Hà Nội: Khống chế được tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh

0
114

GiadinhNet – Trong 3 năm liên tiếp, Hà Nội đã thành công trong việc kìm được tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS). Trong bối cảnh chung, TSGTKS cả nước còn diễn biến phức tạp và vẫn có xu hướng tăng, việc Hà Nội khống chế được tỉ số này là một tín hiệu tốt. Đây là một trong những nội dung được đánh giá cao tại Hội nghị đánh giá công tác dân số năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 do Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ TP Hà Nội tổ chức ngày 10/1.


Truyền thông về giới tính cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: M.V

Truyền thông về giới tính cho học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Ba Đình, Hà Nội. Ảnh: M.V

Triển khai mạnh mẽ các hoạt động nâng cao chất lượng dân số

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: Công tác DS-KHHGĐ luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo và đầu tư cùng với sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn. Cùng với thuận lợi đó, ngay từ đầu năm 2017, Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ TP Hà Nội đã triển khai đồng bộ các kế hoạch, đồng thời kiểm tra giám sát việc triển khai đó nên công tác dân số đã đạt được những kết quả tốt. Năm 2017, công tác DS-KHHGĐ TP Hà Nội đã đạt và vượt các chỉ tiêu kế hoạch của thành phố và Trung ương giao; tạo cơ sở để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 5 năm 2016-2020. Số sinh toàn thành phố năm 2017 là 117.078 trẻ; tỷ suất sinh đạt 15,3‰ giảm 0,4‰ so với năm 2016; số sinh con thứ 3 trở lên là 7.788 trẻ, đạt tỷ lệ 6,7% giảm 0,1% so với năm 2016; TSGTKS là 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái; tỷ lệ sàng lọc trước sinh là 74 % số bà mẹ mang thai; tỷ lệ sàng lọc sơ sinh đạt 83,9% số trẻ sinh ra.

Theo ông Hoàng Đức Hạnh, để nâng cao chất lượng dân số, thời gian qua Hà Nội đã triển khai Đề án Tầm soát, phát hiện một số tật, dị tật bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh. Trong năm 2017, đã tổ chức sàng lọc khiếm thính tại cộng đồng cho trẻ từ 0-5 tuổi; tổ chức khám sàng lọc cho 10.634 trẻ mầm non tại 11 huyện, đã phát hiện 1.080 trẻ nghi ngờ nghe kém, trong đó chẩn đoán xác định và điều trị 69 trẻ nghe kém. Sàng lọc can thiệp tan máu bẩm sinh tại các xã xa trung tâm, xã khó khăn. Ngành Dân số Hà Nội đã phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương khám sàng lọc cho hơn 5.000 học sinh THPT tại 5 huyện Ba Vì, Thạch Thất, Chương Mỹ, Mỹ Đức, Quốc Oai; tư vấn bệnh cho gia đình trẻ mang gene bệnh và mắc bệnh, kết quả xét nghiệm huyết thanh là 167 em, xét nghiệm feritin huyết thanh 167 em, điện di huyết sắc tố 889 em. Cùng đó là sàng lọc tim bẩm sinh cho 4.600 ca tại khoa Sản của 10 bệnh viện tuyến huyện và 1.500 ca tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong đó 171 ca nghi ngờ, chẩn đoán xác định 70 ca. Tại Trung tâm Sàng lọc, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thực hiện sàng lọc bệnh lý tim bẩm sinh cho 19.696 trẻ sinh tại bệnh viện, 51 ca nghi ngờ có bệnh lý…

Bên cạnh đó, các mô hình nâng cao chất lượng dân số như mô hình chăm sóc người cao tuổi ở cộng đồng; tư vấn và kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân; chăm sóc SKSS vị thành niên, truyền thông chăm sóc SKSS-KHHGĐ tới vùng dân cư đặc thù…

Tỷ số giới tính khi sinh đã “hạ nhiệt”

Hà Nội là một trong 2 địa phương có số dân lớn nhất cả nước, trong top đầu tàu về kinh tế, chính trị cũng ở tình trạng mất cân bằng GTKS với những diễn biến khá phức tạp.

TSGTKS của Hà Nội luôn cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Năm 2009, TSGTKS của Hà Nội rất cao, 118 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái. Trong những năm gần đây, Hà Nội đã có nhiều giải pháp quyết liệt để giảm thiểu tình trạng này. UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch Kiểm soát mất cân bằng GTKS giai đoạn 2016-2025, 30/30 quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các hoạt động trên địa bàn theo đúng hướng dẫn của thành phố. Công tác tuyên truyền về mất cân bằng GTKS được đẩy mạnh tới các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; lãnh đạo tổ chức chính trị xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, người có uy tín ở cộng đồng.

