Toàn xã hội chăm sóc thế hệ trẻ

0
116

GiadinhNet – Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), “thanh niên” gồm những người thuộc độ tuổi từ 15 đến 24 tuổi. Ở Việt Nam, thanh niên được quy định trong Luật Thanh niên sửa đổi năm 2005 (Luật số 53/2005/QH11) là công dân Việt Nam từ đủ 16 tuổi đến 30 tuổi.


Đầu tư cho thanh niên phát triển toàn diện, có trình độ học vấn, có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống. Ảnh: dương Ngọc

Đầu tư cho thanh niên phát triển toàn diện, có trình độ học vấn, có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống. Ảnh: dương Ngọc

Tiềm năng tương lai của đất nước

Thanh niên Việt Nam ngày nay lạc quan và tràn đầy hy vọng. Họ nhìn thấy tương lai với những cơ hội mở rộng hơn thế hệ cha mẹ, đồng thời có nhiều hoài bão về học tập và làm việc. Đầu tư chăm sóc cho thế hệ trẻ chính là sự đầu tư sáng suốt cho tương lai.

Số liệu Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở Việt Nam năm 2009 cho thấy thanh niên 15-24 tuổi là nhóm dân số lớn nhất. Nhóm dân số này không chỉ tạo ra sự thay đổi cơ bản về mặt nhân khẩu học mà còn đại diện cho tiềm năng tương lai của đất nước. Thanh niên ngày càng khẳng định vai trò và bản sắc của mình cùng với quá trình đổi mới không ngừng về kinh tế-xã hội ở Việt Nam, cũng như xu hướng toàn cầu hóa. Tình trạng hôn nhân và sinh sản của thanh niên Việt Nam đã có những thay đổi. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu tăng lên, từ 22,8 tuổi đối với nữ và 25,4 tuổi đối với nam (năm 1999), giữ nguyên đối với nữ, nhưng tăng lên 26,2 tuổi đối với nam (năm 2009). Mô hình sinh của Việt Nam đang tiếp tục chuyển từ sinh sớm sang sinh muộn dựa trên phân tích tỷ suất sinh đặc trưng theo độ tuổi (được hiểu là số con trung bình do 1.000 phụ nữ thuộc một độ tuổi hoặc nhóm tuổi nhất định sinh ra trong năm). Xu hướng này cho thấy Việt Nam đã bước vào giai đoạn “cơ hội dân số vàng”, thanh niên đang có xu hướng kết hôn muộn hơn và sinh ít con hơn- Điều này tác động lớn đến các xu hướng về tăng trưởng dân số và cơ cấu gia đình Việt Nam trong tương lai.

Tình trạng giáo dục đào tạo thanh niên của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Việt Nam đã đạt được các chỉ tiêu đề ra trong Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDG) về phổ cập giáo dục tiểu học, nâng cao bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ. Tỷ lệ biết đọc biết viết của dân số (từ 15 tuổi trở lên) ở Việt Nam tăng từ 90% năm 1999 lên 93,5% năm 2009. Sự khác biệt về tỷ lệ biết đọc biết viết giữa nam và nữ thanh niên đã giảm mạnh so với các nhóm dân số khác cho thấy những kết quả đáng khích lệ. Cùng với tỷ lệ biết đọc biết viết cao, các chỉ số về tỷ lệ đi học cũng cho thấy kết quả khả quan về thế hệ thanh niên hiện nay.

Thanh niên trong độ tuổi 15-24 hiện có xu hướng di cư đến các đô thị lớn. Việc di cư này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển cho đô thị. Điều này càng có ý nghĩa khi chính sách phát triển đô thị có tính đến các dòng di cư và sự biến động dân số. Khi đó người di cư có thêm cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội và việc làm. Do nữ giới chiếm tỷ trọng lớn trong số thanh niên di cư nên việc cung cấp kịp thời các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhằm bảo vệ họ trước các rủi ro không đáng có là điều rất cần thiết.

