Dân số ASEAN đang ở đâu trên bản đồ dân số thế giới? (2)

0
147

GiadinhNet – Ngày 22/11/2015, cộng đồng chung ASEAN đã chính thức được thành lập với 3 trụ cột chính là kinh tế, chính trị-an ninh, văn hóa-xã hội. Một ASEAN đoàn kết với một tầm nhìn, một bản sắc và một dân tộc, hứa hẹn một tương lai tươi sáng. ASEAN là cộng đồng chung có dân số lớn thứ 3 thế giới (hơn cả EU).

ASEAN ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới

Báo cáo ASEAN năm 2030 cho thấy: Hướng tới một cộng đồng kinh tế không biên giới của Viện Nghiên cứu Ngân hàng Phát triển Châu Á cũng chỉ ra những thách thức mà AEC phải đối mặt như tăng cường ổn định tài chính, kinh tế vĩ mô; hỗ trợ tăng trưởng công bằng, thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế thành viên; thúc đẩy năng lực cạnh tranh và đổi mới; bảo vệ môi trường.

Theo Báo cáo nguồn vốn nhân lực năm 2015 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, chỉ số nguồn vốn con người của các thành viên ASEAN khá cao. Tuy nhiên, có sự khác biệt rất lớn về thứ hạng (trên tổng số 124 nền kinh tế thế giới) giữa các thành viên ASEAN như Singapore xếp thứ 24/124 thì Myanmar xếp thứ 112/124. Việt Nam xếp thứ 59 trên thế giới và thứ 5 khu vực. Chỉ số này được xem xét chủ yếu dựa vào các yếu tố nhân khẩu học, việc làm, giáo dục. Việt Nam có nhiều lợi thế về nhân khẩu học, tỷ lệ tham gia lao động lớn nhưng các yếu tố khác lại chưa cao như chất lượng đào tạo, kỹ năng, dịch vụ đào tạo nhân viên tại nơi làm việc, tỷ lệ lao động trẻ em, tuổi thọ khỏe mạnh, khả năng bắt đầu kinh doanh dễ dàng, khả năng tiếp cận internet ở trường học… Do vậy, việc có lợi thế về nhân khẩu với nguồn lực lao động lớn chỉ là một phần của câu chuyện còn chất lượng nguồn nhân lực mới là vấn đề đáng bàn trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cộng đồng.

Biểu 5: Chỉ số nguồn vốn nhân lực (HCI) các thành viên ASEAN, 2015

Nguồn: World Economic Forum, The Human Capital Report 2015
Nguồn: World Economic Forum, The Human Capital Report 2015

Thách thức trước làn sóng di cư

Số liệu về di cư quốc tế luôn là một thách thức! Các số liệu dù được một số cơ quan có uy tín trên thế giới như Liên hợp quốc hay Ngân hàng thế giới công bố cũng chỉ phản ánh một phần nào đó của thực tế và xu hướng. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, năm 2015 thế giới có hơn 244 triệu người di cư, tăng 41% so với năm 2000. Trong số hơn 244 triệu người di cư đó, có 177 triệu người, chiếm 72%, trong độ tuổi lao động (20-64 tuổi). Trong các dòng di cư trên thế giới thì dòng di cư Nam-Nam là lớn nhất, chiếm gần 40% di cư toàn cầu, tiếp đến là di cư Nam-Bắc rồi mới đến dòng Bắc-Bắc và Bắc-Nam.

Báo cáo năm 2015 của Tổ chức Lao động quốc tế phân tích cơ sở dữ liệu di cư lao động quốc tế của ASEAN trích dẫn nguồn Ngân hàng Thế giới cho thấy, ASEAN có khoảng hơn 10 triệu người di cư quốc tế, trong đó di cư nội khối là 6,8 triệu người. Cũng theo báo cáo này, số liệu ước tính của các thành viên ASEAN thì có tới 21,3 triệu người di cư trong năm qua! Bốn thành viên có tỷ suất nhập cư cao là: Thailand, Singapore, Malaysia và Brunei. Các thành viên còn lại có tỷ suất xuất cư cao và xuất nhiều nhất Philippines, Indonesia, Myanmar. Điểm đến ưa thích của cư dân ASEAN chủ yếu là Hoa Kỳ, Canada, Australia, các nước phát triển ở khu vực Đông Á, vùng Vịnh và EU.

