Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên: Mối lo về mang thai và nạo phá thai không an toàn

0
187

GaidinhNet – Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) ở nước ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy công tác này vẫn còn nhiều thách thức đòi hỏi cần phải có những nhóm giải pháp đồng bộ và sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành liên quan.


Một buổi truyền thông chăm sóc SKSS vị thành niên tại Hà Nội. Ảnh: Chí Cường

Một buổi truyền thông chăm sóc SKSS vị thành niên tại Hà Nội. Ảnh: Chí Cường

Nhiều thách thức trong chăm sóc sức khỏe sinh sản

Tình trạng sức khỏe bà mẹ và trẻ em tuy đã được cải thiện, nhưng tai biến sản khoa và tử vong mẹ vẫn còn có sự khác biệt rõ rệt giữa các vùng, miền. Tử vong trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi tuy đã giảm mạnh nhưng tử vong sơ sinh còn cao (chiếm khoảng 70% số ca tử vong trẻ em dưới 1 tuổi, 50% số ca tử vong trẻ em dưới 5 tuổi). Khả năng tiếp cận và chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh, chăm sóc trẻ sơ sinh còn hạn chế ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Tình trạng đẻ tại nhà, đẻ không có cán bộ được đào tạo đỡ còn khá phổ biến ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ thăm khám bà mẹ và trẻ sơ sinh sau đẻ còn thấp.

Hoạt động cung ứng phương tiện tránh thai gặp khó khăn. Trong khi đó, những năm tới (2017-2030), do số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ tiếp tục tăng (dự kiến đạt gần 27 triệu người vào năm 2020), nhu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai, nhất là các biện pháp tránh thai hiện đại sẽ tiếp tục tăng và luôn giữ ở mức cao. Tình trạng phá thai và hiếm muộn còn nhiều. Tỷ lệ phá thai, bao gồm cả phá thai ở thanh niên, vị thành niên còn cao. Tình trạng phá thai lặp lại còn khá phổ biến, phá thai không an toàn vẫn còn xảy ra. Tỷ lệ vô sinh còn cao, nhưng khả năng tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho người vô sinh còn hạn chế. Tình trạng nhiễm khuẩn đường sinh sản khá phổ biến, bệnh lây truyền qua đường tình dục – HIV/AIDS và ung thư đường sinh sản còn cao. Việc khám, phát hiện, điều trị, theo dõi và tư vấn sau điều trị chưa được quan tâm đúng mức.

Tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh để phát hiện sớm và dự phòng ung thư đường sinh sản chưa được triển khai rộng rãi. Sự kết nối giữa hệ thống dịch vụ chăm sóc SKSS và phòng, chống HIV/AIDS còn hạn chế. SKSS, sức khỏe tình dục (SKTD) ở các nhóm đối tượng đặc thù còn nhiều thách thức. Tình trạng quan hệ tình dục không an toàn, mang thai ngoài ý muốn và phá thai, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục ở vị thành niên và thanh niên có xu hướng gia tăng. Hiểu biết, hành vi về SKSS, SKTD của vị thành niên và thanh niên còn nhiều hạn chế. Kiến thức, thái độ và hành vi về DS-SKSS trong cộng đồng và ngay cả cán bộ y tế còn chưa cao. Dịch vụ chăm sóc SKSS nam giới, người cao tuổi, người di cư chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhận thức về giới trong cộng đồng rất hạn chế, thiếu hiểu biết về ảnh hưởng của bạo lực tình dục tới SKSS, SKTD của nạn nhân; thiếu hiểu biết về mối liên quan giữa lạm dụng chất gây nghiện và bạo hành giới; quan niệm lạc hậu về vai trò của nam và nữ, phụ nữ thiếu hiểu biết về quyền của bản thân.

Giáo dục, truyền thông nỗ lực nâng cao nhận thức người dân

Trên thực tế, sự phát triển của xã hội cũng đồng thời tạo ra những thách thức, đặc biệt trong lĩnh vực chăm sóc SKSS. Vị thành niên/thanh niên được coi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong xã hội đã trở thành nhóm mục tiêu của các hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông về SKSS ở Việt Nam.

Vị thành niên/thanh niên Việt Nam ngày nay đã có sự thay đổi về tập quán và văn hóa, như lập gia đình ở độ tuổi muộn hơn và gia tăng quan hệ tình dục trước hôn nhân. Theo số liệu điều tra chưa đầy đủ các viêm nhiễm lây truyền qua đường tình dục đã tăng lên 10 lần trong thập kỷ qua. Dường như tình trạng này chưa được cải thiện, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay khi mà số công nhân lao động nhập cư sống xa nhà, xa người thân đang làm tăng nguy cơ lây nhiễm nhiều hơn so với trước đây.

