Sự thật phía sau tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh: Nỗ lực nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái

0
272

GiadinhNet – Nối tiếp những nội dung định hướng đã được nêu ra tại Hội thảo tổng kết 1 năm triển khai Đề án Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh (khu vực phía Nam) tổ chức tại Quảng Nam trung tuần tháng 5 vừa qua, trong 2 ngày 23-24/5, tại Vĩnh Phúc, Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) đã phối hợp với Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục tổ chức Hội thảo về Đề án này tại các tỉnh khu vực phía Bắc.

Để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, ngành Dân số đã có nhiều nỗ lực thông qua các chương trình, giải pháp hay như tôn vinh vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. ảnh: P.V
Để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, ngành Dân số đã có nhiều nỗ lực thông qua các chương trình, giải pháp hay như tôn vinh vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. ảnh: P.V

Áp lực từ gia đình, dòng họ

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra tại Hội thảo, tỷ số giới tính khi sinh (GTKS) tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, xu hướng này không giống nhau tại các khu vực trên cả nước. Tại khu vực thành thị, tỷ số GTKS giảm và tăng lên ở khu vực nông thôn. Tại 4 vùng: Trung du và miền núi phía Bắc; Đồng bằng sông Hồng; Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long, tỷ số GTKS có xu hướng tăng. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng vẫn là vùng có tỷ số GTKS cao nhất cả nước và có xu hướng tăng trong 5 năm liền (2009- 2014) từ 115,3 lên 118 trẻ trai/100 trẻ gái. Đáng chú ý, tỷ số GTKS cao ngay trong lần sinh đầu tiên và đặc biệt tăng cao trong lần sinh thứ 3.

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Viết Tiến – Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS), trong đó phải kể đến nguyên nhân người dân ở nhiều địa phương, nhất là các tỉnh thuộc Đồng bằng sông Hồng vẫn còn tồn tại quan niệm “một trăm đứa khóc như ri không bằng một đứa nó đi giật lùi”. Họ cho rằng, con trai mới là người chăm sóc cha mẹ khi về già, do đó, nhiều người cố tìm mọi cách để “đẻ cho bằng được thằng cu, nối dõi tông đường”. Đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi trước và trong khi mang thai.

Thực tế, trong nhiều chuyến công tác tại các địa phương để tìm hiểu về tình trạng MCBGTKS, chúng tôi càng thấy rõ nỗi “đau đáu” và “khát vọng” để sinh được một thằng “chống gậy”. Có ông chồng trở nên cáu bẳn, rượu chè rồi đánh đập vợ con chỉ vì đi ăn cỗ phải ngồi mâm dưới và bị “nói mát” không đẻ được con trai. Hay có những người vợ dù đã nhiều tuổi nhưng vẫn bị ép sinh thêm con vì trước đó đã đẻ toàn con gái. Thậm chí, có nhiều ông chồng “tuyên bố” nếu không đẻ được thằng cu, họ sẵn sàng bỏ vợ để đi “kiếm” một đứa con trai với người khác.

Trước áp lực của gia đình, dòng họ, không ít phụ nữ đã phải tìm trăm phương ngàn kế để cố “nặn” cho bằng được một đứa con trai cho yên cửa yên nhà. Họ tìm đến các phòng khám tư nhân, tính ngày trứng rụng, uống thuốc hay đi siêu âm để phát hiện giới tính thai nhi. Đến khi không đạt được giới tính thai nhi như mong muốn, họ lại sẵn sàng “chối bỏ” quyền được sống của những thai nhi đó bằng các can thiệp của khoa học, kỹ thuật. Đây là một thực tế đáng buồn nhưng vẫn hiển hiện hàng ngày trong đời sống hiện nay.

Khó khăn chồng chất

Có một thực tế: Hiện nay, khi hỏi những phụ nữ đang mang thai về giới tính thai nhi trong bụng thì hầu hết trong số họ đều trả lời đã biết con trai hay con gái (?!). Đây là mặt trái của sự phát triển và lạm dụng các kỹ thuật y tế tiên tiến trong siêu âm để phát hiện giới tính thai nhi.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ công nghệ thông tin cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng MCBGTKS. Không khó để có thể tìm thấy các tài liệu hướng dẫn sinh con theo ý muốn được bày bán trong các nhà sách. Hay chẳng cần phải đi đâu xa, chỉ cần ngồi trước màn hình máy tính gõ các cụm từ: “Sinh con theo ý muốn”; “Bí quyết sinh con trai” trên Google là đã có hàng nghìn kết quả hướng dẫn hiện ra nhan nhản. Điều này gây ra rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi trước khi sinh ở một bộ phận không nhỏ người dân.

