GiadinhNet – Trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống nhằm giúp cho người cao tuổi “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Trong khi các nước phát triển mất nhiều thập kỷ, có nước hàng thế kỷ mới chuyển đổi từ giai đoạn già hóa dân số sang giai đoạn dân số già như: Pháp: 115 năm; Australia: 73 năm; Trung Quốc: 26 năm …nhưng ở Việt Nam chỉ khoảng 26 năm.
Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế – xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi ở nước ta.
Buổi tập dưỡng sinh của người cao tuổi.
Người cao tuổi Việt Nam sống chủ yếu ở nông thôn, sống cùng con cháu; đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn. Người cao tuổi cũng đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” và thường mắc các bệnh mạn tính, bình quân mỗi người cao tuổi có 3 bệnh, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn. Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc sức khỏe ban đầu nói riêng chưa thích ứng già hóa dân số nhanh; việc xây dựng môi trường thân thiện với người cao tuổi và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức.
Ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Vụ Cơ cấu và chất lượng dân số thuộc Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), cho biết những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống nhằm giúp cho người cao tuổi “sống vui, sống khỏe, sống có ích”.
Hệ thống luật pháp, chính sách chăm sóc người cao tuổi tương đối đồng bộ và ngày càng được hoàn thiện. Luật Người cao tuổi (Luật 39/2009/QH12) có hiệu lực thi hành từ năm 2010 quy định trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội trong việc phụng dưỡng, chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi. Luật Người cao tuổi và các văn bản dưới luật quy định gia đình có trách nhiệm chủ yếu trong việc phụng dưỡng người cao tuổi; Nhà nước có chính sách hỗ trợ người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi nghèo không có người phụng dưỡng và người cao tuổi từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng.
Về chăm sóc sức khỏe (CSSK) người cao tuổi, Luật Người cao tuổi quy định về quyền và nghĩa vụ của người cao tuổi, trong đó có quy định về CSSK, tập trung vào CSSK ban đầu tại nơi cư trú và khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế.
Quyền được CSSK ban đầu của người cao tuổi được quy định cụ thể trong Điều 13 của Luật Người cao tuổi và được hướng dẫn chi tiết trong Thông tư số 35/2011/TT-BYT của Bộ Y tế. Trạm y tế xã là cơ sở y tế chính có trách nhiệm quản lý sức khỏe của người cao tuổi thông qua tuyên truyền giáo dục sức khỏe, lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe người cao tuổi, khám chữa bệnh (KCB) phù hợp với phân tuyến kỹ thuật và phối hợp với cơ sở KCB tuyến trên để tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người cao tuổi.
Quyền được CSSK ban đầu của người cao tuổi được quy định cụ thể trong Điều 13 của Luật Người cao tuổi. Ảnh minh hoạ
Đối với người cao tuổi cô đơn có bệnh nặng không đến cơ sở y tế thì trạm y tế xã có trách nhiệm gửi cán bộ đến KCB tại nơi cư trú và UBND xã có trách nhiệm đưa người cao tuổi cô đơn bệnh nặng tới cơ sở KCB theo đề nghị của trạm y tế. Nhà nước cũng khuyến khích tổ chức, cá nhân KCB cho người cao tuổi tại nơi cư trú.
Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020 (Quyết định số 1781/QĐ-TTg năm 2012) có mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc người cao tuổi; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi phù hợp với tiềm năng và trình độ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chương trình hành động đã được triển khai đi vào cuộc sống. Tại các tỉnh, thành phố có các trung tâm, nhà văn hóa, khu vui chơi dành cho người cao tuổi. Ngược lại người cao tuổi cũng tham gia vào các hoạt động xã hội, khẳng định vị trí, vai trò của người cao tuổi trong đời sống chính trị, văn hóa, kinh tế và xã hội. Người cao tuổi đã thực sự khẳng định không phải “lão lai tài tận” (tuổi cao thì năng lực hết) mà là “lão lai tài bất tận” (tuổi dù cao năng lực vẫn còn).
Nhận thức được tầm quan trọng của công tác dân số và tác động của chuyển đổi nhân khẩu học đến phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới với mục tiêu quan trọng là “tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số”.
Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-TW, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW, Chương trình Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1579/QĐ-TTg, ngày 13/10/2020 với mục tiêu chăm sóc và nâng cao sức khỏe người cao tuổi hướng tới già hóa khỏe mạnh, thích ứng với già hóa dân số nhanh, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030…
T.Nguyên