Số liệu thống kê của các báo cáo trên cho thấy, tỷ lệ di cư nam giới của ASEAN cao hơn nữ giới (trừ Singapore có tỷ lệ nữ di cư cao hơn, 55,8%). Nếu như người di cư Brunei, Singapore thường trong độ tuổi sau 30 đến dưới 40 thì ở Malaysia và Thailand lại trẻ hơn 10 tuổi. Lao động di cư bao gồm cả lao động có kỹ năng cao và ít kỹ năng. Singapore luôn là điểm đến hàng đầu cho lao động có kỹ năng của khu vực, trong đó, đông nhất là đến từ Malaysia và Philippines. Năm 2012, có khoảng 53 ngàn sinh viên ngoại quốc sinh sống và học tập tại Singapore. Con số này cao gấp hơn 2 lần so với số sinh viên ngoại quốc ở Thailand và gấp 13 lần so với ở Việt Nam.

Khi lao động có kỹ năng di chuyển từ khu vực có trình độ phát triển cao xuống khu vực có trình độ phát triển thấp hơn thường để làm quản lý, giám sát, tư vấn và ngược lại để làm lao động giản đơn. Di cư giúp điều hòa, mối quan hệ cung-cầu lao động giữa các khu vực, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hấp thụ, trao đổi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, kỹ năng quản lý, tăng cường giao lưu văn hóa, thu hẹp khác biệt, khoảng cách. Số liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy, lượng kiều hối đổ về ASEAN lên đến gần 61 tỷ US$ (2015), chiếm tới gần 3% GDP. Trong đó, lượng kiều hối đổ về Philippines là nhiều nhất lên đến gần 30 tỷ US$, chiếm gần 50% lượng kiều hối khu vực và chiếm tới 10% GDP của Philippines. Tính đến tháng 9/2015, lượng kiều hối đổ về Việt Nam là trên 12 tỷ US$, đứng vị trí thứ 2 khu vực và chiếm khoảng 6,4% GDP của Việt Nam.

Với định hướng phát triển ASEAN thành một trung tâm kinh tế năng động, giàu có trên thế giới, tiếng nói chính trị ngày càng có vai trò và uy tín trên trường quốc tế, ASEAN ngày càng xóa bỏ các rào cản pháp lý trong xuất nhập cảnh thì số lượng người di cư nội khối và ngoại khối sẽ tăng lên nhanh chóng trong thời gian tới.

Tuy nhiên, di cư cũng tiềm ẩn các nguy cơ, thách thức về an ninh nhất là trong bối cảnh các cuộc xung đột sắc tộc, tôn giáo và cả khủng bố vẫn dai dẳng diễn ra với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, ác liệt hơn. Đây đó các vụ khủng bố vẫn diễn ra tại Thailand, Indonesia… cướp đi sinh mạng của hàng trăm, ngàn người, đe dọa nguy cơ bất ổn. Có lẽ một vấn đề vô cùng nóng bỏng trong năm qua của ASEAN là cuộc khủng hoảng di cư với hàng ngàn người Bangladesh, Myanmar len chặt trên những chiếc thuyền mong manh, lênh đênh trên các vùng biển Đông Nam Á ngõ hầu được cập bến Thailand, Malaysia hay Indonesia. Cuộc khủng hoảng di cư khi đó đã khuấy động làng báo quốc tế. Liên hợp quốc đã phải lên tiếng về vấn đề này và thúc giục ASEAN có hành động. Các quan chức ASEAN đã phải nhiều lần nhóm họp nhằm tìm giải pháp tháo gỡ. Cuối cùng Malaysia, Indonesia, Thailand đã cho phép những dòng người này được cập bến, được bố trí chỗ ở tạm nhưng lời giải cho những vấn đề kéo theo khủng hoảng di cư này vẫn còn bỏ ngỏ, chưa hồi kết.

ASEAN với nỗi lo già hóa dân số

ASEAN sẽ bước vào giai đoạn già hóa dân số vào những năm 2030 với khoảng 72 triệu người cao tuổi và con số này sẽ lên đến 124 triệu người cao tuổi vào năm 2050. Đây thực sự là một thách thức rất lớn đối với cộng đồng chung ASEAN. Theo nhận định của Ngân hàng Thế giới, ngay cả những nền kinh tế còn ở trình độ thấp cũng phải đối mặt với vấn đề già hóa dân số.

