Từ nước Ý, nhìn về mối liên hệ giữa dịch bệnh và già hóa dân số

0
132

GiadinhNet – Chỉ trong thời gian ngắn, nước Ý đã trở thành “tâm dịch” COVID-19 tại châu Âu và trở thành nước thứ 2 trên thế giới có số người mắc bệnh nhiều nhất sau Trung Quốc. Theo các chuyên gia, dân số già, tỷ trọng người cao tuổi lớn là một trong những nguyên nhân khiến Ý rơi vào khủng hoảng trong đại dịch COVID-19 này.

Từ nước Ý, nhìn về mối liên hệ giữa dịch bệnh và già hóa dân số - Ảnh 1.
Từ nước Ý, nhìn về mối liên hệ giữa dịch bệnh và già hóa dân số - Ảnh 2.

Người cao tuổi, mắc nhiều bệnh nền là đối tượng dễ mắc COVID-19. Ảnh minh họa

Nhóm dân số dễ tổn thương

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (COVID-19) đang có nhiều diễn biến phức tạp khó lường. Ngày 11/3, Tổ chức Y tế thế giới đã chính thức tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu. Dịch xuất phát từ Vũ Hán (Trung Quốc) sau đó lan rộng ra hơn 100 quốc gia trên thế giới. Hiện nay, châu Âu đang là tâm điểm lây lan dịch trong cộng đồng, đặc biệt là nước Ý khi số người mắc và tử vong vì COVID-19 ở quốc gia này ngày càng tăng lên một cách nhanh chóng.

Dịch COVID-19 bắt đầu xuất hiện ở Ý từ ngày 20/2 với 6 ca mắc bệnh. Chỉ chưa đầy một tháng sau, đến ngày 16/3, số người nhiễm bệnh tại nước này đã tăng lên hơn 24.000 người, tử vong là 1.809 người. Điều đáng chú ý, theo số liệu của Viện Y tế cao cấp (ISS) của đất nước này cho thấy, khoảng 62% số bệnh nhân mắc COVID-19 tại Ý là nam giới và hầu hết là những người cao tuổi. Các trường hợp trẻ em từ 0 – 9 tuổi mắc bệnh chiếm 0,5%; từ 10 – 19 tuổi chiếm 1%; từ 20 – 29 tuổi chiếm 3,5%.

Bên cạnh đó, đa phần số ca tử vong do COVID-19 ở nước này là những người trên 70 tuổi. Theo nghiên cứu, trên thế giới, số người tử vong vì COVID-19 chiếm 3,7% số người bị nhiễm. Ở Ý, tỷ lệ này lên tới 6% và tuổi trung bình của những người tử vong lên đến 80 tuổi.

Nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh tại Ý đang diễn biến vô cùng phức tạp, khó kiểm soát. Nguyên nhân khiến tỷ lệ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 tại quốc gia này cao hơn các nước khác là do tình trạng già hóa dân số. Hiện nước Ý có khoảng 61 triệu dân nhưng có xấp xỉ 14 triệu người cao tuổi (65 tuổi trở lên).

Theo tờ New York Times, Ý có dân số già nhất châu Âu, với khoảng 23% người dân có độ tuổi từ 65 trở lên và là một trong những quốc gia có dân số già nhất thế giới. Với tình trạng già hóa như vậy, người dân tại Ý dễ bị tổn thương hơn so với các nước khác trước dịch COVID-19.

COVID-19 “đánh thẳng” vào những người cao tuổi

Chia sẻ về thực trạng già hóa dân số tại Ý và mối liên hệ với đại dịch COVID-19, GS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho biết, tỷ lệ người mắc COVID-19 ở Ý mang đặc trưng tuổi và giới tính rất rõ rệt. Có thể nói COVID-19 đã “đánh thẳng” vào người cao tuổi, đặc biệt là các cụ ông.

Theo GS Nguyễn Đình Cử, số người bệnh tuổi 70 trở lên gấp hàng chục, thậm chí hàng trăm lần bệnh nhân trẻ cho thấy, tuổi tác càng cao, sức đề kháng càng thấp, lại có nhiều bệnh nền nên tỷ lệ người cao tuổi mắc bệnh, tử vong cao cũng là điều có thể hiểu được.

