Nhiều thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

0
359

GiadinhNet – Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011, với tỷ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi chiếm 10% dân số. Việt Nam hiện có hơn 10 triệu người cao tuổi, dự báo đến năm 2030, sẽ có gần 19 triệu và năm 2050 là hơn 28 triệu người. Theo các nhà nhân khẩu học, sự chuyển đổi nhân khẩu học lớn lao này mang đến nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức cho Việt Nam.


Khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho NCT thuộc gia đình chính sách tại Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc

Khám sức khỏe và cấp thuốc miễn phí cho NCT thuộc gia đình chính sách tại Hà Nội. Ảnh: Dương Ngọc

Già hóa vừa là thành tựu vừa là thách thức

Theo PGS.TS Phạm Lê Tuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam được các nhà khoa học trong nước và quốc tế dự báo thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Việt Nam chỉ mất khoảng 20-22 năm để chuyển từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già. Vì thế, Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (NCT).

“Sự chuyển đổi nhân khẩu lớn lao này mang đến những cơ hội và cả những thách thức lớn, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội của quốc gia và từng địa phương, tới mọi cộng đồng và mỗi gia đình, đòi hỏi hệ thống chăm sóc xã hội và chăm sóc sức khỏe cần có sự điều chỉnh, thích nghi phù hợp” – Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhận định.

Với đời sống kinh tế – xã hội và hệ thống y tế phát triển, tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng cao, với mức trung bình là 75,6 tuổi, đứng thứ 2 trong khu vực và đứng thứ 56 trên thế giới. Tuy nhiên, gánh nặng bệnh tật của người Việt cũng lớn, thời gian đau ốm trong cả cuộc đời khoảng 15,3 năm. Hiện nay, chúng ta đang phải đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, trung bình 1 NCT Việt Nam mắc 3 bệnh với khoảng 95% NCT có bệnh, chủ yếu là bệnh mãn tính không lây truyền. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe NCT chưa đáp ứng những nhu cầu ngày càng tăng của NCT.

Thực tế cho thấy, hệ thống cơ sở chăm sóc sức khỏe NCT bước đầu được hình thành và phát triển từ Trung ương cho tới địa phương. Nhiều mô hình chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng được nhân rộng. Tuy nhiên, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho NCT hiện vẫn chưa bắt kịp với sự chuyển đổi nhân khẩu học mạnh mẽ này. Hiện cả nước chỉ có 49/63 bệnh viện tỉnh, thành phố có khoa Lão, 3 cơ sở đào tạo bộ môn Lão khoa. Khoa Lão vừa điều trị bệnh, vừa điều trị phục hồi chức năng cho NCT nên không chỉ cần thuốc men, trang thiết bị y tế mà cả chế độ dinh dưỡng, luyện tập cũng phải được lưu ý.

Bên cạnh những khó khăn trong chăm sóc sức khỏe thì một khó khăn lớn nhất có thể thấy được là đời sống vật chất của NCT Việt Nam còn thấp. Có tới 68% NCT Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp. 72,3% số NCT sống cùng với con cháu, trong khi xu hướng quy mô gia đình Việt Nam đang chuyển dần từ gia đình truyền thống sang gia đình hạt nhân. Tình trạng NCT sống không có vợ/chồng chiếm tỷ lệ cao, số cụ bà cô đơn cao gấp 5,44 lần so với cụ ông; phụ nữ cao tuổi sống ly hôn, ly thân gấp 2,2 lần so với nam giới. Với sức khỏe của NCT còn nhiều hạn chế thì việc phải sống một mình là một điều rất bất lợi với NCT, bởi gia đình luôn là chỗ dựa cơ bản cho mỗi thành viên khi về già.