Trên thế giới hiện nay, cứ 1 giây có 2 người bước vào tuổi 60, tức mỗi năm có gần 58 triệu người 60+. Trung bình cứ 9 người sẽ có 1 người 60+ và tỷ số này sẽ là 5:1 vào năm 2050. Nếu như năm 1950, thế giới có 205 triệu người 60+, năm 2015 là 901 triệu người, chiếm 12,3% dân số thế giới thì năm 2050, sẽ là hơn 2 tỷ người, chiếm 22%.

Biểu 6: Tỷ trọng dân số 60+ ASEAN, 2015-2050

Nguồn: UN, Ageing Population and Development 2012, 2015
Nguồn: UN, Ageing Population and Development 2012, 2015

Già hoá dân số đang diễn ra trên tất cả các khu vực, các quốc gia với các tốc độ khác nhau, trong đó nhanh nhất và nhiều nhất là ở các nước đang phát triển. Trong số hơn 900 triệu người cao tuổi trên thế giới hiện nay thì có tới 67% là ở các nước đang phát triển. Theo báo cáo Già hóa dân số thế giới và Phát triển 2015 của Liên hợp quốc, cộng đồng chung ASEAN hiện có hơn 59 triệu người từ 60+, chiếm 9,3% tổng dân số khu vực. Năm 2050 sẽ tăng lên 24% và trở thành khu vực dân số già. Ba thành viên đang già hóa hiện nay sẽ trở thành siêu già là Singapore, Thailand và Việt Nam trong khi các thành viên khác đều sẽ ở giai đoạn già hóa hoặc dân số già. Mặc dù chưa phải là quốc gia đang già hóa dân số nhưng tổng dân số cao tuổi của Indonesia hiện nay đã lớn hơn cả 3 nước đang già hóa (Singapore, Thailand, Việt Nam) cộng lại.

Dẫu biết rằng tăng tuổi thọ là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của loài người nhưng việc số lượng, tỷ trọng người cao tuổi tăng lên nhanh chóng trong khi trình độ phát triển kinh tế-xã hội, y tế, an sinh xã hội còn ở mức nhất định sẽ là những thách thức không nhỏ đối với các thành viên nói riêng cũng như của cộng đồng ASEAN nói chung. Già hóa dân số cũng chính là một trong những nội dung ưu tiên của Hội nghị các quan chức cấp cao y tế ASEAN lần thứ 10 (2015).

Bảng 6: Một số chỉ báo liên quan đến người cao tuổi ASEAN, 2015


(*) Quan sát viênNguồn: UN, Population Ageing and Development 2015; World Population Ageing Report 2015

(*) Quan sát viên

Nguồn: UN, Population Ageing and Development 2015; World Population Ageing Report 2015

Mức chết của bà mẹ, trẻ em còn cao và rất khác biệt

Báo cáo của Tổ chức Y tế (2015) cho thấy, nếu như tại Singapore, cứ 1 ngàn trẻ sinh ra sống chỉ có 2,2 em dưới 1 tuổi tử vong và tại Malaysia, con số này là 7,2 em thì tại Cambodia lên đến 33 em, Myanmar: 40 em và tại Lào có tới 54 em tử vong. Nếu tính ở nhóm dưới 5 tuổi thì mức tử vong tại các nước thành viên này còn cao hơn nữa: Lào: 72 em, Myanmar: 51 em và Cambodia: 38 em trong khi tại Singapore chỉ có 3 em và tại Malaysia là 9 em, Brunei là 10 em. Tỷ số tử vong bà mẹ cũng rất khác biệt giữa các thành viên của cộng đồng chung. Tại Lào có tới 220 bà mẹ tử vong trong thời kỳ mang thai và sinh nở (tính trên 100 ngàn trẻ đẻ sống), Myanmar là 200 bà mẹ, Indonesia: 190 bà mẹ, Cambodia: 161 bà mẹ trong khi tại Malaysia: 29 bà mẹ, Thailand: 26 bà mẹ và tại Singapore chỉ có 6 bà mẹ tử vong.

