GiadinhNet – Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, nhân việc Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh Quảng Nam có đề xuất về việc hỗ trợ phương tiện tránh thai cho người dân bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19.
Theo đó căn cứ vào Nghị quyết 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương từ đầu năm đến nay, tỉnh Quảng Nam bị ảnh hưởng rất lớn bởi dịch COVID-19, đời sống nhân dân gặp rất nhiều khó khăn.
Công văn ghi rõ, nhiều gia đình không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nhưng vì đại dịch dẫn đến thất nghiệp, khó khăn chồng chất. Thậm chí nhiều gia đình không có khả năng mua phương tiện tránh thai (PTTT) sử dụng để phòng tránh thai.
Trước diễn biến phức tạp của dịch, hiện nay toàn tỉnh tập trung vào việc phòng tránh và dập dịch. Để góp phần chia sẻ khó khăn của người dân, Chi cục DS-KHHGĐ Quảng Nam đề nghị Tổng cục Dân số hỗ trợ phương tiện tránh thai (que cấy, tiêm thuốc tránh thai, vòng tránh thai…) để cấp cho tất cả người dân không thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Cán bộ dân số tuyên truyền về cách phòng, tránh thai cho người dân tại TP Ðà Nẵng. Ảnh: T.L
Bà Đặng Quỳnh Thư – Vụ trưởng Vụ Quy mô Dân số – KHHGĐ (Tổng cục Dân số) cho biết, vừa qua Tổng cục Dân số đã tìm hiểu và nắm bắt thông tin về nhu cầu PTTT của người dân của các tỉnh thành phố, đặc biệt là các tỉnh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thông tư 26/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp thực hiện chương trình mục tiêu y tế, dân số giai đoạn 2016-2020 chỉ rõ, đối tượng được cấp miễn phí phương tiện tránh thai gồm: “Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người dân sống tại xã thuộc tỉnh có tổng tỷ suất sinh trên 2,3 con; người làm việc trên biển trước khi đi biển dài ngày (từ 15 ngày trở lên) và khi cập bờ vào các âu thuyền tại các xã ven biển có từ 200 người trở lên làm việc trên biển”.
Chính vì vậy, theo bà Quỳnh Thư, nhu cầu được cấp miễn phí PTTT ở Quảng Nam cũng như các tỉnh thành khác đối với những đối tượng trên là hoàn toàn chính đáng, giúp người dân phòng tránh mang thai ngoài ý muốn, bảo vệ sức khoẻ trong bối cảnh bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19.
Ông Nguyễn Doãn Tú – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số cho hay, những người thuộc diện trên đều được cấp miễn phí các PTTT theo quy định. Tuy nhiên, trên thực tế, những đối tượng trên ở Quảng Nam chỉ khoảng 10,9% trong tổng số dân, trong khi đó nhu cầu của người dân là rất cao, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay.
Ông Nguyễn Doãn Tú cho biết thêm, sau khi nhận được ý kiến đề xuất của một số tỉnh thành, trong đó có Quảng Nam, Tổng cục Dân số đã trình ngay lãnh đạo Bộ Y tế. Lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo ngay các vụ, đơn vị chức năng họp bàn tìm cách giải quyết vấn đề trên.
“Quan điểm của Tổng cục Dân số rất mong muốn Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành khác cấp PTTT miễn phí cho người dân ở các tỉnh có mức sinh cao (theo Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030″ là 33 tỉnh, thành phố có mức sinh cao – PV) chứ không riêng gì đối tượng nghèo, cận nghèo và các đối tượng đã nêu trong thông tư 26” – Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số Nguyễn Doãn Tú nhấn mạnh.
Hà Anh