết các thành viên còn lại như Myanmar (52%), Lào (53,6%), Philippines (54,8%). Nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình tại các thành viên này vì thế còn cao như tại Lào, Philippines là 18%, Myanmar: 16%.

Tài liệu tham khảo

1. United Nations, World Population Prospects: The 2015 Revision

2. United Nations, World Population Aging and Development 2015

3. United Nations, World Population Aging and Development 2012

4. United Nations, World Contraceptive Use 2015

5. United Nations, World Mortality 2015

6. United Nations, World Contraceptive Patterns 2013

7. UN, Trends in International Migrant stock: the 2015 Revision, 12/2015

8. UNFPA,The State of World Population 2015

9. UNESCAP, Asia-Pacific Migration Report 2015: Migrants’ Contribution to Development, 2015

10. World Health Organization, World Health Statistic 2015

11. World Bank, Live long and Prosper Aging in East Asia and Pacific,2015

12. World Bank, Migrantion and Annual Remittances Data (update as Oct, 2015

13. Population Reference Bureau, 2015 World Population Data Sheet

14. ASEAN, A Blueprint for Growth ASEAN Economic Community 2015: Progress & Key Achievements ASEAN, 2015

15. ASEAN Secretariat, Fact Sheet: ASEAN Community, December 2015

16. ASEANstats (www.aseanstats.asean.org)

17. Asian Development Bank Institute, ASEAN 2030: Toward a Borderless Economic Community, 2014

18. World Economic Forum, The Human Capital Report 2015

19. Nationmaster.com_Population: Contries compared

20. International Food Policy Research Institute, Global Nutrition Report 2015: Actions and Accountability to Advance nutrition and Sustainable Development

21. Leontine Alkema, Vladimira Kantorova, Clare Menozzi, Ann Biddlecom, National, Regional and Global rates and trends in contraceptive prevalence and unmet need for family planning between 1990 and 2015: A systematic and conprehensive analysis, Lancet 2013; 381: 1642–52

22. Philip Martin, Population Reference Bureau, The Global challence of Managing Migration,2013

23. International Labour Organization, Analytical report on the International Labour Migration statistics database in ASEAN:Improving data collection for evidence-based policy-making, 2015

Ths. Lương Quang Đảng/Báo Gia đình & Xã hội

(Còn nữa)