GiadinhNet – Ngày 24/2, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo hướng dẫn triển khai công tác DS-KHHGĐ năm 2017 tại Hải Dương, với sự tham gia của 31 tỉnh, thành phố phía Bắc. Đây là hội thảo nhằm định hướng và đưa ra các giải pháp để thực hiện mục tiêu đề ra trong bối cảnh khó khăn, kinh phí hoạt động thấp hơn nhiều so với những năm trước đây.
Năm 2017, công tác DS-KHHGĐ vẫn tiếp tục đối diện với những thách thức nên rất cần sự chủ động vượt khó của toàn ngành. Ảnh: PV.
Khó khăn do kinh phí giao chậm và thấp
Theo báo cáo của Tổng cục DS-KHHGĐ, đến hết năm 2016, Chương trình mục tiêu Y tế – Dân số chưa được Chính phủ phê duyệt; kinh phí Chương trình Dân số đến 15/11 mới được tạm ứng đợt 1 với tỉ lệ chưa bằng 1/2 dự toán dự kiến được giao cho năm 2016 và không có giao tạm ứng đợt 2.
Việc giao kinh phí chậm và thấp làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ và chất lượng các hoạt động theo kế hoạch của Tổng cục DS-KHHGĐ nói riêng, của các địa phương và cả lĩnh vực DS-KHHGĐ nói chung. Nhiều tỉnh, thành phố bị động trong việc bố trí kinh phí để triển khai hoạt động của Chương trình, thậm chí có nhiều địa phương đến hết năm 2016, các cộng tác viên vẫn chưa nhận được số tiền phụ cấp 100.000 đồng/tháng của mình.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết: Với việc cắt giảm nguồn kinh phí cho Chương trình mục tiêu Quốc gia về Dân số trong thời gian vừa qua đã ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện các nội dung hoạt động và chương trình, chỉ tiêu. Trên thực tế, trong 8 chỉ tiêu, hướng dẫn mà ngành Dân số phải thực hiện trong năm 2016, chỉ đạt được 3 chỉ tiêu, còn 5 chỉ tiêu không đạt được. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng nguyên nhân trực tiếp là do nguồn kinh phí cấp chậm, cấp ít.
Đứng trước những khó khăn, thách thức trên, ngay từ đầu năm 2016, lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ đã chủ động tham mưu với lãnh đạo Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương tạm ứng kinh phí từ nguồn của địa phương và huy động từ các nguồn khác (gồm cả nguồn từ cá nhân cán bộ, công chức, viên chức) để thực hiện các hoạt động về tuyên truyền, cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; các hoạt động về nâng cao chất lượng dân số, kiểm soát tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng…
Trong việc thực hiện các hoạt động chuyên môn, Tổng cục DS-KHHGĐ ký với 10 Bộ, ngành đoàn thể Trung ương và nhiều cơ quan truyền thông đại chúng về Chương trình Hành động truyền thông thay đổi hành vi về DS-KHHGĐ giai đoạn 2016-2020. Việc cung cấp dịch vụ này cũng được triển khai một cách có hiệu quả như: Chiến dịch Truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ CSSK tại 2.154 xã vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Hoạt động chẩn đoán, sàng lọc trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm các dị tật bệnh bẩm sinh cho 63/63 tỉnh, thành phố.
Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Văn Tân cho biết: Vấn đề cấp kinh phí cho ngành Dân số là việc hết sức quan trọng và là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu. Đây cũng là thách thức lớn nhất trong năm 2017. Do đó, để khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ. Riêng cấp Trung ương sẽ làm quyết liệt với các cấp có thẩm quyền để bố trí nguồn kinh phí cho Chương trình mục tiêu Dân số. Từ nguồn kinh phí đó sẽ phân bổ cho các địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, các Chi cục DS-KHHGĐ các tỉnh, thành phố, các Sở Y tế chủ động trình cấp có thẩm quyền địa phương theo đúng Luật Ngân sách Nhà nước, phân cấp ngân sách để cho các địa phương thực hiện những nội dung hoạt động đã đề ra đảm bảo thực hiện những mục tiêu chủ yếu của Chương trình .
Ông Nguyễn Văn Tân cũng nhấn mạnh, việc xã hội hóa nguồn kinh phí phải được đẩy mạnh và chú trọng. Tổng cục DS-KHHGĐ đã chủ động xây dựng kế hoạch xã hội hóa và được Bộ Y tế phê duyệt, triển khai tới các địa phương. Các chương trình tiếp thị xã hội với các phương tiện tránh thai để cung cấp cho người dân cũng được đẩy mạnh. Trong đó, có những biện pháp tránh thai có trả tiền và có một phần trợ cấp của Nhà nước để đáp ứng nhu cầu biện pháp tránh thai. Hoạt động sàng lọc trước sinh và sơ sinh, hoạt động chăm sóc người cao tuổi là hướng đang được triển khai, mở rộng.
Năm 2017, công tác DS-KHHGĐ sẽ tập trung chỉ đạo điều hành, đẩy mạnh triển khai các hoạt động của các dự án, Đề án của Chương trình mục tiêu DS-KHHGĐ và các hoạt động khác; phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu năm 2017 như: Chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh 0,1‰; các chỉ tiêu về tỷ số giới tính khi sinh (giảm tốc độ gia tăng 0,4 điểm %); tỷ lệ sàng lọc trước sinh (29% số bà mẹ mang thai); tỷ lệ sàng lọc sơ sinh (50% trẻ sơ sinh). Giảm số người chưa thành niên có thai ngoài ý muốn 5% so với năm 2016. Tổng số người mới sử dụng biện pháp tránh thai đã được giao trong 2017 (5.156.998 người). Tỷ lệ người cao tuổi được chăm sóc dự phòng toàn diện, khám sức khỏe định kỳ và được điều trị khi ốm đau tại các cơ sở y tế: 15% người cao tuổi.
Kết luận Hội nghị, lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ khẳng định, trong việc dự kiến phân bổ nguồn kinh phí, Tổng cục sẽ tiến hành rà soát, trên cơ sở đó sẽ đề nghị Bộ Y tế ra văn bản chính thức. Tuy nhiên, văn bản này chỉ đến cấp tỉnh, còn từ tỉnh trở xuống thì các địa phương chủ động tính toán cho hợp lý. Đặc biệt, các địa phương cần quan tâm đến hệ thống cộng tác viên dân số. Riêng vấn đề miễn phí thuốc tránh thai, Tổng cục DS-KHHGĐ khuyến khích các địa phương giảm mức sinh và trên cơ sở đó tham mưu cho tỉnh cấp nguồn kinh phí phù hợp cho các hoạt động.\
Tại Hội nghị, ý kiến của các tỉnh, thành phố đều tập trung vào các vấn đề chủ chốt như: Dự kiến nguồn kinh phí phân bổ; đề án xã hội hoá 818; vấn đề thuốc tránh thai miễn phí và chăm sóc người cao tuổi. Các đại biểu mong muốn Tổng cục DS-KHHGĐ có văn bản chính thức, cụ thể cho mức chi từng chuyên mục, đề án, qua đó giúp các địa phương tham mưu cho tỉnh được cụ thể. Đồng thời, cần phân cấp mức phân bổ kinh phí đối với các tỉnh có đặc thù riêng, những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phản ánh có nhiều chỉ tiêu cao hơn năm 2016, trong khi nguồn kinh phí khó khăn khó thực hiện được. Thậm chí, nguồn kinh phí cấp cho cộng tác viên dân số không có.
Đức Tùy – Hà Anh