Theo số liệu năm 2012 của Viện Nghiên cứu phát triển xã hội, khảo sát trên 7.285 nam giới và phụ nữ đã lập gia đình (độ tuổi từ 18 – 65) tại 9 tỉnh, thành phố cho thấy, thái độ với quy định “nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi” của người dân là khác nhau. Cụ thể, có 67,5% số người được hỏi ủng hộ quy định, trong đó 24,8% cho rằng, nên thực hiện để tránh tình trạng phá thai, ảnh hưởng tới sức khỏe của người phụ nữ; 37, 2% nghĩ, nên thực hiện để không làm MCBGTKS và 8,3% cho biết, nên thực hiện vì con nào cũng là con.

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có 32,5% số người được hỏi không ủng hộ hoặc tỏ thái độ phân vân trước quy định trên. Trong đó, 26,4% đề xuất nới lỏng quy định này vì nhiều gia đình có điều kiện kinh tế muốn có thêm con hoặc muốn có con trai. Còn lại, 3,3% cho biết, nếu sử dụng các biện pháp lựa chọn giới tính thai nhi trước khi mang thai thì có thể chấp nhận được vì sẽ giảm thiểu được tình trạng nạo phá thai sau này.

Theo ông Tạ Duy Quy – Trưởng phòng Thanh tra DS-KHHGĐ, Thanh tra Bộ Y tế: Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng MCBGTKS là sự tuân thủ pháp luật của một số cơ quan, cá nhân chưa nghiêm túc; công tác thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực này chưa thường xuyên. Do đó, để hạn chế tình trạng gia tăng MCBGTKS thì việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi là rất cần thiết và phải được thực hiện một cách lâu dài, thường xuyên.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, GS.TS Nguyễn Viết Tiến nêu rõ: Trong những năm qua, để giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, chúng ta đã có nhiều nỗ lực thông qua các chương trình, giải pháp hay như tôn vinh vai trò, nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái. Tuy nhiên, chúng ta cần phải đánh giá lại những việc đã làm nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại để có những bước đi phù hợp tiếp theo.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh:“Hiện nay, việc xử lý các trường hợp cố tình tiết lộ giới tính thai nhi trước khi sinh là điều rất khó, hay phải nói là vô cùng khó. Do vậy, trong thời gian tới, để can thiệp giảm thiểu tình trạng MCBGTKS, việc giải quyết như thế nào, vận động ra làm sao hay điều chỉnh lại các chủ trương, chính sách về dân số sao cho phù hợp với tình hình thực tiễn của đất nước là những việc làm hết sức quan trọng và cần có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng”.

Tăng cường xử lý hành chính các hành vi vi phạm về việc lựa chọn giới tính thai nhi

Theo Điều 81 của Nghị định số 176/2013/NĐ-CP về xử phạt trong lĩnh vực y tế quy định:

– Phạt tiền từ 1 đến 2 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Tuyên truyền, phổ biến phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; tư vấn phương pháp để có được thai nhi theo ý muốn.

– Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Bán, cho thuê, phân phát, đưa lên mạng Internet xuất bản ấn phẩm có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn; đăng, phát thông tin có nội dung về phương pháp để có được thai nhi theo ý muốn.

– Phạt tiền từ 10 đến 15 triệu đồng đối với hành vi xuất bản ấn phẩm có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn.

Điều 82 quy định:

– Phạt tiền từ 3 đến 5 triệu đồng đối với hành vi bói toán cho người đang mang thai để xác định giới tính thai nhi.

– Phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với các hành vi bắt mạch, siêu âm hoặc xét nghiệm cho người đang mang thai để chẩn đoán và tiết lộ, cung cấp thông tin về giới tính thai nhi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Mai Thùy