Quyền và nghĩa vụ bảo vệ sức khoẻ của giới trẻ

Cần tạo môi trường và điều kiện để khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng, nâng cao kỹ năng sống và làm việc. Ảnh: Dương Ngọc
Cần tạo môi trường và điều kiện để khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng, nâng cao kỹ năng sống và làm việc. Ảnh: Dương Ngọc

Điều 14 (khoản 1 – 3) của Luật Thanh niên đã ghi rõ quyền và nghĩa vụ bảo vệ sức khoẻ của giới trẻ: Thanh niên được bảo vệ, chăm sóc, hướng dẫn nâng cao sức khoẻ, kỹ năng sống lành mạnh, phòng ngừa bệnh tật; Phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống ma tuý và các tệ nạn xã hội khác.

Điều 21 Luật Thanh niên cũng đã quy định: Nhà nước có chính sách đầu tư và khuyến khích các tổ chức, cá nhân xây dựng các cơ sở y tế, cơ sở hoạt động thể dục, thể thao; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ cho thanh niên, tổ chức tư vấn cho thanh niên về dinh dưỡng, sức khoẻ tinh thần, sức khoẻ sinh sản, kỹ năng sống, phòng, chống ma tuý, HIV/AIDS, phòng ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục và các bệnh xã hội khác; Gia đình có trách nhiệm chăm sóc nâng cao sức khoẻ, phát triển thể chất cho ý kiến của thanh niên hoặc tổ chức thanh niên; Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức khác của thanh niên có trách nhiệm khuyến khích thanh niên luyện tập thể dục, thể thao, thực hiện nếp sống vệ sinh, lành mạnh; Các tổ chức thanh niên có trách nhiệm vận động thanh niên không nghiện rượu, không say rượu, không hút thuốc lá.

Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 xác định một trong những mục tiêu cụ thể: “Từng bước nâng cao sức khỏe, thể lực và tầm vóc cho thanh niên; có năng lực tự học, tự đào tạo; có kỹ năng sống, để thích ứng với môi trường sống và làm việc” với các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2020, có ít nhất 80% thanh niên được trang bị kỹ năng sống, kiến thức về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình; hàng năm tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm cha mẹ cho ít nhất 200.000 thanh niên đến tuổi kết hôn…

Hình thành nguồn nhân lực trẻ

Để đạt được những mục tiêu đó cần thực hiện một loạt giải pháp, bao gồm: Nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện về học tập, lao động, giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ cho thế hệ trẻ; Tăng cường đầu tư đổi mới hoạt động thể chất và phong trào thể dục thể thao, tạo điều kiện cho thanh thiếu niên tích cực tham gia hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện thể chất; Nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, giáo dục sức khỏe sinh sản và giáo dục tiền hôn nhân cho thanh niên. Tiếp tục thực hiện các chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về dân số, chăm sóc sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong thanh niên; Tạo môi trường và điều kiện để khuyến khích thanh niên tham gia các hoạt động cộng đồng, nâng cao kỹ năng sống và làm việc cho thanh niên. Khuyến khích thanh niên tự bảo vệ mình trước các tệ nạn xã hội, các sản phẩm phản văn hóa, tệ nạn ma túy, mại dâm; Tạo điều kiện để Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các tổ chức thanh niên động viên thanh niên xung kích tham gia phòng chống các tệ nạn xã hội, phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm, lạm dụng rượu, bia, thuốc lá; Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh cho thanh niên, nâng cao thể chất và tinh thần, kỹ năng sống, kiến thức về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên.

Đầu tư cho thanh niên phát triển toàn diện, có trình độ học vấn, có văn hóa, sức khỏe, kỹ năng sống và ý chí vươn lên chính là hình thành nguồn nhân lực trẻ có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đến 2020: ít nhất 80% thanh niên được trang bị kỹ năng sống

Quyết định số 2474/QĐ-TTg ngày 30/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011 – 2020 xác định một trong những mục tiêu cụ thể: “Từng bước nâng cao sức khỏe, thể lực và tầm vóc cho thanh niên; có năng lực tự học, tự đào tạo; có kỹ năng sống, để thích ứng với môi trường sống và làm việc” với các mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2020, có ít nhất 80% thanh niên được trang bị kỹ năng sống, kiến thức về bình đẳng giới, sức khỏe sinh sản, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống bạo lực gia đình; hàng năm tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng làm cha mẹ cho ít nhất 200.000 thanh niên đến tuổi kết hôn…

Võ Anh Dũng

(nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, thông tin và dữ liệu –Tổng cục DS-KHHGĐ)