Mức tử vong trẻ em dưới 1 tuổi tại Lào, Myanmar tương ứng với châu Phi và cao hơn mức trung bình của châu Á. Báo cáo Dinh dưỡng toàn cầu và báo cáo Thống kê y tế thế giới năm 2015 cho thấy, tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thấp còi của Lào là 43,8% và tỷ lệ trẻ sơ sinh nhẹ cân 14,8%. Trong khi tại Việt Nam, tỷ lệ này tương ứng là 19,4% và 5,1% nhưng tỷ lệ béo phì trẻ em ở Việt Nam cũng lên tới 4,6% (năm 2013). Tỷ lệ trẻ sinh ra ở nông thôn Lào có cô đỡ/nhân viên y tế chỉ có 31% trong khi tỷ lệ này tại Việt Nam là 90% và ở thành thị là 99%. Khoảng 30% dân số tại Lào và Cambodia chưa có nước sạch để sử dụng. Đây thực sự là một thách thức lớn của Lào, Cambodia, Myanmar nói riêng và của ASEAN nói chung trong nỗ lực giảm mức tử vong bà mẹ, trẻ em, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân cộng đồng, giảm sự quá khác biệt giữa các thành viên.

Mức tử vong của bà mẹ, trẻ em liên quan chặt chẽ đến chế độ dinh dưỡng, số lần mang thai, mang thai ngoài ý muốn và sinh nở của bà mẹ, tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai… Bảng 4 dưới đây sẽ cho thấy rõ hơn mối tương quan đó.

Bảng 7: Một số chỉ báo nhân khẩu học của các thành viên cộng đồng chung ASEAN, 2015

(*) Số liệu tính chung cả khu vực bao gồm Timor-Leste. Số liệu của PRB, 2015

(**) Quan sát viên

Nguồn: PRB, 2015 World Population Data Sheet; WHO, World Health Statistic 2015,UN, World Mortality 2015

Dân số luôn là yếu tố đầu vào cho bất cứ kế hoạch phát triển của ASEAN và nâng cao chất lượng cuộc sống về mọi mặt của mỗi cá nhân, công dân ASEAN luôn là mục tiêu hàng đầu của các nhà lãnh đạo ASEAN. Đoàn kết vì một ASEAN phát triển, hòa bình, thịnh vượng luôn là mong mỏi của bất cứ công dân ASEAN nào.

Tài liệu tham khảo

1. United Nations, World Population Prospects: The 2015 Revision

2. United Nations, World Population Aging and Development 2015

3. United Nations, World Population Aging and Development 2012

4. United Nations, World Contraceptive Use 2015

5. United Nations, World Mortality 2015

6. United Nations, World Contraceptive Patterns 2013

7. UN, Trends in International Migrant stock: the 2015 Revision, 12/2015

8. UNFPA,The State of World Population 2015

9. UNESCAP, Asia-Pacific Migration Report 2015: Migrants’ Contribution to Development, 2015

10. World Health Organization, World Health Statistic 2015

11. World Bank, Live long and Prosper Aging in East Asia and Pacific,2015

12. World Bank, Migrantion and Annual Remittances Data (update as Oct, 2015

13. Population Reference Bureau, 2015 World Population Data Sheet

14. ASEAN, A Blueprint for Growth ASEAN Economic Community 2015: Progress & Key Achievements ASEAN, 2015

15. ASEAN Secretariat, Fact Sheet: ASEAN Community, December 2015

16. ASEANstats (www.aseanstats.asean.org)

17. Asian Development Bank Institute, ASEAN 2030: Toward a Borderless Economic Community, 2014

18. World Economic Forum, The Human Capital Report 2015

19. Nationmaster.com_Population: Contries compared

20. International Food Policy Research Institute, Global Nutrition Report 2015: Actions and Accountability to Advance nutrition and Sustainable Development

21. Leontine Alkema, Vladimira Kantorova, Clare Menozzi, Ann Biddlecom, National, Regional and Global rates and trends in contraceptive prevalence and unmet need for family planning between 1990 and 2015: A systematic and conprehensive analysis, Lancet 2013; 381: 1642–52

22. Philip Martin, Population Reference Bureau, The Global challence of Managing Migration,2013

23. International Labour Organization, Analytical report on the International Labour Migration statistics database in ASEAN:Improving data collection for evidence-based policy-making, 2015

Ths. Lương Quang Đảng/Báo Gia đình & Xã hội