Tổng kết công tác dân số năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020: Ổn định tổ chức bộ máy, đầu tư mọi nguồn lực cho công tác dân số

0
115

GiadinhNet – Theo lãnh đạo Tổng cục Dân số, năm 2020, ngành Dân số sẽ chủ động duy trì mức sinh thay thế; giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh; quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Tổng kết công tác dân số năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020: Ổn định tổ chức bộ máy, đầu tư mọi nguồn lực cho công tác dân số - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: Chí Cường

Vượt khó đạt nhiều kết quả đáng khích lệ

Năm 2019 là năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Công tác dân số trong tình hình mới. Công tác dân số tiếp tục nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Bộ Y tế và chính quyền địa phương. Tuy nhiên năm 2019 cũng là năm công tác dân số cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó, “nổi cộm” là vấn đề kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy làm công tác dân số cấp huyện, xã ở địa phương. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý cán bộ và hiệu quả trong công tác chuyên môn về dân số.

Với nỗ lực vượt khó, toàn ngành Dân số từ Trung ương đến địa phương đã phấn đấu và hoàn thành một số chỉ tiêu cơ bản của kế hoạch năm 2019 nhưng vẫn còn nhiều chỉ tiêu chuyên môn không đạt. Đề cập cụ thể về vấn đề này, tại Hội nghị tổng kết công tác dân số năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020 và triển khai Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 do Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) tổ chức ngày 9/1, ông Đặng Văn Nghị, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính (Tổng cục Dân số) cho biết: Theo kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 vừa được công bố mới đây, quy mô dân số nước ta là 96,2 triệu người. Như vậy, nước ta đã tăng thêm 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm 2018, tương đương tỷ lệ tăng dân số là 1,56%, không đạt kế hoạch năm 2019 (chỉ tiêu dân số là 95,7 triệu người, tỷ lệ tăng dân số là 1,06%).

Bên cạnh đó, theo Tổng cục Thống kê, tổng tỷ suất sinh cả nước năm 2019 là 2,09 con, đây là năm thứ ba liên tiếp mức sinh dưới mức sinh thay thế (năm 2017 là 2,04 con, năm 2018 là 2,05 con). Tuy nhiên, hiện nay mức sinh rất khác biệt giữa các vùng miền, khu vực.

Theo ông Đặng Văn Nghị, tại thời điểm ngày 1/4/2019, tỷ số giới tính khi sinh trên cả nước là 111,5 bé trai/100 bé gái. Tuy nhiên, kết quả Tổng cục Dân số tổng hợp từ các tỉnh, thành phố, tính đến ngày 31/12/2019, con số này là 108 bé trai/ 100 bé gái. Như vậy, nếu so kế hoạch đặt ra là 114 bé trai/100 bé gái thì chúng ta đã hoàn thành chỉ tiêu khống chế tỷ số giới tính khi sinh, dù tỷ số giới tính khi sinh vẫn đang ở mức cao.

Cũng theo báo cáo tại Hội nghị, năm 2019, tỷ lệ người sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại ngày càng tăng; tỷ lệ bà mẹ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt và vượt kế hoạch đề ra; công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi được chú trọng, số người cao tuổi được khám sức khỏe định kỳ ít nhất 1 lần/năm tăng. Riêng tỷ lệ trẻ em mới sinh được sàng lọc sơ sinh là 40%, tăng 2% so với năm 2018 nhưng không đạt kế hoạch đề ra (chỉ tiêu là 70%)…

Từ thực tế trên, theo lãnh đạo Tổng cục Dân số, năm 2020, ngành Dân số sẽ phấn đấu chủ động duy trì mức sinh thay thế; giảm chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh; quản lý chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Tiếp tục chuyển trọng tâm sang Dân số và Phát triển

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho biết: Công tác dân số trong thời gian qua luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, chính quyền các cấp quan tâm. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 6 khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình Hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW. Và mới đây, ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1679/QĐ-TTg Phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, trong giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng ban hành Chiến lược chung là Dân số và sức khỏe sinh sản thì nay chúng ta có một Chiến lược riêng về dân số đến năm 2030. Theo đó, nội dung chủ đạo của Chiến lược này là quán triệt sâu sắc và triển khai đầy đủ Nghị quyết số 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới. Tập trung mọi nỗ lực, chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang thực hiện và đạt được các mục tiêu toàn diện cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, đặc biệt là chất lượng dân số và được đặt trong mối quan hệ hữu cơ với các yếu tố kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Chiến lược gồm 8 mục tiêu cụ thể và 8 giải pháp để thực hiện mục tiêu tổng quát là duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý và nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.

