Xã hội hóa công tác sàng lọc trước sinh và sơ sinh

0
146

GiadinhNet – Vừa qua, tại Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ, Tổng cục DS-KHHGĐ đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), báo cáo kết quả thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng dân số thông qua sàng lọc trước sinh và sơ sinh năm 2016 và phương hướng năm 2017, cũng như cập nhật kiến thức sàng lọc, chẩn đoán qua các báo cáo chuyên đề.

Dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. ảnh: P.V
Dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. ảnh: P.V

Hơn 26.000 thai phụ đã tham gia khám thai định kỳ

Nhận thức được tầm quan trọng của thực hiện sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, trong những năm qua, được sự quan tâm hỗ trợ của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), UBND thành phố và Sở Y tế TP Cần Thơ, Trung tâm Sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ) đã thực hiện đạt và vượt nhiều chỉ tiêu được giao, góp phần vào việc tầm soát, phát hiện một số tật, bệnh bẩm sinh và nâng cao chất lượng dân số tại 12 tỉnh ĐBSCL.

Phát biểu tại Hội nghị, TS Lê Cảnh Nhạc – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ đã biểu dương Trung tâm Sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh trong thời gian qua đã triển khai được nhiều hoạt động thiết thực, thu được nhiều kết quả tốt mặc dù năm 2016 là một năm gặp rất nhiều khó khăn. Trung tâm đã thực hiện rất nhiều hoạt động tại 12 tỉnh ĐBSCL, đây cũng là năm thứ hai Trung tâm chịu trách nhiệm phụ trách về chuyên môn, kỹ thuật cho 12 tỉnh thành phố. Phó Tổng cục trưởng Lê Cảnh Nhạc đánh giá cao khi hầu hết các đơn vị gặp nhiều khó khăn về kinh phí nhưng đã nỗ lực phấn đấu để đạt được nhiều thành quả đáng trân trọng.

Năm 2016, kinh phí Chương trình sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh cho các địa phương ĐBSCL cấp chậm và có một nửa, tiếp tục chờ cấp phần còn lại. Vượt qua khó khăn, Trung tâm triển khai nhiều kỹ thuật mới, tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức cộng đồng về lợi ích của sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, tự chi trả các dịch vụ sàng lọc – chẩn đoán; đồng thời, tiếp tục đảm trách đào tạo chuyên môn cho 12 tỉnh ĐBSCL.

Tại Trung tâm, năm 2016, gần 12.000 thai phụ đã tham gia sàng lọc trước sinh (trong tổng số 26.000 thai phụ khám thai định kỳ), chiếm tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 45,5%, đạt hơn 300% so với chỉ tiêu Tổng cục DS-KHHGĐ giao; gần 23.000 thai phụ tham gia siêu âm hình thái thai, phát hiện các trường hợp nguy cơ cao, chọc ối 322 trường hợp, buộc chấm dứt thai kỳ 70 trường hợp; hơn 13.000 trẻ được sàng lọc sơ sinh, phát hiện 162 trường hợp nguy cơ cao, chiếm tỷ lệ 1,2%; hơn 25.000 trẻ sàng lọc tim bẩm sinh và khiếm thính, phát hiện 9 bệnh nhi nguy cơ cao…

Sinh con có trách nhiệm

Các chuyên gia khuyến cáo: TP Cần Thơ hiện đang nằm trong vùng có mức sinh thấp. Do đó, cần chuyển hướng mục tiêu chiến lược dân số, nâng mức sinh đạt mức sinh thay thế với phương châm vận động: Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ hai con. Đồng thời tập trung nâng cao chất lượng dân số thông qua nhiều hoạt động, đặc biệt là Chương trình sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh.

Từ năm 2012, Trung tâm Sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh TP Cần Thơ đã được Tổng cục DS – KHHGĐ phối hợp với thành phố đặt nền móng đầu tư quỹ đất trên 1.600m2, xây dựng trụ sở và trang thiết bị hiện đại đáp ứng nhu cầu thực tế của người dân. Từ năm 2015, Trung tâm đã triển khai thành công kỹ thuật QF-PCR chẩn đoán di truyền trước sinh, bởi thiết bị hiện đại duy nhất khu vực ĐBSCL.

Theo các nhà dân số học, ĐBSCL cần chuyển hướng chiến lược dân số từ kiểm soát mức sinh sang nâng cao chất lượng dân số. Trước hết, ngành Dân số các địa phương phải định hướng tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền có chủ trương, quan tâm các dự án đầu tư kinh phí cho Chương trình về dân số, đặc biệt Chương trình sàng lọc trước sinh và sơ sinh. Song song đó, chú trọng truyền thông để người dân nâng cao hiểu biết về lợi ích của hoạt động sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh, tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân. Chương trình miễn phí cho đối tượng yếu thế (như hộ nghèo, cận nghèo…), còn chủ yếu hướng đến vận động xã hội hóa để người dân tự nguyện tham gia dịch vụ. Qua đó, góp phần chuyển đổi dần nhận thức của cộng đồng, tự chi trả các dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ nói chung, giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước.

Trung tâm Sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh TP Cần Thơ có đặc thù nằm trong vùng mức sinh thấp. Vì thế, vấn đề nâng cao chất lượng dân số được xem là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong chuyển hướng chiến lược dân số ở khu vực ĐBSCL. Các chuyên gia chia sẻ: Dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh được triển khai mang lại hiệu quả thiết thực đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại khu vực.

Đầu tư hơn nữa cho công tác chuyên môn đào tạo

Thay mặt lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ, TS Lê Cảnh Nhạc chỉ đạo: Thời gian tới, Trung tâm Sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh (Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ) cần phối hợp chặt chẽ với Chi cục Dân số và bệnh viện các tỉnh trong vùng, tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động chương trình sàng lọc. TS Lê Cảnh Nhạc nhấn mạnh: Trung tâm cần nắm rõ các quy chuẩn, yêu cầu để triển khai tốt, đáp ứng đầy đủ chất lượng sàng lọc trước sinh, sơ sinh, hạn chế tối đa sai sót; cần đầu tư hơn nữa cho công tác chuyên môn đào tạo, tập huấn, trang bị kiến thức sàng lọc để tư vấn cho người dân. Sở Y tế TP Cần Thơ cần có sự quan tâm, chỉ đạo rốt ráo đối với Trung tâm. Tổng cục DS-KHHGĐ cũng ghi nhận sự cố gắng, phối hợp chặt chẽ của Chi cục Dân số trong thời gian qua đã giúp Trung tâm đạt được nhiều kết quả tốt. Trong năm 2017, hy vọng Trung tâm sẽ vượt qua khó khăn về kinh phí để đẩy mạnh công tác xã hội hóa.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hữu Dự – Giám đốc Bệnh viện Phụ sản TP Cần Thơ , Giám đốc Trung tâm Sàng lọc – Chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã phát biểu tiếp thu chỉ đạo trên và có những đề xuất với Tổng cục DS-KHHGĐ để có thể đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng dân số khu vực ĐBSCL.

Cũng trong dịp này, Tổng cục DS – KHHGĐ đã khen thưởng 4 tập thể và 8 cá nhân có nhiều đóng góp cho công tác sàng lọc – chẩn đoán trước sinh và sơ sinh năm 2016.

Thu Sương