Mục tiêu tỷ số giới tính khi sinh năm 2030 dưới 109 bé trai/100 bé gái là “hoàn toàn khả thi”

0
382

GiadinhNet – Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi.

Một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 25/10 là: Tỷ số giới tính khi sinh dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống vào năm 2030.

Hiện nay, tỷ số này ở nước ta là khoảng 112-113 bé trai/100 bé gái. Ông Nguyễn Văn Tân cho biết, mục tiêu này đã được tính toán, nghiên cứu rất kỹ và hoàn toàn khả thi. Đó là bởi, sau khi Nghị quyết được ban hành, cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Ngoài ra, với chính sách không tiếp tục mục tiêu giảm sinh; khắc phục “quy luật dừng” trong dân số; rà soát từng bước với đối tượng đảng viên, các giải pháp về kinh tế, xã hội, đảm bảo an sinh cho người cao tuổi… sẽ là động lực giảm mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta đã ở mức trầm trọng, lan rộng từ thành thị như trước đây ra tất cả mọi nơi như hiện nay. Năm trong sáu vùng kinh tế địa lý (trừ Tây Nguyên) trong tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vùng mất cân bằng giới tính khi sinh nhiều nhất là đồng bằng sông Hồng. Tại vùng này, tỷ số giới tính khi sinh ở mức trên 115 bé trai/100 bé gái. Một số tỉnh thành thậm chí lên tới 120-122/100 như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định…


Mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam đưa tỷ số giới tính khi sinh về dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống

Mục tiêu tới năm 2030, Việt Nam đưa tỷ số giới tính khi sinh về dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống

Việt Nam được đánh giá là nước nằm ở top đầu có tỷ số giới tính khi sinh cao và diễn biến phức tạp. Theo phân tích của các nhà điều tra nhân khẩu học, có những đặc điểm “rất ngạc nhiên” và “rất riêng” của Việt Nam được nhìn thấy từ tỷ số giới tính khi sinh.

Từ cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 1999, khi đó tỷ số giới tính khi sinh là 107 bé trai/100 bé gái. Đến cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2009, tỉ số này là 110,5 và tăng lên 113,8 năm 2013, cho đến nay tỉ số này vẫn dao động xung quanh ngưỡng 112,2.

Điều “ngạc nhiên” đầu tiên tại Việt Nam, tỷ số giới tính khi sinh cao ngay trong lần sinh đầu tiên (110,2/100). Tại lần sinh thứ hai, số liệu cho thấy áp lực sinh con trai đã được giảm bớt và đưa tỷ số giới tính khi sinh quay trở về gần với mức cân bằng sinh học. Tuy nhiên, tại lần sinh thứ ba trở lên, áp lực bắt buộc phải có con trai được thể hiện một cách mạnh mẽ nhất. Tỷ số ở lần này tăng lên rất cao 120,2 bé trai/100 bé gái; đặc biệt là đối với các cặp vợ chồng chưa có con trai, tỉ số này lên tới 148,4/100.

Một điểm “ngạc nhiên” khác, tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam tăng lên theo trình độ học vấn của người mẹ, cos nghĩa là mẹ càng có trình độ học vấn cao, tình trạng chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh càng lớn. Tỷ số này tăng từ mức 106 – 111 ở các bà mẹ có trình độ Tiểu học lên mức 113 ở bậc THPTvà cuối cùng là 115 ở bậc Đại học trở lên (Điều tra Dân số và Nhà ở giữa kỳ 1/4/2014). Với nhóm những bà mẹ với 3 năm đi học, tỷ số này tương tự mức sinh học tự nhiên là 105.

Tỷ lệ thai phụ biết giới tính thai nhi trước khi sinh ở nước ta rất cao, chủ yếu bằng phương pháp siêu âm. Điều tra biến động dân số, 2013 của Tổng cục Thống kê cho thấy: 83% bà mẹ biết giới tính thai nhi trước khi sinh. Theo báo cáo biến động dân số thời điểm 1/4/2015 của Tổng cục Thống kê, bà mẹ biết giới tính trước khi sinh từ 15 đến 28 tuần (74,3%); dưới 15 tuần (23,9%) và trên 28 tuần (1,8%); 98,1% biết giới tính trước khi sinh qua siêu âm.

Sự lạm dụng khoa học, công nghệ đã dẫn tới việc lựa chọn giới tính thai nhi ngày càng lan rộng trên hầu khắp các địa phương. Nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3 – 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, gây hệ lụy cho sự phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Văn Tân cho rằng, để đưa được tỷ số giới tính khi sinh về mức sinh học tự nhiên 103 – 107 bé trai/100 bé gái không chỉ là nỗ lực của ngành DS-KHHGĐ, mà cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị: “Việc giảm tỷ số giới tính khi sinh là một việc rất khó khăn, không thể ngày một ngày hai mà nó đòi hỏi sự kiên trì, quyết liệt của tất cả chúng ta. Đây là một việc rất khó nhưng không thể không làm. Tôi tin rằng với sự đồng lòng, quyết tâm hành động, chúng ta sẽ đưa được tỷ số giới tính khi sinh quay trở về mức bình thường”.

Nghị quyết số 21 cũng nêu rõ: Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học – công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ.

Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh, tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỉ số giới tính khi sinh cao.

T.Nguyên (th)