Phụ nữ sinh ít con nhất cả nước, TP HCM kiên trì kêu gọi người dân “sinh đủ hai con”

0
140

GiadinhNet – Tại thành phố đông dân nhất cả nước này, mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ chỉ sinh 1,39 con, thấp nhất cả nước và còn có thể thấp hơn nữa. Ngành dân số TP tiếp tục thông điệp truyền thông “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con”.

 Tại Hội nghị hưởng ứng Tháng Hành động Quốc gia về dân số và Ngày Dân số Việt Nam 26/12 vừa được tổ chức hôm 18/12, ông Phạm Chánh Trung, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số – KHHGĐ TP HCM, cho hay các số liệu báo cáo thống kê chuyên ngành cho thấy mức sinh của thành phố có thể tiếp tục giảm sâu trong thời gian tới, tác động trực tiếp đến cơ cấu dân số của thành phố.

Hiện mức sinh của TP HCM là 1,39, thấp hơn rất nhiều so với mức sinh thay thế (2,1 con). Trước đó, tổng tỷ suất sinh của TPHCM năm 2018 là 1,33 con. Số liệu từ năm 2000 đến 2018 cho thấy, tổng tỷ suất sinh của TP liên tục giảm (từ 1,76 năm 2000 còn 1,33 ở năm 2018), xu hướng khôi phục theo hướng tăng rất ít, năm 2008 (1,63), năm 2013 (1,68).

Phụ nữ sinh ít con nhất cả nước, TP HCM kiên trì kêu gọi người dân sinh đủ hai con - Ảnh 1.

Tư vấn, vận động người dân về việc sinh đủ hai con. Ảnh: N.Nam

Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan làm mức sinh sẽ tiếp tục giảm trên địa bàn TP. Đó là do áp lực cuộc sống và công việc làm xuất hiện tình trạng xu hướng kết hôn muộn, sinh con muộn, sinh ít con và không muốn sinh con ngày càng gia tăng; việc nuôi dạy con cái hiện nay đòi hỏi nhiều chi phí. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh và phát triển kinh tế cũng dẫn đến áp lực cho các gia đình trong tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt; tình trạng phá thai, tỷ lệ vô sinh có xu hướng gia tăng…

BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho rằng tình trạng mức sinh giảm trong nhiều năm, chỉ số giới tính khi sinh có nguy cơ mất cân bằng, là thách thức lớn của thành phố đông dân nhất nước này, cần nỗ lực giải quyết.

Ngành dân số TP HCM tiếp tục thông điệp truyền thông “Mỗi cặp vợ chồng sinh đủ hai con” nhằm tác động đến nhận thức của người dân, góp phần điều chỉnh, ứng phó với mức sinh hiện đang giảm sâu. Các câu lạc bộ tiền hôn nhân ở 24 quận, huyện tăng cường giới thiệu, tư vấn về chương trình khám sức khoẻ trước khi kết hôn.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của TP đang được kiểm soát đạt hiệu quả nhất định, tỷ số giới tính khi sinh là 106,4 bé trai/100 bé gái, chỉ cao hơn một chút so với tỷ lệ tự nhiên. Tuy nhiên nếu không duy trì các giải pháp can thiệp chủ động, tỷ số giới tính khi sinh của thành phố vẫn có thể tăng trong thời gian tới.

Trong một hội nghị diễn ra cùng ngày tại Hà Nội, bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê), cho biết trong vòng 30 năm qua, mức sinh của Việt Nam đã giảm gần một nửa. Tổng tỷ suất sinh (TFR) giảm từ 3,8 con/phụ nữ vào năm 1989 xuống còn 2,09 con/phụ nữ vào năm 2019.

Thông tin từ Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu chuyên sâu Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 do Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức này cũng cho thấy Việt Nam vẫn duy trì mức sinh ổn định ở mức thay thế trong hơn một thập kỷ qua, xu hướng sinh hai con vẫn phổ biến. Kết quả này tiếp tục khẳng định, Việt Nam đã thực hiện thành công Chương trình DS-KHHGĐ đối với mục tiêu giảm sinh.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA, cho biết kết quả cuộc Tổng Điều tra Dân số và Nhà ở năm 2019 khẳng định tổng tỷ suất sinh của Việt Nam ổn định ở dưới mức sinh thay thế (2,09 con/phụ nữ). Điều này cho thấy sự xem xét kịp thời của Chính phủ Việt Nam trong việc chuyển hướng công tác dân số từ KHHGĐ sang Dân số và Phát triển theo Chương trình Nghị sự năm 2030 về Phát triển bền vững.

Theo kết quả nghiên cứu chuyên sâu về mức sinh năm 2019, trong số 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hà Tĩnh là tỉnh có mức sinh cao nhất (2,83 con/phụ nữ), cao hơn gấp 2 lần so với địa phương có mức sinh thấp nhất là TP Hồ Chí Minh (1,39 con/phụ nữ).

Bà Vũ Thị Thu Thuỷ cho hay trong vòng 10 năm qua, toàn quốc có 29 tỉnh ghi nhận mức sinh giảm và 33 tỉnh ghi nhận mức sinh tăng. Sóc Trăng là địa phương duy nhất có mức sinh không thay đổi.

Hiện nay, mức sinh của khu vực nông thôn cao hơn của khu vực thành thị và cao hơn mức sinh thay thế, TFR tương ứng là 2,26 con/phụ nữ và 1,83 con/phụ nữ. Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên là các vùng có mức sinh cao nhất cả nước với TFR mỗi vùng là 2,43 con/phụ nữ. Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long là hai vùng có mức sinh thấp nhất cả nước, TFR tương ứng là 1,56 con/phụ nữ và 1,8 con/phụ nữ.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cảnh báo “tương lai gần” nếu mỗi gia đình chỉ sinh một con với công thức 4-2-1, nghĩa là một đứa trẻ được chăm sóc bởi hai bố mẹ và bốn ông bà nội ngoại, thì trong tương lai phải đối mặt với “thảm họa” theo công thức ngược lại 1-2-4, tức một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc hai bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại.

Kinh nghiệm tại một số quốc gia chỉ ra, nhiều nước thành công trong giảm sinh, nhưng một khi mức sinh xuống rất thấp thì các chính sách khuyến sinh hầu như không có tác động làm mức sinh tăng trở lại.

Quỳnh An