Ông Hoàng Đức Hạnh cho hay: Bên cạnh việc phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng sản xuất các phóng sự, tin bài tuyên truyền, ngành Dân số Hà Nội còn tổ chức lồng ghép nội dung về giới, bình đẳng giới, mất cân bằng GTKS vào chương trình giảng dạy tại các trường chính trị; tổ chức cuộc thi các tác phẩm báo chí tuyên truyền về bình đẳng giới, mất cân bằng GTKS. Các đội ngũ báo cáo viên nòng cốt cấp thành phố, cán bộ dân số, cán bộ ban ngành, đoàn thể, cộng tác viên dân số cùng các thanh niên nam nữ chuẩn bị kết hôn, các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ đều được tập huấn, cung cấp kiến thức về hệ lụy của mất cân bằng GTKS.

Với những nỗ lực của những người làm công tác dân số và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị của Thành phố, TSGTKS của Hà Nội đã từ 117 (năm 2010, 2011) xuống 114,5 năm 2014. Trong các năm liên tiếp 2015 – 2016, TSGTKS của Hà Nội đã được khống chế ở mức 114. Năm 2017, TSGTKS của Hà Nội là 113,5. “Trong tình hình chung, TSGTKS diễn biến phức tạp và vẫn có xu hướng tăng, việc Hà Nội khống chế tỉ số này không tăng trong 3 năm liền đã là một kết quả to lớn; nhất là khi Hà Nội được giao chỉ tiêu không tăng quá 0,4 điểm phần trăm/năm”, ông Tạ Quang Huy, Chi Cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ TP Hà Nội chia sẻ.

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ và ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ đều đánh giá cao những nỗ lực của ngành Dân số Hà Nội, đồng thời chỉ đạo những hoạt động cần triển khai, đặc biệt là giảm thiểu tình trạng mất cân bằng GTKS. Ông Nguyên Văn Tân cũng nhấn mạnh: Để đưa TSGTKS về mức cân bằng tự nhiên, Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chỉ rõ: Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng GTKS. Rà soát, bổ sung quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Ngăn ngừa có hiệu quả việc lạm dụng khoa học – công nghệ để lựa chọn giới tính thai nhi. Đẩy mạnh công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Theo đó, mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2030 là TSGTKS dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Ông Nguyễn Văn Tân tin rằng, với sự quan tâm và đầu tư nguồn lực cùng với sự nỗ lực của ngành Dân số và của các ban ngành liên quan, Hà Nội sẽ giảm được tình trạng mất cân bằng GTKS và sẽ đạt được nhiều thành công trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Tại Hội nghị, đã có 6 tập thể và 8 cá nhân được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế; 6 tập thể và 3 cá nhân nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND TP; có 3 tập thể được nhận cờ “Đơn vị xuất sắc phong trào thi đua” của UBND TP Hà Nội.

Báo Gia đình & Xã hội đoạt giải A cuộc thi tuyên truyền về mất cân bằng GTKS

Cũng tại Hội nghị, Hội Nhà báo TP và Chi cục DS-KHHGĐ Hà Nội đã trao giải “Báo chí viết về bình đẳng giới, mất cân bằng GTKS”. Theo Ban Tổ chức, cuộc thi được phát động từ tháng 6 đến tháng 10/2017, đã nhận hàng trăm bài dự thi với các thể loại báo in (báo viết), báo nói (phát thanh) và báo hình (truyền hình), báo ảnh, báo điện tử viết về đề tài bình đẳng giới, mất cân bằng GTKS. Các bài viết đều phản ánh được thực trạng, những khó khăn, trăn trở và giải pháp của những người làm công tác dân số, của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và cả người dân.

Mất cân bằng tỉ số giới tính khi sinh (TSGTKS – số bé trai/100 bé gái sinh ra sống) xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2006, muộn hơn rất nhiều so với những nước có tình trạng tương tự. Tuy nhiên, dù xuất hiện muộn nhưng TSGTKS tại nước ta lại tăng rất nhanh với những diễn biến khá phức tạp. Các nhà nhân khẩu học cho rằng, nếu không có những biện pháp can thiệp quyết liệt, Việt Nam sẽ thiếu khoảng 2,3 – 4,3 triệu phụ nữ vào năm 2050, gây hệ lụy biến động xã hội theo chiều hướng xấu: Sự khan hiếm cô dâu có thể dẫn đến việc phụ nữ phải kết hôn sớm, tỉ lệ ly hôn và tái hôn của phụ nữ sẽ cao, có sự cạnh tranh, giành giật trong quá trình tìm kiếm bạn đời; nguy cơ gia tăng tình trạng mua bán phụ nữ và trẻ em, đặc biệt dễ gia tăng tình trạng mại dâm, xâm hại tình dục…

Các nhà báo và các cây bút không chuyên tham dự cuộc thi đã góp một tiếng nói mạnh mẽ giúp toàn xã hội nhận thức và hành động giảm thiểu mất cân bằng GTKS; tránh những hệ lụy mà các nhà nhân khẩu học đã cảnh báo.

Ban Tổ chức đã trao 1 giải A, 3 giải B, 5 giải C và 7 giải Khuyến khích cho các cá nhân có tác phẩm xuất sắc. Nhà báo Bùi Thị Việt Hà (bút danh Hà Thư) vinh dự nhận giải A với tác phẩm “Áp lực mang tên “đứa đi giật lùi””. M.Việt

Hà Anh