Vấn đề HIV/AIDS tại Việt Nam thực sự đáng lo ngại, số ca nhiễm HIV/AIDS theo báo cáo hiện nay thấp hơn so với số thực tế. Thêm vào đó, rất nhiều phương tiện thông tin đại chúng thường đề cập đến HIV/AIDS cùng với các tệ nạn xã hội như nghiện hút hay mại dâm đã là nguyên nhân gây ra kỳ thị của xã hội đối với những người bị nhiễm bệnh. Một thực tế đáng chú ý là “nạn dịch” này có nguy cơ sẽ lây sang rất nhiều người khác thông qua những khách hàng là gái mại dâm, đặc biệt cho đối tượng là công nhân lao động xa nhà. Kết quả là, chị em phụ nữ có quan hệ tình dục, có nguy cơ lây nhiễm HIV và từ đó có khả năng lây truyền cho con nếu có thai.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt trong lĩnh vực SKSS là vấn đề nạo phá thai. Ý thức phòng tránh thai kém cùng với nhận thức không đầy đủ về nguy cơ của phá thai, đặc biệt là phá thai không an toàn và cũng có thể là việc sử dụng các biện pháp tránh thai không thường xuyên được phản ánh thông qua tỷ lệ nạo phá thai cao và tỷ lệ này đang tiếp tục gia tăng ở Việt Nam.

Đáng ngại là trong khi thông tin, giáo dục, truyền thông đã nỗ lực nâng cao nhận thức của người dân nhưng rõ ràng họ chưa thực sự thay đổi được hành vi của mình. Nhiều bạn gái trẻ thiếu kiến thức cơ bản về tình dục hoặc không tin tưởng vào việc dùng bao cao su hay không yêu cầu bạn tình sử dụng bao cao su. Hơn nữa, sự nhìn nhận một cách tiêu cực về nạo phá thai đã gây nên tình trạng nhiều phụ nữ tiến hành nạo phá thai ở nơi bí mật và bất hợp pháp.

Kết hợp các nhóm giải pháp để nâng cao chất lượng dân số

Từ những hậu quả trên, các bậc phụ huynh cần làm gì để giáo dục trẻ: Phải dạy cho các em những kiến thức, kỹ năng cụ thể như cách từ chối tình dục, cách giữ gìn thân thể, cách thoát hiểm… Tùy theo lứa tuổi mà có phương thức, nội dung phù hợp. Ở trường học nên tổ chức vào giờ ngoại khóa, sinh hoạt chủ đề, phòng tư vấn và tùy nội dung có thể nam, nữ học riêng. Tại nhà bố mẹ nên dành thời gian trò chuyện tâm sự, giữa mẹ với con gái, bố với con trai. Đây chính là chìa khóa giúp con biết cách tự vệ, giữ gìn bản thân ở mọi hoàn cảnh, khi người khác có cái nhìn khiếm nhã, có động tác đụng chạm, người lạ rủ đi chơi, dụ cho ăn uống, cho quà… Vấn đề mấu chốt là trang bị cho con gái lứa tuổi vị thành niên kỹ năng sống và biết cách từ chối trước những đòi hỏi hoặc dụ dỗ từ bạn tình; những cách ứng xử hợp lý trong mọi tình huống để giúp con tránh được những nguy cơ có thể đến với chúng.

Ðể khắc phục những tình trạng đó, Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011- 2020 với nhiều nội dung quan trọng. Chiến lược xác định bảy giải pháp cụ thể, từ tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động truyền thông đối với tất cả các nhóm đối tượng, tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người cao tuổi và vị thành niên; nâng cao chất lượng truyền thông giáo dục; nâng cao chất lượng dịch vụ dành cho người cao tuổi, trẻ vị thành niên, chất lượng dịch vụ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; thực hiện đào tạo và tập huấn theo địa chỉ, theo nhu cầu, nhất là vùng sâu, vùng xa…

Các giải pháp để cải thiện tình trạng SKSS, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS trong Chiến lược không thể tập trung ưu tiên vào bất cứ một nhóm đối tượng đặc biệt nào, mọi nhóm đối tượng đều được quan tâm và mọi giải pháp đều được đặt trong một kế hoạch tổng thể và toàn diện. Ðó là sự kết hợp giữa những nhóm giải pháp về cơ chế quản lý, về xây dựng văn bản chính sách pháp luật, giải pháp về tài chính, đào tạo cán bộ chuyên môn kỹ thuật; cung ứng dịch vụ và xã hội hóa công tác chăm sóc SKSS. Như vậy, chất lượng SKSS nói riêng và sức khỏe người dân nói chung mới được cải thiện và nâng cao.

BS Mai Xuân Phương (Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông – Giáo dục, Tổng cục DS-KHHGĐ)