Chuyện buồn ở buôn đẻ nhiều

0
118

GiadinhNet – Buôn Ea Rớt, xã Cư Elang, huyện Ea Kar (Đắk Lắk) hiện có 248 hộ, với 1.071 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Ê Đê sinh sống. Nhiều năm nay, nơi đây được biết đến bởi tình trạng sinh đông và nghèo đói. Cái nghèo không chỉ khiến những đứa trẻ phải bỏ học sớm, sống lam lũ mà tương lai của chúng cũng mù mịt.

Chị H’Nhinh Niê sinh năm 1972 ở buôn Ea rớt. Sau khi lấy chồng, chị lần lượt sinh 5 người con (người con đầu năm nay 14 tuổi còn người con út vừa lên 4 tuổi). Những năm tháng mang nặng đẻ đau đã làm cho chị H’Nhinh vốn đã gầy ốm nay càng thêm tiều tụy. Gia đình có 7 nhân khẩu nhưng không có đất làm nương, làm rẫy.

Từ lâu nay, chồng của chị là anh Y Knul Byă ngày ngày vẫn quen với cảnh làm thuê, làm mướn còn chị thì đi cào phân bò để bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tuy vậy, nhiều hôm gạo cũng không đủ ăn, còn chuyện mua sắm quần áo, sách vở cho các con là một thách thức lớn đối với anh chị.

3 người con đầu của họ chưa học đến lớp 5 đã lần lượt phải bỏ học để theo mẹ đi làm. Trong đó, đáng thương nhất là cháu H’Khanh Niê (người con thứ 2) đang học lớp 4, năm nào cũng được tặng giấy khen về thành tích học tập, nhưng mới đây cháu đột ngột phải bỏ học giữa chừng vì không có tiền nộp.


Chị H’Nhinh Niê bên cạnh những đứa con nheo nhóc. Ảnh: Võ Thảo

Chị H’Nhinh Niê bên cạnh những đứa con nheo nhóc. Ảnh: Võ Thảo

Còn chị H’Drô Niê sinh ra và lớn lên trong gia đình có 4 anh chị em. Do bố mẹ nghèo nên chị phải bỏ học sớm rồi đi lấy chồng khi mới 14 tuổi. Hiện tại, chị H’Drô đã sinh được 3 người con (người con đầu 7 tuổi nhưng cũng chưa được đi học, còn người con thứ ba vừa tròn 10 tháng tuổi). Nhà chị có 8 sào đất rẫy nhưng không có tiền đầu tư nên dù trồng bắp hay trồng sắn thì thu nhập cũng không đủ sống.

Ngoài những ngày mùa, anh Y Gia Niê (chồng của chị H’Drô) phải oằn mình đi làm thợ hồ, bốc vác…; những ngày không có ai thuê thì xuống suối bắt con tôm, con cá để cải thiện bữa ăn. Ông Y Va Niê là bố của chị H’Drô cho biết: “Nhà nó nghèo lắm, làm sáng ăn trưa, làm trưa ăn tối nên không có tiền cho con đi học”.

Qua tìm hiểu thực tế, buôn Ea Rớt hiện có 186 phụ nữ từ 15-49 tuổi có chồng thì có đến 93 chị

sinh con thứ 3 trở lên

(phổ biến nhất là 5,6 người con, thậm chí có người sinh 10 người con). Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên năm nào cũng xảy ra và chưa có dấu hiệu giảm xuống.Hiện tại, vẫn còn 42 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ chưa sử dụng biện pháp tránh thai (trong đó có 12 cặp đã sinh 2 người con và 20 cặp đã sinh 3 người con). Nguyên nhân chính là do trình độ dân trí thấp, tư tưởng thích sinh đông con để có lao động làm việc vẫn còn in đậm trong suy nghĩ của người dân nơi đây.

Chị Nguyễn Thị Chuyền – Phó Ban dân số xã Cư Elang cho biết thêm: “Trong thời gian gần đây, Ban dân số chú trọng nhiều hơn các hoạt động truyền thông ở buôn Ea Rớt, tuy nhiên hiệu quả rất thấp. Khi tổ chức tư vấn các biện pháp tránh thai thì đối tượng cũng đi nghe, nhưng về nhà thì không áp dụng, hoặc áp dụng không đúng cách dẫn đến vỡ kế hoạch. Còn khi cán bộ dân số đến từng nhà để tư vấn, vận động kế hoạch hóa gia đình thì nhiều đối tượng không hợp tác. Có người còn bảo thủ cho rằng “trời sinh voi, trời sinh cỏ” hoặc “tao đẻ, tao nuôi”’

Do sinh đông và sinh dày cùng với tập quán canh tác lạc hậu đã làm cho nhiều gia đình ở buôn Ea Rớt vẫn chưa thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn của đói nghèo, lạc hậu. Nhiều trẻ em phải bỏ học sớm, lam lũ kiếm sống, tương lai của chúng cũng mù mịt.

Năm 2015, buôn Ea Rớt có 91,1% hộ nghèo, năm học 2015-2016 có 12 em bỏ học giữa chừng… Chính vì thế, câu chuyện buồn ở buôn Ea Rớt chưa biết khi nào kết thúc.

Võ Thảo/Báo Gia đình & Xã hội