Cần xây dựng chính sách đồng bộ, thích ứng

Nhiều quan điểm cho rằng “già hóa” dân số sẽ là gánh nặng cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, các nhà xã hội học và chuyên gia dân số cho rằng đây là một quan điểm sai lầm mà chúng ta phải thay đổi hoàn toàn: Phải coi già hóa dân số là thành tựu xã hội to lớn của loài người và các quốc gia. Hiện nay, có một bộ phận NCT khỏe mạnh là nguồn nhân lực quý giá mà ta chưa biết cách sử dụng đến. Nếu được hỗ trợ một cách phù hợp thì NCT có thể tiếp tục đóng góp to lớn cho gia đình, cộng đồng và quốc gia.

Tại Hội thảo “Nâng cao nhận thức về già hóa và nhu cầu chăm sóc NCT” do Viện Nghiên cứu Y – Xã hội học (ISMS) tổ chức, bà Phạm Tuyết Nhung, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam đưa ra quan điểm: Cần chuyển quan niệm nhận thức “NCT là gánh nặng” thành “NCT là tài sản” thì mới có những chính sách, chương trình phù hợp với nhu cầu được chăm sóc và mong muốn phát huy vai trò của NCT. Còn theo PGS Giang Thanh Long, Viện trưởng Viện Chính sách Công và Quản lý thì vấn đề đặt ra là phải tìm ra các giải pháp để phát huy sức mạnh của cả cộng đồng trong việc chăm sóc NCT, đồng thời đề xuất các khuyến nghị nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc NCT ở nước ta. Còn theo bà Lê Minh Giang, cần đưa ra nhiều đề xuất trong đó cần tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe NCT cả ở cộng đồng, ở nhà với chăm sóc tại các cơ sở của nhà nước và tư nhân; đặc biệt xây dựng và phát triển hệ thống người làm công tác xã hội, các nhà cung cấp dịch vụ lão khoa… dựa trên nhu cầu của từng địa phương.

Các ý kiến của các chuyên gia và các nhà nghiên cứu chính sách đều cho rằng, việc xây dựng chính sách, chiến lược chăm sóc NCT mục đích cuối cùng phải đạt 3 tiêu chí: Tỷ lệ tàn tật và ốm đau NCT xuống thấp, các hoạt động chân tay và trí óc của NCT được phát huy để tăng trưởng kinh tế và NCT được tích cực tham gia các hoạt động xã hội để xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Để đạt được mục tiêu trên, các chính sách cần đồng bộ, nhanh chóng để ứng phó và thích ứng kịp với một xã hội già hóa.

“Bệnh tật ở NCT chủ yếu là không lây nhiễm và mạn tính, khiến cho chi phí chăm sóc sức khỏe ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, NCT còn có những yêu cầu về chăm sóc sức khỏe khác biệt và đặc thù hơn nhiều so với nhóm dân cư khác”, Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn nhận định. Do đó, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh: “Bệnh viện Lão khoa cần tiếp tục phát huy vai trò là bệnh viện chuyên khoa hàng đầu về Lão khoa, là tuyến cao nhất trong hệ thống thăm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe cho NCT tại Việt Nam để cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật cho các địa phương trong cả nước”.

Những con số về NCT ở Việt Nam

70% NCT không có tích lũy vật chất; 62,3% sống khó khăn, thiếu thốn; 27,6% cho rằng kinh tế đang kém đi; 18% sống trong hộ nghèo (tuổi càng cao càng nghèo); hơn 30% sống trong nhà kiên cố; gần 10% sống trong nhà tạm; 35% cảm thấy thất vọng; 33% không biết chia sẻ vui, buồn cùng ai; 22% cảm thấy rất cô đơn.

(Nguồn: Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam)

Đề án Chăm sóc sức khỏe NCT giai đoạn 2017 – 2025 đã được Bộ Y tế ban hành từ ngày 30/12/2016 trên toàn quốc, gồm 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, ưu tiên các tỉnh, thành phố có tỷ lệ cao về NCT, các tỉnh vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, có tỷ lệ cao NCT gặp khó khăn, dân tộc thiểu số.

Minh Trang