Trong khi đó, theo một trang tin của Pháp cho biết, khi dịch COVID 19 xảy ra ở Ý với số người tử vong tăng từng ngày, nhiều bác sĩ ở Lombardia (Ý) đã bật khóc khi buộc phải đứng trước sự lựa chọn: Dành máy trợ thở cho bệnh nhân cao tuổi hay người trẻ? Cuối cùng, họ đã không thể đưa tất cả các bệnh nhân trên 70 tuổi sang khoa Hồi sức vì thiếu thiết bị trợ thở.

Trước thực trạng mà nước Ý đang phải đối mặt, các chuyên gia y tế cảnh báo, người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị nhiễm chủng mới của virus corona nhất và nguy cơ tử vong cũng cao hơn so với các lứa tuổi khác. Theo TS.BS Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), thống kê mới về dịch bệnh COVID-19 gần đây cho thấy, tỷ lệ tử vong ở nhóm người cao tuổi là cao nhất.

Sở dĩ như vậy là bởi nhóm người cao tuổi thường có đa bệnh lý. Các bệnh lý mãn tính như: Tăng huyết áp, đái tháo đường, các bệnh xương khớp, phổi mãn tính… khiến sức đề kháng của người cao tuổi giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Do đó, khi bị nhiễm SARS – CoV-2 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó chuyển thành giai đoạn cấp nhanh hơn khiến bệnh nhân rất dễ tử vong.

Tại Việt Nam, đến ngày 16/3, trong số 41 bệnh nhân mới phát hiện và đang điều trị tại các cơ sở y tế, có 2 bệnh nhân diễn tiến nặng, phải thở máy, trong đó có một bệnh nhân cao tuổi người Anh (69 tuổi). Bệnh nhân này mắc đái tháo đường type 2, tăng huyết áp, được đặt thở máy, lọc máu ngày 15/3. Từ sáng 16/3, bệnh nhân được chuyển sang Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) theo dõi điều trị. Các bác sĩ tại đây đang nỗ lực điều trị tích cực cho bệnh nhân cao tuổi này.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA), dân số toàn cầu đang già hóa, dân số trên 65 tuổi tăng nhanh nhất trong tất cả các nhóm dân số. Năm 2019, cứ 11 người thì có 1 người trên 65 tuổi (chiếm 9%). Đến năm 2050, tỷ lệ này tăng lên cứ 6 người thì có 1 người trên 65 tuổi (16%).

Tại Việt Nam, nước ta chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 với tỷ trọng nhóm dân số trên 65 tuổi trở lên là 7%. Các nhà nhân khẩu học trong nước và quốc tế đều nhận định rằng, Việt Nam là nước có tốc độ già hóa dân số thuộc hàng nhanh nhất thế giới. Tốc độ già hóa nhanh, tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng đặt ra những thách thức không nhỏ cho Việt Nam, nhất là vấn đề y tế, chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan trong cộng đồng, các chuyên gia khuyến cáo, việc cần làm là nâng cao sức khỏe, ý thức tự giác phòng bệnh trong mỗi người dân. Với người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có nhiều bệnh lý thì bản thân các bệnh lý phải được kiểm soát tốt, kiểm soát bằng thuốc, bằng chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý. Đồng thời, quan trọng là khi có các triệu chứng bệnh, người cao tuổi phải đi khám ở các cơ sở y tế để có ngay các biện pháp điều trị cũng như cách ly kịp thời.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức, ý thức về sức khỏe cho mọi lứa tuổi để chuẩn bị cho một tuổi già khỏe mạnh, tránh bệnh tật hay nói cách khác dự phòng bệnh tật ngay từ khi còn trẻ. Xây dựng và củng cố mạng lưới y tế chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Đặc biệt là mạng lưới kiểm soát các bệnh mãn tính, đồng thời tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ngay tại cộng đồng để giúp người cao tuổi được “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.

Nước Anh muốn cách ly tất cả những người cao tuổi

Bộ trưởng Y tế Anh vừa xác nhận kế hoạch cách ly tất cả những người trên 70 tuổi trong 4 tháng trong thời điểm virus SARS-CoV-2 đang lây lan mạnh. “Việc cách ly những người già nằm trong kế hoạch. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn vào đúng thời điểm. Điều này được thực hiện nhằm bảo vệ họ”, Bộ trưởng Y tế Anh cho hay. Trước đó, biên tập viên Robert Peston của đài ITV cũng cho biết, chính quyền Anh nhiều khả năng sẽ áp dụng các biện pháp kiểu thời chiến và nhiều công cụ khẩn cấp khác, bao gồm cả việc cách ly những người già.

 Mai Thùy