GiadinhNet – Dù toàn quốc duy trì ổn định ở mức sinh thay thế (2,09 con) nhưng mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực.
Bên cạnh đó, chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình đạt 73,6 tuổi, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người; tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh; tầm vóc, thể lực người Việt Nam từng bước được cải thiện.
Dù vậy, công tác dân số cũng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, trong đó có vấn đề quy mô dân số, mức sinh. Dù toàn quốc duy trì ổn định ở mức sinh thay thế (2,09 con) nhưng mức sinh giữa các vùng có chênh lệch khá lớn. Xu thế mức sinh giảm xuống quá thấp đã xuất hiện ở nhiều khu vực.
Nghị quyết số 21 NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới đã xác định 8 mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó mục tiêu thứ nhất là “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế, qui mô dân số 104 triệu người”.
Nhằm đưa các đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống bao gồm cả hai nội dung dân số và phát triển, đồng thời chỉ ra những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần thực hiện từ nay đến năm 2030 để đạt các mục tiêu đã đề ra của Nghị quyết 21, ngày 22/11/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Chiến lược đề ra 8 mục tiêu cần đạt vào năm 2030, trong đó có việc duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; bảo vệ và phát triển dân số các dân tộc thiểu số có dưới 10 nghìn người, đặc biệt là những dân tộc thiểu số rất ít người có nguy cơ suy giảm giống nòi.
Kết quả cuộc Tổng điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 cũng cho thấy, còn 4 trên 6 vùng có mức sinh cao hơn mức sinh thay thế. Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – KHHGĐ, mức sinh khác biệt đáng kể giữa các tỉnh, giữa các vùng miền, giữa nông thôn và thành thị. Khu vực kinh tế – xã hội nhiều khó khăn thì mức sinh cao, như miền núi trung du phía bắc và Tây Nguyên vẫn là 2,43 con; có nơi rất cao, ví dụ Yên Bái và Kon Tum cao tới 2,74 con. Trong khi đô thị, khu vực kinh tế – xã hội phát triển thì mức sinh đã xuống thấp, như vùng Đông Nam Bộ là 1,56 con; có nơi thấp xa so với mức sinh thay thế, thí dụ TP HCM là 1,39 con.
Dù đã có những điều chỉnh chính sách, quy định theo hướng làm tăng mức sinh, song ở hầu hết những nơi mức sinh đã xuống thấp, chưa có dấu hiệu tăng mức sinh trở lại, thậm chí vẫn tiếp tục giảm, nhất là các tỉnh phía Nam. Trong khi tại phía Bắc, mức sinh không ổn định, một số nơi đã tăng cao trở lại.
Cán bộ dân số vận động giảm sinh tại nhà người dân Nghĩa Phú, phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa). Ảnh: M.T
Ngày 28/4/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Quyết định số 588/QĐ-TTg Phê duyệt “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030“. Mục tiêu cụ thể, phấn đấu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có dưới 2 con); giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có trên 2,2 con); duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có từ 2 – 2,2 con).
Để làm được điều này, theo các nhà hoạch định chính sách, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa việc chuyển hướng công tác dân số từ tập trung vào việc giảm sinh sang duy trì mức sinh thay thế. Thống nhất nhận thức trong lãnh đạo và chỉ đạo cuộc vận động thực hiện mỗi gia đình, cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện sinh ít con ở những địa phương có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những nơi đạt mức sinh thay thế, sinh đủ 2 con ở những nơi có mức sinh thấp.
Bên cạnh đó, chuyển hướng chính sách dân số từ tập trung vào KHHGĐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề dân số bao gồm quy mô, cơ cấu, phân bổ và nâng cao chất lượng dân số; điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Trong đó, cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau.
Cụ thể, đối với địa phương có mức sinh cao, tiếp tục áp dụng và nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích như khuyến khích các cặp vợ chồng, gia đình, tập thể, cộng đồng không có người sinh con thứ ba trở lên; hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ KHHGĐ, bao gồm phương tiện tránh thai; bồi dưỡng, hỗ trợ người thực hiện nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, người vận động thực hiện KHHGĐ…
T.Nguyên