GiadinhNet – Chuyển đổi sang nội hàm về Dân số và Phát triển là một vấn để lớn và mới hoàn toàn khác với nội dung DS-KHHGĐ. Do đó, một giải pháp cần triển khai ngay là truyền thông vận động chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển. Bài học kinh nghiệm trong thực hiện thắng lợi NQ TW 4 khóa VII là ngay sau khi ban hành Nghị quyết TW4, Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược truyền thông vận động chuyển đổi hành vi sớm trước Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000.
Truyền thông vận động cần được triển khai sớm và đổi mới cả về nội dung và phương pháp truyền thông vận động. Ảnh: Dương Ngọc
Đổi mới để giải quyết toàn diện
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi. Các nước và các tổ chức quốc tế đều đề cao công tác dân số, coi đây là vấn đề có quan hệ gắn bó và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Tổ chức Liên Hợp Quốc ngay từ Hội nghị Dân số thế giới năm 1994 đã lựa chọn chủ đề “Dân số và Phát triển bền vững” làm chương trình chung khuyến nghị cho mọi quốc gia. Hiện nay quá trình toàn cầu hoá, đô thị hoá, công nghiệp hoá dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và biến đổi khí hậu, thay đổi về điều kiện, lối sống, môi trường sống và làm việc, môi trường sinh thái đã và đang dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về mô hình gia đình, kết hôn, ý thức và khả năng sinh sản, tăng nhanh quá trình di cư…
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XII tháng 10/2017 đã xem xét, đánh giá về những cố gắng và nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân ta trong việc thực hiện Nghị quyết TW Đảng lần thứ 4 khóa 7 về Chính sách DS-KHHGĐ đến năm 2015 và đề ra định hướng trong tình hình mới. Qua hơn 25 năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật là: Đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt được trước 10 năm và duy trì, ổn định được mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020 – 2030 với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng từ 65,3 tuổi lên 73,4 tuổi (cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người). Việt Nam được thế giới đánh giá là điểm sáng về công tác dân số và đã được nhận giải thưởng của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, chính sách hạn chế mức sinh kéo dài, rộng khắp cả nước cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu nhân khẩu học cũng đã phát sinh những hệ luỵ cần sớm được khắc phục, đòi hỏi phải có những đổi mới công tác dân số để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số. Trước Hội nghị TW 6, Ban Bí thư đã có Kết luận số 119-KL/TW ngày 4/1/2016. Trong đó xác định các vấn đề trọng tâm cần sớm thực hiện là: Phấn đấu duy trì ổn định vững chắc mức sinh thay thế; Giảm thiểu mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh đưa về mức cân bằng tự nhiên; Duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; Thích ứng với già hoá dân số; Nâng cao chất lượng dân số; Phân bố dân số phù hợp và quản lý dân cư. Trước tình hình mới Hội nghị TW 6 đã khẳng định tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Truyền thông vận động, cần triển khai trước một bước
Một giải pháp cần triển khai ngay là truyền thông vận động chuyển đổi hành vi về Dân số và Phát triển. Bài học kinh nghiệm trong thực hiện thắng lợi NQ TW 4 khóa VII là ngay sau khi ban hành NQTW4, Ủy ban Quốc gia DS-KHHGĐ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược truyền thông vận động chuyển đổi hành vi sớm trước Chiến lược DS-KHHGĐ đến năm 2000.
Chuyển đổi sang nội hàm về Dân số và Phát triển là một vấn đề lớn và mới hoàn toàn khác với nội dung DS-KHHGĐ. Do vậy công tác truyền thông vận động cần được triển khai sớm và đổi mới cả về nội dung và phương pháp truyền thông vận động:
1. Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm chính sách từ tập trung vào KHHGĐ sang Dân số và Phát triển. Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số trong mối quan hệ qua lại với phát triển kinh tế- xã hội.
2. Chính sách Dân số và Phát triển phải bảo đảm giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân. Tăng cường sự tham gia phối hợp liên ngành, phát huy vai trò, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các đoàn thể xã hội và đảm bảo mọi người dân đều có quyền và nghĩa vụ tham gia công tác dân số trong tình hình mới.
3. Đẩy mạnh công tác truyền thông vận động, tạo phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực người Việt Nam.
4. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt. Ngăn ngừa tư tưởng tâm lý không hạn chế số con. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp. Nâng cao nhận thức, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống.
5. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao.
6. Đổi mới toàn diện, nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.
Bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số, kiện toàn tổ chức bộ máy
Hội nghị TW 6 cũng đã khẳng định các quan điểm: Coi công tác Dân số và Phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững; Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.
Để sớm chuẩn bị thực hiện Nghị quyết TW 6 về công tác dân số trong tình hình mới, cần sớm hoạch định các giải pháp, chính sách, chiến lược và chương trình kế hoạch cụ thể. Trong diễn văn bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu định hướng chỉ đạo, đổi mới nội dung tuyên truyền vận động về công tác Dân số và Phát triển. Hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách; phát triển mạng lưới và nâng cao chất lượng dịch vụ về dân số. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Về đầu tư nguồn lực cho công tác Dân số và Phát triển nói chung và công tác truyền thông vận động nói riêng. Bảo đảm đủ nguồn lực đáp ứng yêu cầu triển khai toàn diện công tác dân số. Ngân sách nhà nước tập trung cho các hoạt động truyền thông, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, chi phí dịch vụ cho người nghèo, cận nghèo, đối tượng chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số. Trong những năm đầu cần tập trung đầu tư cho công tác truyền thông để kịp thời truyền thông chuyển đổi sang nội dung về Dân số và Phát triển trong tình hình mới.
Về tổ chức thực hiện, đẩy mạnh đào tạo, nâng cao năng lực, thực hiện chuẩn hóa đội ngũ cán bộ dân số các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu chuyển hướng sang chính sách Dân số và Phát triển. Đưa nội dung Dân số và Phát triển vào chương trình đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học hỗ trợ tích cực cho công tác truyền thông vận động.
Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác dân số theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiệu quả; bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đồng thời thực hiện quản lý chuyên môn thống nhất. Duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ cộng tác viên ở thôn, xóm, bản, làng. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành nhằm tăng cường chỉ đạo, điều phối hoạt động của các ngành, cơ quan có chức năng quản lý các lĩnh vực liên quan tới Dân số và Phát triển.
TS Nguyễn Quốc Anh (Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, thông tin và dữ liệu, Tổng cục Dân số, Bộ Y tế)