“Chiến lược Dân số được ban hành là dấu mốc quan trọng của ngành Dân số, thể hiện cam kết chính trị mạnh mẽ cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc chuyển trọng tâm công tác dân số từ DS-KHHGĐ sang Dân số và Phát triển; coi dân số là yếu tố quan trọng hàng đầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Công tác dân số là nhiệm vụ chiến lược, vừa cấp thiết, vừa lâu dài, là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”, Tổng cục trưởng Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh.

Tập trung mọi nguồn lực cho công tác dân số

Tổng kết công tác dân số năm 2019, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020: Ổn định tổ chức bộ máy, đầu tư mọi nguồn lực cho công tác dân số - Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên.

Trong bối cảnh công tác dân số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên ghi nhận những nỗ lực mà ngành Dân số đã đạt được trong thời gian qua, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng sống của người dân.

Theo Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên, việc nâng cao chất lượng dân số không chỉ là việc của ngành Y tế, Dân số mà của toàn xã hội. Do đó, để đạt được các mục tiêu mà Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về  Công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đã đề ra, việc quan trọng là cần tập trung mọi nguồn lực hoàn thiện thể chế, cụ thể là hoàn thành các Đề án trong Chương trình hành động của Chính phủ, đặc biệt là các Đề án cụ thể hóa các nội dung của Nghị quyết 21-NQ/TW. Bên cạnh đó, xây dựng nền tảng pháp lý vững chắc cho việc đưa Nghị quyết 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đi vào thực tiễn cuộc sống.

Về vấn đề tổ chức bộ máy làm công tác dân số, Thứ trưởng cho biết, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu trình Chính phủ hoàn thiện, kiện toàn về tổ chức, bộ máy làm công tác dân số; quy định chức năng, nhiệm vụ về dân số đối với Trung tâm Y tế đa chức năng tuyến huyện. Đồng thời, tham mưu, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia điều phối về Dân số và Phát triển hoặc Ban Chỉ đạo về công tác dân số để điều phối liên ngành nhằm thực hiện hiệu quả công tác dân số trong tình hình mới.

Đối với các tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên đặc biệt nhấn mạnh: “Các cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm hơn đến công tác dân số”. Sở Y tế cần phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương tham mưu trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 phù hợp với từng thời kỳ, giai đoạn và tình hình thực tiễn của địa phương.

Cùng với đó, củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy làm công tác dân số ở cấp tỉnh, huyện, xã theo hướng hiệu lực, hiệu quả phù hợp với trọng tâm công tác dân số trong tình hình mới; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc chuyển hướng chính sách dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển; thúc đẩy phong trào nhân dân thực hiện mỗi gia đình sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, không lựa chọn giới tính khi sinh, nâng cao chất lượng dân số qua việc thực hiện khám sức khỏe tiền hôn nhân, tầm soát, chẩn đoán bệnh tật trước sinh và sơ sinh…

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, các địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương để triển khai thực hiện công tác dân số; chủ động bố trí nguồn kinh phí ở địa phương để triển khai công tác dân số, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu về dân số đã đề ra.

Để đưa Nghị quyết 21-NQ/TW về Công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030 đi vào thực tiễn cuộc sống, tại Hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh, việc quan trọng nhất là cần nhanh chóng ổn định bộ máy tổ chức làm công tác dân số ở địa phương để cán bộ có thể chuyên tâm làm việc. Từ đó, nỗ lực phấn đấu để hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Thậm chí, có ý kiến thẳng thắn cho rằng:“Rất khó để hoàn thành các mục tiêu của Nghị quyết 21-NQ/TW vì thực tế bộ máy làm dân số đang lộn xộn, bất ổn và rời rạc”.

 Mai Thùy